Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) ra đời từ năm 2005. Sân bay này được quy hoạch trên diện tích 5.000 ha thuộc địa bàn 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước (huyện Long Thành).
Theo kế hoạch, có khoảng 4.500 hộ dân với trên 14.400 nhân khẩu buộc phải di dời, nhường mặt bằng cho dự án.
Người dân trong vùng quy hoạch dự án sân bay Long Thành phải đi lại trên những con đường lầy lội. Ảnh: Ngọc An |
10 năm trôi qua, cảng hàng không lớn nhất Việt Nam này vẫn chưa được khởi công. Sự chậm trễ này đẩy người dân vào cảnh khốn cùng, “đi không nỡ, ở không xong”.
Ông Nguyễn Hữu Dương, người dân xã Cẩm Đường cho biết: “Chúng tôi chấp thuận mức đền bù, giải tỏa, di dời để nhường mặt bằng cho sân bay. Nhưng không biết đến bao giờ dự án mới thành hiện thực”.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hơn 3.900 căn nhà người dân (tổng diện tích hơn 350.000 m2) nằm trong vùng quy hoạch sân bay Long Thành. Diện tích đất của các hộ dân hơn 3.000 ha (chiếm hơn 60% diện tích đất thu hồi của dự án), trong đó đất trồng cây hàng năm và lâu năm chiếm 95%.
Trong khu vực này có 3 nghĩa trang phải di dời với hơn 2.000 ngôi mộ. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ dự kiến trên 13.000 tỷ đồng; trong đó bồi thường, hỗ trợ về đất trên 6.680 tỷ đồng, nhà và vật kiến trúc trên 840 tỷ đồng.
Để phù hợp các phương án đền bù, ngành chức năng buộc người dân giữ nguyên hiện trạng nhà cửa, đất đai… Những ngôi nhà xuống cấp chỉ được thay mái tôn, bọc lại lớp da hoặc sửa chữa những hạng mục nhỏ để đảm bảo chống thấm dột mỗi khi trời đổ mưa.
Theo bà Trần Thị Thanh (75 tuổi, ngụ xã Suối Trầu), ngôi nhà của bà được xây dựng từ năm 1990. Hiện tại, hệ thống cột kèo bằng gỗ đã mục, tường bong tróc, rạn nứt.
Mỗi lúc giông lốc, bà phải sang hàng xóm trú tạm vì sợ nhà đổ sập. Theo cụ bà 75 tuổi, khu vực sân và đường vào nhà không được san lấp, đổ bê tông nên khi trời đổ mưa là lầy lội như đầm lầy.
Không những phải sống trong nhà xuống cấp, dột nát, hàng nghìn hộ dân đang đối diện tình trạng mất nguồn thu nhập. Bà Nguyễn Thị Ngọc (57 tuổi) ngụ xã Cẩm Đường nói: “Diện tích 1,2 ha điều của gia đình đã già cỗi, năng suất kém nhưng không dám chặt bỏ để tái sản xuất vì không biết sẽ di dời vào thời gian nào".
Cột gỗ chống đỡ mái hiên nhà bà Trần Thị Thanh bị hư hỏng. Ảnh: Ngọc An |
Cũng theo bà Ngọc, cây điều cho thu hoạch thấp nên hai vợ chồng phải ra thị trấn Long Thành xin việc làm thêm để kiếm sống.
Nhiều hộ dân chấp nhận chuyển đổi diện tích cây công nghiệp kém hiệu quả sang chuyên canh cây ngắn ngày. “Trồng bắp, mì (sắn), đậu tương… thu nhập không cao bằng hồ tiêu, điều... nhưng đó là giải pháp tốt nhất để chờ dự án triển khai. Trước kia, 1 ha điều tôi thu về ít nhất 100 triệu đồng/năm. Giờ chuyển sang trồng mì, mỗi năm chỉ có 40 triệu đồng. Lợi nhuận thấp nhưng nếu duy trì cây công nghiệp già nua thì không có thu nhập”, một nông dân cho biết.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được thành lập cũng là lúc cuộc sống người dân bị bó buộc trong hàng loạt quy định của luật pháp. Họ không được làm các thủ tục tách hộ khẩu, tách sổ đỏ, không được bán nhà, bán đất… Nhiều hộ gia đình phải chung cảnh 2 đến 3 thế hệ trong một căn nhà.
Để có điện sinh hoạt, người dân tại ấp 3, xã Suối Trầu (Long Thành) tự bỏ tiền xây dựng đường dây. Ảnh: Ngọc An |
Tại xã Suối Trầu, nhiều tuyến đường không được trải bê tông, nhựa nên thường xuyên có bụi bẩn vào mùa khô, lầy lội mỗi khi mưa về.
Ông Dương Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Suối Trầu nói: “Các công trình công cộng đã cũ, xuống cấp nhưng không có chủ trương xây mới nên hư đâu chúng tôi phải sửa đó. Người dân mong dự án sân bay sớm triển khai để ổn định cuộc sống”.
Sáng 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với 428/461 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 86,64%).
Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014). Trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn:
● Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường cất, hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
● Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất, hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
● Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.