Ngày 27/4 là hạn cuối để các địa phương báo cáo Bộ Y tế về việc mua sắn trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19. Trao đổi với Zing, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hà Văn Phúc cho biết tỉnh này có 2 máy xét nghiệm Covid-19 đặt tại CDC Kiên Giang và Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc. Trong đó, máy của CDC mua từ ngân sách Nhà nước, còn thiết bị đặt tại Trung tâm Y tế Phú Quốc được doanh nghiệp tài trợ.
Lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang nói giá 7 tỷ mà CDC Hà Nội chi để mua máy xét nghiệm là quá cao, còn nơi nào mua với giá 1,5 tỷ đồng là dạng "tiền nào của đó".
“1,5 tỷ đồng không thể mua được máy xét nghiệm tốt. Máy ở Kiên Giang mỗi cái mua 3 tỷ đồng, của Châu Âu. Máy này giá gốc 2,3 hay 2,5 tỷ đồng, doanh nghiệp bán cho mình 3 tỷ là lời 'mỏng' rồi”, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang nói.
Theo ông Phúc, CDC Kiên Giang đã có nhiều thiết bị xét nghiệm nên ngoài 3 tỷ đồng cho máy xét nghiệm chính, ngành y tế chỉ cần mua thêm máy chiết tách mẫu tự động trị giá 200 triệu là hoạt động được. Còn Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc do không có các thiết bị xét nghiệm khác nên phải mua thêm với kinh phí trên 1 tỷ đồng.
“Đây là thiết bị cấp bách nên chỉ định thầu chứ không đấu thầu, còn chỉ định thế nào thì theo luật mà làm, nếu đấu thầu thì 3 tháng cũng chưa có. Kiên Giang mua máy đúng giá, nếu làm sai thì công an tìm tới nơi rồi”, ông Phúc khẳng định.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang nói giá máy xét nghiệm 7 tỷ như ở Hà Nội là quá cao. Ảnh: Nhật Tân. |
Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cũng mua mới máy xét nghiệm Covid-19 để đặt tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu với giá trên 3 tỷ đồng.
“Mua máy xét nghiệm là phải có thiết bị kèm theo, phải toàn bộ hệ thống. Tôi không nhớ chính xác giá bao nhiêu nhưng dưới 3,5 tỷ đồng, hàng của Đức, giá không cao như Hà Nội”, bác sĩ Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, thông tin.
Tại Sóc Trăng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh này là bác sĩ Trần Văn Khải cho biết CDC không mua máy xét nghiệm visus SARS-CoV-2 vì ngành y tế nhận thấy sẽ không tiết kiệm hơn chi phí lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm.
“Bộ Y tế sau này có xu hướng phân cụm, Cần Thơ sẽ xét nghiệm cho vài tỉnh thì mình gửi mẫu lên Cần Thơ cũng gần hơn”, bác sĩ Khải chia sẻ.
Còn bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, nói rằng máy xét nghiệm CDC Cà Mau là máy cũ được tận dụng từ các phòng xét nghiệm virus trên con tôm do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau chuyển sang.
“Cà Mau tính mua máy xét nghiệm nhưng Chủ tịch tỉnh rà soát lại thấy bên Sở Khoa học và Công nghệ còn 1 cái vì bên này trước đây có mấy phòng xét nghiệm virus trên con tôm. Vì vậy, Cà Mau chỉ mua các dụng cụ khác bổ sung cho việc xét nghiệm chứ không mua máy mới”, ông Dũng nói.
Yêu cầu ra soát việc mua máy Real-time RCR tự động phục vụ xét nghiệm Covid-19 được Bộ Y tế đưa ra sau khi Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tam giam Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi, Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 6 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng hôm 22/4.
Công an xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống dịch Covid-19 khi nhập về Việt Nam có giá 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào lại có giá lên tới 7 tỷ đồng (cao hơn 3 lần). Nhà chức trách cáo buộc các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Sau đó, báo chí phản ánh một số địa phương trong đó có Quảng Ninh cũng mua hệ thống Realtime PCR tự động với giá cao gấp nhiều lần giá thực tế. Tuy nhiên, phía Quảng Ninh khẳng định thông tin này không chính xác.