Chiều 18/4, Bộ Y tế đã có cuộc họp báo thông báo về tình hình dịch sởi đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
- Cả nước đã ghi nhận 112 ca tử vong do sởi và các bệnh liên quan tới sởi. Bộ có thể giải thích lý do tại sao chưa công bố dịch?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Việc không công bố không có nghĩa là không có dịch. Tháng 5/2012, chúng tôi ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch sởi. Định nghĩa nói rất rõ một ổ dịch sởi là 3 trường hợp trở lên. Chỉ cần 2 trường hợp dương tính trở lên là công bố có dịch sởi. Trong các văn bản chỉ đạo các địa phương, đề nghị phòng chống dịch sởi, Bộ Y tế đều nói rất rõ là phòng chống dịch sởi. Khi chỉ cần có một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sởi đã phải triển khai biện pháp phòng chống, hướng dẫn đối với bệnh nhân, cộng đồng, trường học phải làm thế nào…
- Có sự khác biệt gì giữa việc thông báo dịch và công bố dịch, thưa Thứ trưởng?
- Thứ trưởng Long: Việc công bố dịch là ở mức cao hơn. Đó là khi với tỉnh, thành phố dịch đã vượt quá tầm kiểm soát, vi rút sởi có biến đổi động lực cao lây nhiễm cho cộng đồng. Khi đó chúng ta phải hạn chế giao thông, hạn chế họp chợ, cưỡng chế cách ly…Tôi khẳng định, cho đến thời điểm này, chúng ta đang có dịch sởi tại 61/63 tỉnh.
- Dư luận đang rất bức xúc vì cho rằng Bộ Y tế phản ứng chậm trong việc phòng chống dịch, ông nghĩ sao?
- Thứ trưởng Long: Ngay khi xảy ra vụ dịch lẻ tẻ tại Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Bộ đã triển khai nhiều biện pháp. Từ cuối 2013, tỉnh Yên Bái cán bộ y tế đã “ăn chực nằm chờ” cả tết để tiêm vét. Đến khi lan ra 4 tỉnh chúng tôi đã chỉ đạo tổ chức chiến dịch tiêm vét cho trẻ em dưới 2 tuổi trên toàn quốc. Liên tục có công văn chỉ đạo, huy động toàn bộ chính quyền, ngành vào dập tắt dịch.
Tuy nhiên, đúng là có chuyện “nóng” về mặt chỉ đạo, “lạnh” về mặt thực hiện. Ngay từ ngày mai, Bộ sẽ công bố danh sách và tỷ lệ các tỉnh thực hiện nhiệm vụ này.
- Nhiều ý kiến cho rằng các máy thở hiện nay chúng ta đang dùng nhiều máy dùng lại và tác dụng không như mong muốn?
- Thứ trưởng Long: Tôi khẳng định không có chuyện máy dùng lại. Tính đến 18/4, chúng ta đã cấp 42 máy thở. Bộ đã cấp hết máy dự trữ.
- Bộ giải thích sao về việc giấu thông tin tử vong?
- TS. Nguyễn Văn Kính (Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương): Trong giao thông người ta phân loại bao nhiêu ca chết do đường thủy, bộ, đâm xe, đâm tàu... Về tử vong liên quan tới sởi hiện có 3 nguyên nhân: một là bản thân vi rút sởi gây ra, dẫn tới biến chứng nguy hiểm là viêm cơ tim. Hai là viêm phù phổi cấp, không cấp cứu kịp vượt ngoài khả năng y học. Thứ ba là não viêm.
Trong thời kỳ đầu do chính virut sởi gây ra thì con số 25 chính xác. Còn các ca bệnh còn lại là tử vong do liên quan đến sởi. Do đó, cùng một lúc không thể nói chết do sởi hay không do sởi. Hội đồng chuyên môn phải đánh giá, rồi mới công bố. Bản thân bệnh nặng có thể chết, nên khi đang bị mắc bệnh nặng lại nhập viện, lây chéo nên “sởi qua đầu giường” cũng có thể cũng lây và tử vong.
