Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Có nên đặt sân bay ở Hải Phòng phục vụ Vùng Thủ đô?

Cho rằng việc đặt sân bay Vùng Thủ đô ở Hải Phòng là không phù hợp quy hoạch, chuyên gia đề xuất đưa sân bay này về Thanh Miện, Hải Dương.

quy hoach san bay vung thu do anh 1

UBND Hải Phòng vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT bổ sung dự án sân bay Tiên Lãng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, với vai trò là sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo chuyên gia quy hoạch, việc lựa chọn vị trí sân bay của Vùng Thủ đô phải dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó những địa phương nằm ngoài phạm vi vùng như Hải Phòng sẽ khó được phê duyệt.

Vùng Thủ đô không có Hải Phòng

Phạm vi Vùng Thủ đô trong quy hoạch hiện hành (Quyết định 768 của Thủ tướng ban hành ngày 6/5/2016) bao gồm Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.

quy hoach san bay vung thu do anh 2

Hải Phòng muốn xây dựng sân bay thứ 2 bên cạnh sân bay Cát Bi. Ảnh: Tiến Tuấn.

Trao đổi với Zing, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng Hải Phòng là địa phương nằm ngoài Vùng Thủ đô. Do đó, dự án sân bay Tiên Lãng không thể là sân bay Vùng Thủ đô được. Bên cạnh đó, khoảng cách từ Tiên Lãng về Hà Nội là hơn 100 km, quá xa để trở thành sân bay thứ 2 của Hà Nội.

Tuy nhiên, chuyên gia không phản đối việc Hải Phòng dành đất xây sân bay Tiên Lãng.

"Trong trường hợp sân bay Cát Bi phát triển đến 20-25 triệu hành khách/năm thì không thể mở rộng tiếp vì sân bay này nằm trong nội đô. Do đó, quy hoạch sân bay Tiên Lãng là cần thiết", ông Chính nhận định.

"Tôi kiến nghị lựa chọn vị trí sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô trước giai đoạn 2040. Phải xác định vị trí sớm để còn quản lý đất đai và hoạt động xây dựng. Đợi đến năm 2040 thì không còn đất để xây", KTS Trần Ngọc Chính cảnh báo.

Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội) lại cho rằng nên chờ sửa đổi quy hoạch vùng trước khi xác định sân bay Vùng Thủ đô trong bối cảnh đang có những đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch Vùng Thủ đô.

"Việc chia cả nước ra thành 6 vùng kinh tế trọng điểm trong suốt thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề. Bộ KH&ĐT đã đề nghị điều chỉnh lại các vùng", nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội cho biết.

Theo ông Nghiêm, Luật Quy hoạch 2017 đã nêu rõ trình tự lập quy hoạch là quy hoạch tổng thể quốc gia trước rồi đến quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...

Không chỉ Hải Phòng, hiện nay nhiều địa phương muốn đưa dự án sân bay của tỉnh mình vào quy hoạch hệ thống sân bay đang được Bộ GTVT soạn thảo. Theo Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch tỉnh sẽ phải sửa đổi nếu có mâu thuẫn với quy hoạch ngành quốc gia (sân bay, đường bộ, đường sắt...).

Ngưng mở rộng Nội Bài để xây thêm sân bay ở phía nam Hà Nội

Trao đổi với Zing, chuyên gia về quy hoạch hàng không Nguyễn Bách Tùng cho rằng một thủ đô 10-15 triệu dân nên có 2 sân bay hỗ trợ lẫn nhau. Bố trí sân bay ở vị trí nào để hỗ trợ, không ảnh hưởng lẫn nhau là điều phải cân nhắc rất kỹ.

"Việc nghiên cứu xây sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô làm từ bây giờ là hợp lý, bởi từ lúc bắt đầu nghiên cứu đến khi khởi công tốn rất nhiều thời gian. Như sân bay Vân Đồn mất gần 20 năm nghiên cứu, sân bay Long Thành cũng trên 20 năm mà vẫn chưa khởi công", ông Tùng chia sẻ.

quy hoach san bay vung thu do anh 3

Nhà cửa dày đặc trên phần đất dự kiến mở rộng sân bay Nội Bài. Ảnh: Hiếu Duy.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, nếu đã đầu tư thêm một sân bay nữa phục vụ Vùng Thủ đô thì không nên nâng công suất của sân bay Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm như một số đề xuất gần đây. Công suất của Nội Bài chỉ nên dừng lại ở 50 triệu khách/năm như đã thống nhất tại Quy hoạch 1259 của Thủ tướng.

Ông Chính đưa ra 2 lý do cho việc này.

Thứ nhất, theo phương án mở rộng Nội Bài về phía nam, diện tích giải phóng mặt bằng là hơn 700 ha. Trong khi đó, mật độ dân cư, công trình xây dựng tại các xã Phú Cường, Phú Minh, Mai Đình, Phù Lỗ rất lớn, giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn.

Thứ 2, lưu lượng giao thông từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài (phía bắc) chỉ nên dừng lại ở mức đủ đáp ứng công suất 50 triệu khách. Hà Nội nên mở rộng kết nối đến một sân bay ở phía nam để tăng hiệu quả kinh tế xã hội và quốc phòng.

Hiện nay, sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô đang được xem xét đặt tại phía nam của Hà Nội (huyện Ứng Hòa) hoặc 2 vị trí khác là Thanh Miện (Hải Dương) và Lý Nhân (Hà Nam).

KTS Trần Ngọc Chính cho rằng vị trí tại Hải Dương thuận lợi hơn 2 địa điểm kia về điều kiện địa lý, dân cư.

"Sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô nếu được xây dựng ở Hải Dương thì không chỉ phục vụ cho người dân trong vùng mà còn đáp ứng cho cả các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Do đó, việc xây thêm sân bay ở 3 địa phương này sẽ không còn cần thiết nữa", ông Chính nói.

Theo chuyên gia Nguyễn Bách Tùng, Ứng Hòa là vùng đất trũng nên việc xây dựng khó khăn. Còn ở Lý Nhân thì thuộc vùng hạ lưu sông Hồng, dân cư đông đúc.

"Theo tôi nên bố trí sân bay mới ở Hải Dương, có hướng biển. Còn khu vực nào thì cần xác định cụ thể", ông Tùng nhận định.

Trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không bổ sung 2 sân bay tại vùng thủ đô và tỉnh Cao Bằng, nâng tổng số sân bay của cả nước lên 30 vào năm 2050.

Sân bay thứ hai của Hà Nội được đưa vào dự thảo quy hoạch nhưng chưa chốt vị trí xây dựng. Đơn vị soạn thảo chỉ xác định công trình này có trong quy hoạch và sẽ được nghiên cứu vị trí sau năm 2040.

Hải Phòng kiến nghị xây sân bay vùng thủ đô ở Tiên Lãng

UBND TP Hải Phòng đề xuất Bộ GTVT bổ sung sân bay Tiên Lãng vào quy hoạch tổng thể sân bay trên toàn quốc đến năm 2050.

Ngọc Tân

Bình luận

Bạn có thể quan tâm