Mới đây, Sở Y tế tỉnh Bình Dương vừa gửi công văn đến các bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế và đại học y dược trên cả nước đề nghị các đơn vị không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ.
Văn bản trên xuất phát từ việc những bác sĩ này đã vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương. Họ thuộc diện được UBND tỉnh cử đi đào tạo hoặc được hưởng tiền theo diện thu hút nhân lực và cam kết phục vụ từ 6 đến 10 năm, nhưng đều tự ý nghỉ việc và chưa bồi thường khoản kinh phí đã nhận cho tỉnh.
Trong số 6 bác sĩ trên, 5 người công tác tại các khoa Nội tim mạch, Thần kinh Ung bướu, Nội tổng hợp, Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và một bác sĩ làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng.
Không chỉ ở Bình Dương, thời gian qua, một số tỉnh, thành phố khác cũng có tình trạng bác sĩ công tác tại những cơ sở y tế công lập tự ý nghỉ việc, vi phạm cam kết. Tháng 9/2022, Sở Y tế Cà Mau cũng từng có văn bản đề nghị cơ sở y tế cả nước không nhận bác sĩ bỏ việc sau khi được cử đi đào tạo.
"Chim đủ lông muốn rời tổ"
Trả lời Zing, ông Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho rằng văn bản mà sở ban hành chỉ mang tính chất khuyến cáo, để 6 bác sĩ hiểu đúng về quy định. Tuy nhiên, nếu đơn vị y tế nào vẫn tiếp nhận các bác sĩ này, Bình Dương cũng không can thiệp.
Hiện, đơn vị đã chỉ đạo các phòng chức năng mời 6 bác sĩ về đơn vị cũ để thống nhất hướng giải quyết về chi phí đền bù.
Tỉnh tốn rất nhiều tiền để thu hút nhân tài, nhưng khi "chim đủ lông lại muốn bỏ tổ"
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín
"Kinh phí mà 6 bác sĩ đi học là tiền ngân sách nhưng không phục vụ như thỏa thuận ban đầu thì phải đền bù đúng quy định. Quan điểm của Sở Y tế vẫn tạo điều kiện hỗ trợ cho các bác sĩ về mặt pháp lý và tư vấn nội dung để họ thực hiện đúng", ông Chín đưa ra quan điểm.
Cũng theo đại diện Sở Y tế Bình Dương, 6 bác sĩ nói trên là viên chức, nếu tự ý bỏ cơ quan sẽ bị kỷ luật theo Luật Viên chức.
Khi nhận quyết định kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc, các bác sĩ này không được phép hành nghề trong 12 tháng. Khi đó, các đơn vị y tế khác cũng khó có thể ký hợp đồng, nên việc tự ý nghỉ việc sẽ gây thiệt hại cho bản thân.
"Địa phương phải tốn rất nhiều kinh phí để thu hút nhân tài, nhưng khi 'chim đủ lông lại muốn bỏ tổ'", ông Chín ngậm ngùi.
Dù vậy, ông Chín cũng nhìn nhận các bác sĩ bỏ việc là do thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ trong y tế công lập thời gian qua còn thấp, môi trường làm việc áp lực, kiêm nhiệm một số công tác ngoài chuyên môn.
Tìm cách giữ chân
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận mọi công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Đây là những quyền cơ bản được Hiến pháp 2013 và Bộ luật Lao động 2019 ghi nhận, được Nhà nước bảo vệ.
Luật sư này cho rằng tình trạng các bác sĩ hay công nhân viên chức vi phạm hợp đồng cam kết đào tạo, thu hút nguồn nhân lực với Nhà nước đã xảy ra nhiều. Một số vụ việc đã được đưa ra tòa giải quyết.
Do đó, cần xây dựng thể chế pháp luật phù hợp trong việc xử lý sai phạm, trách nhiệm của bác sĩ trong khám chữa bệnh. Khung pháp lý rõ ràng, chế độ đãi ngộ phù hợp sẽ giúp giữ chân nhân sự y tế, giảm thiểu xáo trộn, bị động tại đơn vị khi chưa bố trí kịp thời người thay thế.
Về giải pháp để giữ chân y, bác sĩ, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết trong thời gian chờ đợi chính sách từ Trung ương về cải cách tiền lương để cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế, Bình Dương đang xây dựng chính sách hỗ trợ riêng.
Ngành y tế tỉnh mong muốn tất cả nhân viên y tế được hưởng chế độ đào tạo và thu hút từ nguồn ngân sách phải có trách nhiệm với người dân, người bệnh và địa phương.
Bình Dương hiện có 10.400 nhân viên y tế. Tỷ lệ nhân viên y tế trên 10.000 dân là 37,2, tỷ lệ này đối với bác sĩ là 7,51 và dược sĩ là 3,68. Các chỉ tiêu đều thấp hơn yêu cầu của Bộ Y tế.
Nghịch lý xảy ra là y tế công lập tại Bình Dương chiếm tỷ lệ 43% tổng số nhân lực y tế, nhưng số giường bệnh được giao lại lên tới gần 55%.
Cùng với đó, một số bệnh viện chuyên khoa lần lượt ra đời, chỉ tiêu giường bệnh từ con số 17 giường bệnh/10.000 dân vào những năm 2010, đến nay đã đạt 20,3 giường bệnh/10.000 dân. Điều này khiến nhân lực y tế Bình Dương thiếu hụt nghiêm trọng.
Từ nay đến 2030, ngành y tế tỉnh đặt kỳ vọng đào tạo và tuyển mới 6.000 nhân viên y tế có trình độ từ đại học trở lên. Trong đó, ít nhất 3.000 người làm việc tại các cơ sở y tế công lập.
Tăng thu nhập cho nhân viên y tế, đào tạo, bồi dưỡng đặc thù; tạo môi trường làm việc an toàn... là những chính sách được Sở Y tế tham mưu với UBND tỉnh Bình Dương để giải quyết những vấn đề trên.
Sách hay về đô thị
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.