- Có ý kiến cho rằng Bộ đang “bất lực” trong điều trị?
- TS. Nguyễn Văn Kính: Không phải chúng ta không có phác đồ, y học không phải chuyên môn kém. Chúng ta đã có cập nhật thêm vì so với các đợt dịch trước đợt dịch này có trẻ em dưới 9 tháng tuổi cũng bị mắc sởi. Việc cấp cứu các cháu đó nên phải có thở máy, tuy nhiên áp lực thở máy phải phù hợp với từng lứa tuổi do đó chúng ta đã có những bổ sung phác đồ điều trị kịp thời.
- Có bà mẹ khi phát hiện con có dấu hiệu bị bệnh cho con đi xét nghiệm nhưng bệnh viện khẳng định không. Khi về nhà bệnh nặng, vào xét nghiệm lại bảo có. Người dân đang đặt câu hỏi về máy móc, chuyên môn của bác sĩ ?
- TS. Trần Minh Điển (Phó viện trưởng Viện Nhi Trung ương): Điều này hoàn toàn dễ hiểu và không liên quan gì tới chuyên môn của bác sĩ. Lúc bé mới nhập viện lần đầu không có vi rút sởi vì lúc đó vi rút chưa bùng phát, đang là thời gian ủ bệnh. Hiện nay các máy móc của chúng ta đang có cho kết quả chính xác tới 95%.
- Thời gian tới viện có bổ sung thêm hướng điều trị không?
- TS. Trần Minh Điển: Chúng tôi vẫn sử dụng phác đồ 2009 nhưng cập nhật thêm vào với thuốc như các loại 4 triệu rưỡi, 20 triệu, phác đồ lọc máu, phác đồ emos…
- Ngoài hướng điều trị, viện Nhi đang triển khai những giải pháp gì để tránh tình trạng lây chéo cũng như giảm tải?
- TS. Trần Minh Điển: Hiện con số bệnh nhân mắc đã bắt đầu giảm. Chúng tôi đang quyết liệt làm giảm tải và giảm tử vong trong toàn bệnh viện, không riêng gì bệnh sởi. Khoa lây đã giảm bớt số cháu nằm ghép, chiều nay giảm bớt khoa hô hấp. Chúng tôi đã cắt giảm hoạt động ngoại khoa để tập trung nguồn lực. Đã có khu dành riêng cho 50 bé thở ôxy, đội ngũ đủ để chăm sóc các cháu.
Sáng nay tôi cùng đồng chí Hiền (Giám đốc sở y tế Hà Nội) đã đi thị sát các bệnh viện Đống Đa và Xanh - pôn xem có giảm bớt được hay không. Đồng thời đã góp ý, với các bé đang thoái chuyển bệnh, giảm sốt, trẻ tỉnh hơn chỉ còn ho hung hắc viện không nên giữ mà cho các cháu về nhà. Bố mẹ chăm sóc rồi hàng ngày đưa bé đến khám. Đưa tiêu chuẩn ra viện, tránh tình trạng nằm đông đúc.
- Bộ có thể cho biết những giải pháp trong thời gian tới để dập tắt dịch sởi?
- Tới đây sẽ nâng mức độ đáp ứng với dịch cao hơn, ban phòng chống dịch sẽ có cập nhật trong ngày các thông tin về dịch bệnh. Sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động truyền thông hướng dẫn người dân đưa con em mình đi tiêm chủng. Phối hợp các báo, giao lưu với người dân để giải đáp các thắc mắc. Các chuyên gia y tế sẽ được cử xuống để phổ biến, định hướng các bà mẹ phụ huynh đưa con em mình đi tiêm chủng.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, đến hết ngày 18/4 cả nước ghi nhận thêm 120 ca mắc sởi mới trong tổng số 258 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 31 tỉnh, thành phố.
Có thêm 2 trường hợp nặng xin về tại bệnh viện Nhi trung ương. Đây là các trường hợp viêm phế quản phổi có xét nghiệm dương tính với sởi, cả hai đều không có tiền sử tiêm phòng sởi và đều dưới 9 tháng tuổi.