Tại Hội nghị chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm được tổ chức ngày 6/5, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu phát hiện sử dụng chất cấm, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết năm 2015, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra gần 7.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và phát hiện 588 đơn vị vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhà chức trách đã xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2011-2015, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 163 người bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lập tức ông Thơ nói, tình trạng mất an toàn thực phẩm bị báo chí phanh phui nhiều thế mà các cơ quan chức năng chỉ xử phạt được có hơn 1 tỷ đồng là quá ít. "Xử phạt như vậy họ đóng tiền xong rồi lại tái phạm à? Xử phạt thế thì chỉ như gãi ngứa", ông Thơ nói.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế, hầu hết các khách sạn, nhà hàng và cơ sở kinh doanh đồ ăn thức uống trên địa bàn đều an toàn. "Các cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận cho gần 98% cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", bác sĩ Hồng cho biết.
Ông Huỳnh Đức Thơ đặt nghi vấn: "Số liệu này không ổn. Các anh phải xem lại. Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm được phản ánh quá nhiều trên các phương tiện truyền thông mà nói an toàn thì phải xem xét lại".
Đà Nẵng lo ngại thực phẩm bẩn bị tuồn vào TP tiêu thụ. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, mỗi năm TP Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 70.000 tấn nông sản và thịt các loại. Tuy nhiên, lượng nông sản tại chỗ chỉ cung ứng được hơn 16.000 tấn và sản phẩm chăn nuôi cũng chỉ cung cấp khoảng 15% nhu cầu.
Mỗi năm có hàng chục nghìn tấn thực phẩm các loại từ nơi khác chuyển về Đà Nẵng để tiêu thụ. Ông Thơ lo ngại, những nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ bị tuồn vào Đà Nẵng bán cho người dân và du khách.
Người đứng đầu UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo ngành y tế, nông nghiệp và công thương phải phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra các chủ xe chở thực phẩm về TP.
"Trước tình trạng cá chết tràn lan dọc các tỉnh miền Trung, chúng ta không thể loại trừ trường hợp hải sản chết được mang vào Đà Nẵng tiêu thụ, làm thức ăn cho gia súc, thậm chí cho người”, ông Thơ nhấn mạnh.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ông Thơ chỉ đạo các cơ quan chức năng phải thanh tra đột xuất thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý.
"Việc thực hiện thanh kiểm tra phải có tính bất ngờ, đột xuất. Ngộ độc thực phẩm chỉ là phản ứng tức thời còn cái lo ngại nhất là những hậu quả, di chứng lâu dài”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Đà Nẵng lo lắng xuất hiện Formosa thứ hai
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại chất lượng xử lý nước thải tại các nhà máy, trạm xử lý trên địa bàn. Ông Thơ nêu vấn đề, lúc lắp đặt, thiết kế nhà máy xử lý nước thải Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) thì chính quyền không giám sát được bằng thiết bị tự động đối với hoạt động xả thải.
"Giờ phải đặt ngay một thiết bị kiểm tra việc xả thải. Nếu không giám sát, để họ làm chui thì rất dễ xảy ra vụ việc như Formosa", ông Thơ lo lắng.
Vị lãnh đạo này yêu cầu, tất cả nhà máy xử lý nước thải phải có hệ thống quan trắc tự động, độc lập. Chìa khóa do một vài người (cơ quan chức năng) nắm giữ để khi cần thì mở ra kiểm tra.
"Ai làm sai thì xử lý ngay trách nhiệm. Nếu để các nhà máy này đổ hết ra biển thì quá nguy hiểm. Làm nhà máy mà mình không vào kiểm tra, không giám sát, kịp thời phát hiện mà để họ làm chủ là không được” ông Thơ nói.
Ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN-MT cho hay, việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại nhà máy xử lý nước thải Hòa Xuân vẫn đang trong giai đoạn triển khai. Chủ tịch Đà Nẵng nói: "Các anh phải làm ngay, không kéo dài nữa. Riêng nhà máy xử lý nước thải Thọ Quang cũng phải lắp thiết bị quan trắc trước khi đưa vào hoạt động".