Tại hội nghị góp ý về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay vùng TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 12/3, Trưởng phòng Xây dựng Đường bộ Sở GTVT TP.HCM Vương Quang Hưng đề cập về các đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung sân bay cỡ nhỏ (sân bay trực thăng) cho huyện Cần Giờ.
Theo ông Hưng, huyện Cần Giờ ngoài lợi thế sở hữu khu du lịch lớn đến 2.800 ha, đây cũng là một trong 4 khu đô thị mới được đề xuất quy hoạch. Việc bổ sung sân bay sẽ tăng phương thức kết nối giao thông từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đến khu du lịch Cần Giờ; đáp ứng nhu cầu dịch vụ, du lịch và phát triển kinh tế, xã hội khu vực.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được đề xuất xây dựng sân bay nhỏ để tăng phương thức kết nối giao thông từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tương lai, khi hình thành cảng hàng không mới, khách du lịch quốc tế và trong nước có nhu cầu đến Cần Giờ sẽ trực tiếp ra vào cảng hàng không mà không cần đi qua vùng lõi TP.HCM. Điều này sẽ góp phần giảm bớt lưu lượng, mật độ xe cộ và ùn tắc giao thông.
Mặt khác, đối với TP Thủ Đức, đại diện Sở GTVT cho rằng việc nghiên cứu bổ sung sân bay trực thăng cũng rất cần thiết để tăng khả năng phục vụ về y tế, dịch vụ, cứu hộ cấp bách...
Đồng quan điểm, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế hàng không, cho rằng tương tự câu chuyện phát triển tiềm năng du lịch cao cấp tại khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, việc định hướng TP Thủ Đức trở thành khu đô thị trung tâm, phục vụ giới tài chính, ngành chức năng cần nghĩ đến chuyện bổ sung sân bay trực thăng trong tương lai.
Chuyên gia đề xuất bổ sung sân bay trực thăng tại TP Thủ Đức để phát triển định hướng trung tâm tài chính. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Góp ý thêm, ông Lương Hoài Nam cho rằng quy hoạch hệ thống sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, cần bổ sung nhiều sân bay chuyên dùng. Sân bay chuyên dùng sẽ phục vụ cho máy bay cất hạ cánh thẳng đứng bằng động cơ điện hoặc đường băng ngắn.
"Sân bay chuyên dùng đã có mặt trên nhiều đất nước, và gần nhất là Trung Quốc. Trong kế hoạch quy hoạch 5 năm, từ 2015 đến 2020, họ có 2.800 sân bay như thế", TS Lương Hoài Nam nói.
Hiện, cả nước có 22 cảng hàng không, sân bay, gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Mục tiêu đến năm 2030, ngành giao thông tập trung đầu tư mới, mở rộng nâng cấp và khai thác hệ thống 26 cảng hàng không.
Trong đó, thị phần vận tải hàng không dự kiến đảm bảo 1,5-2% tổng sản lượng vận tải hành khách, 3-4% tổng sản lượng hành khách liên tỉnh và chiếm từ 0,05 đến 0,1% tổng sản lượng vận tải hàng hóa.