Bình luận
Hai tuần, trên lý thuyết là như vậy, với 2 trận hành quân đến sân khách (Tottenham và Atalanta) cùng một trận đón tiếp Man City trên sân nhà, có đủ cứu nổi Solsa? Khả năng ấy là không cao. Khi Man Utd đã bắt đầu có những liên hệ với các đối tượng để thay thế, trừ phi Solsa có 3 đại thắng giòn giã để tạo niềm hứng khởi, 2 tuần tới sẽ chỉ là khoảng thời gian chuẩn bị cho thủ tục thay mới mà thôi.
Dàn trợ lý non trẻ
Nếu Solsa phải dừng lại với Man Utd hay được đi tiếp như một dự án kỳ vọng dài hơi, trước hết chúng ta hãy thử cùng nhau trả lời câu hỏi đâu là điểm yếu của Man Utd ở mùa giải này. Chúng ta đừng vội trả lời rằng điểm yếu là chính Solsa mà hãy nói về điểm yếu mang tính chuyên môn trước đã. Một trong những điểm yếu chuyên môn ấy chính là Man Utd gần như vô vị ở mỗi tình huống cố định của mình.
Việc đặt câu hỏi như vậy, thực chất là để trả lời cho câu hỏi còn lớn hơn nữa. Man Utd kém trong các pha đánh cố định, bởi họ không hề có một bài đá cố định nào cụ thể, có mảng miếng chứ đừng nói đến chuyện đặc sắc và đủ tạo bất ngờ. Và người “dạy” các ngôi sao Man Utd đá phạt cố định là ai? Eric Ramsay, 29 tuổi, mới tới hồi hè vừa rồi từ Chelsea. Ở Chelsea, Ramsay chỉ là một thành viên trong ban huấn luyện đội U23.
Đội ngũ trợ lý của Solsa thiếu kinh nghiệm. Ảnh: Reuters. |
Tại sao Ramsay lại có chân ở trong đội ngũ của Solsa? Tại vì trước đây, anh ta là bạn học Đại học Loughborough của McKenna. Trong thế giới Premier League, anh ta chỉ là kẻ tay mơ, nghiệp dư, thiếu kinh nghiệm. Vậy mà anh ta có thể “chỉ dạy” những CR7, Fernandes, Rashford, Maguire, Pogba làm thế nào để tạo ra pha đá phạt một cách nguy hiểm? Thật viển vông.
Nhắc tới Ramsay, chúng ta lại phải nhắc tới McKenna. Trợ lý này của Solsa tham gia công tác huấn luyện từ năm 22 tuổi, sau khi buộc phải treo giày vì chấn thương khi còn chơi cho Tottenham. Ở Tottenham, chủ yếu McKenna làm ở học viện và mới chỉ chuyển sang Man Utd được vài năm, với vị trí trong ban huấn luyện U18. McKenna được đôn lên ban huấn luyện đội một từ năm 2018, dưới tay Jose Mourinho.
Cũng năm 2018, Michael Carrick bắt đầu tham gia vào thành phần ban huấn luyện. Trong 3 cá nhân, chính ra Ramsay lại thuộc diện “bằng cấp” nhất, với tấm bằng “pro” cao cấp nhất của UEFA. Nhưng bằng cấp là một chuyện, kinh nghiệm lại là chuyện khác. Cả 3 nhân tố kể trên đều chưa có chút kinh nghiệm huấn luyện nào ở đẳng cấp Premier League.
Tuy vậy, vai trò của họ lại rất quan trọng trong ê kíp của Solskjaer. Carrick và McKenna thường xuyên thay nhau chủ trì những cuộc họp đấu pháp và có thể lên tiếng trong các thuyết giảng trước trận hoặc giữa trận. Họ cũng là những người điều phối các buổi tập trong khi Solsa và Phelan khoanh tay đứng quan sát từ ngoài đường biên.
Bản sao nửa vời của Ferguson
Cách làm việc này của Solsa cho thấy tính chuyên môn hóa rất cao. Nó là bản sao chép mẫu mực từ những gì mà Sir Alex Ferguson từng làm ở Man Utd trước kia. Đó là cách làm của những “huấn luyện viên chính trị” chứ không phải những “huấn luyện viên kỹ trị”. Nó sẽ phát huy tốt nếu như đội ngũ được chuyên môn hóa toàn là những cá nhân “hàng tuyển”. Phải chăng, chính vì mô hình này mà Fergie mới chống lưng cho Solsa đến thế và các cựu cầu thủ Man Utd liên tục bênh vực Solsa bất chấp những thảm bại?
Nhưng thể thao là câu chuyện của kết quả. Kết quả quyết định chất lượng công việc chứ không phải cách làm sẽ quyết định điều đó. Cách làm của sir Alex Ferguson được coi là mẫu mực bởi vì kết quả cuối cùng mà ông mang lại: Các danh hiệu. Nếu không có các danh hiệu, chắc chắn ông cũng không bao giờ được gọi tên với chữ “Sir” ở phía trước.
Solsa chưa đáp ứng được kỳ vọng. Ảnh: Reuters. |
Solsa học Fergie là quá chuẩn và việc một cầu thủ bị ảnh hưởng lớn từ HLV trưởng dẫn dắt mình hơn chục năm cũng là chuyện thường. Nhưng học và học như thế nào lại là 2 câu chuyện khác nhau. Ở đây, Solsa chỉ học được cái chữ “kỹ” trong “kỹ nghệ Ferguson”, chứ không hề học được cái chữ “nghệ” của thầy mình.
Áp dụng mô hình của Ferguson, rõ ràng Solsa đã học phần kỹ thuật, học được công thức của kỹ nghệ kể trên. Còn phần “nghệ”, nên bao hàm cả nghề nghiệp lẫn nghệ thuật, Solsa chẳng học được một mẩu nào cả.
Nếu không phải là Man Utd, sẽ chẳng có một đội bóng lớn nào nghĩ tới chuyện thuê Solsa làm HLV trưởng. Đơn giản, suốt những ngày tháng làm huấn luyện ở Molde hay Cadiff, chưa bao giờ ông lóe lên một tia sáng nhỏ của chiến thuật gia có tiềm năng.
Ở Liverpool, Man City hay Chelsea, những Klopp, Pep, Tuchel đều có một đội ngũ trợ lý đủ đầy không kém gì Solsa đang có tại Man Utd. Nhưng họ khác Solsa ở chỗ, họ lao vào quản trị vi mô chứ không rảnh tay đứng ở tầm vĩ mô. Họ phải là người lên kế hoạch trận đấu, lên chiến lược trận đấu và quyết định từng chi tiết nhỏ về chiến thuật. Mọi trợ lý chỉ là giúp việc, tham mưu không hơn không kém.
Trong khi đó, Solsa phó mặc với suy nghĩ rất đơn giản “đó là lãnh địa chuyên môn của các anh, tôi sẽ không can thiệp mà chỉ đánh giá bằng kết quả cuối cùng”. Kết quả cuối cùng thì ai cũng rõ rồi, không cần bàn nữa.
Muốn giống như Fergie về cái vẻ ngoài đã khó, giống Fergie cả cái chất thì không phải ai cũng có thể học được. Việc theo học một ai đó là chuyện bình thường nhưng khi mình chưa được tiệm cận với trình độ của thầy, đừng vội hành xử giống như thầy. Solsa đang làm như thế, và ông đang thất bại.