Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sớm xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tạo đột phá Đông Nam Bộ

TS Trần Du Lịch nhận định cần sớm nắm bắt cơ hội thực hiện cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vì đây là bước đột phá cho không riêng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ mà còn là cả nước.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế phát biểu góp ý tại hội thảo. Ảnh: Anh Thư. 

Chiều nay 12/5, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Buổi thảo luận giữa các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh TP.HCM định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao và là đầu mối giao thương với quốc tế. Trong đó, Cần Giờ được nhắm đến là động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong chiều dài lịch sử phát triển của Sài Gòn - TP.HCM hơn 300 năm qua gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển.

Đến nay, hạ tầng cảng biển của thành phố đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, các cảng xây dựng đồng bộ, hiện đại, công nghệ mới, khai thác hiệu quả đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực phía nam.

cang Can Gio anh 1

Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường. Ảnh: Anh Thư.

"Việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển trong giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP.HCM nói riêng cũng như các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía nam nói chung", lãnh đạo TP.HCM nói.

TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là sự ấp ủ, nghiên cứu trong nhiều năm của nhiều chuyên gia, đơn vị, trong đó có nhà đầu tư, công ty vận tải đường biển MSC, một công ty hàng đầu thế giới kết hợp TP.HCM, Cảng Sài Gòn nghiên cứu.

"Công tác chuẩn bị được tính toán công phu trên nhiều mặt, nhưng khó khăn nhất là giải quyết tính nhạy cảm môi trường, vì cảng này nằm cạnh khu sinh quyển được công nhận là lá phổi của thành phố. Làm sao khai thác kinh tế mà không ảnh hưởng môi trường", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

cang Can Gio anh 2

Biển Cần Giờ có dạng một vịnh có nước sâu, nằm trong vùng ít bão và không thuộc vùng dưới mức nước biển khi mực biển dâng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ông Lịch nhìn nhận việc thực hiện dự án sớm sẽ tạo ra bước đột phá, không chỉ cho TP.HCM mà cả Đông Nam Bộ, mở ra cửa ngõ giao thương quốc tế tầm cỡ, ngang tầm các cảng trung chuyển quốc tế khác. Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ khai thác được lợi thế vận tải đường biển từ châu Á, sang châu Âu, sang châu Mỹ.

"Hiện chúng ta còn lép vế dù ở vị trí mặt tiền và có thế mạnh về kinh tế biển", TS Trần Du Lịch nói.

Vị chuyên gia khẳng định lợi thế rất quan trọng trong đề án này là ý tưởng quy hoạch của Nhà nước và lựa chọn của nhà đầu tư đã gặp nhau. "Tính khả thi tương đối cao, sẽ giải quyết được những vấn đề trước đây", ông Lịch nhận xét.

Góp ý thêm về đề án, TS Trần Du Lịch cho rằng đây là vấn đề không chỉ của riêng TP.HCM mà có tác động đến cả nước và Đông Nam Bộ, do đó cần có cơ chế phối hợp vùng đặc biệt giữa TP.HCM với Bà Rịa - Vũng Tàu trong quá trình triển khai.

"Bên cạnh việc hình thành cảng trung chuyển lớn thế này còn phát sinh nhiều vấn đề khác chứ không phải chỉ mỗi cầu cảng. Để làm sao như lộ trình 2027 đi vào hoạt động, tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt và chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội", ông Lịch nói.

Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ nằm đối diện với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện tại, là khu cảng có vị trí thuận lợi để thực hiện trung chuyển quốc tế. Cảng nằm gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, có nhiều lợi thế và thuận lợi cho phát triển hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics.

Nằm trong vùng kinh tế động lực phía Nam, cảng trung chuyển Cần Giờ thuận lợi thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế và có vị trí lý tưởng đối với các tuyến thương mại chính và nằm giữa Singapore và Hong Kong.

Cần Giờ sẽ có cảng trung chuyển "xanh, thông minh"

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast, đơn vị lập đề án) khẳng định cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng mức đầu tư dự kiến sơ bộ là gần 129.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,5 tỷ USD (bao gồm lãi vay trong giai đoạn xây dựng). Nguồn vốn do nhà đầu tư tự thu xếp.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tiềm năng rất lớn để cạnh tranh với các hub trung chuyển trong khu vực như Singapore hay Malaysia. Khi phát triển, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu có thể trung chuyển tại Cần Giờ thay vì tại các cảng trung chuyển quốc tế khác của Châu Á. Do vậy, Việt Nam có thể hưởng lợi từ chính các cơ hội thương mại mới bổ sung này.

cang Can Gio anh 3

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast). Ảnh: Anh Thư.

Từ 1980 đến nay, tăng trưởng vận tải container ổn định 5-10%/năm. Sản lượng vận tải container tăng từ 36 triệu teu năm 1980 lên 237 triệu teu năm 2000, 545 triệu teu năm 2010, đến 2020 lên tới 816 triệu teu và dự kiến đạt 978 triệu teu vào năm 2025. Các cảng khu vực Đông Nam Á sẽ chiếm khoảng 30% lượng hàng trung chuyển, tương đương 82-88 triệu teu vào 2025. Công suất các cảng trung chuyển quốc tế Đông Nam Á hiện đạt gần 53,6 triệu teu.

“Với tốc độ tăng trưởng như thế, dự kiến đến năm 2025, thị phần vận tải biển châu Á, Thái Bình Dương chiếm 60% toàn cầu”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho hay cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được định hướng theo hướng bền vững. Bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng.

Đưa Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành cảng hiện đại tầm cỡ thế giới, áp dụng hệ thống điều khiển thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng (Terminal Operating System - TOS).

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

TP.HCM đề xuất 6 tỷ USD đầu tư cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ

Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ sẽ tiếp nhận các tàu container trọng tải lớn nhất thế giới, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước và phát triển kinh tế biển cho cả nước.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm