Chiều 22/8, bà Võ Thị Thu Sương, Chánh Thanh tra, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, nói về hướng xử lý Hoa hậu Phương Lê sau hành vi hát "chế lời" Quốc ca trên livestream, gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để mời Phương Lê lên làm việc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Phương Lê xin lỗi sau khi "chế lời" Quốc ca nhưng không được công chúng chấp nhận. |
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, việc sử dụng Quốc ca đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tại Văn bản Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 02/10/2012 về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Quốc ca được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại các công sở nhà nước, trường học, các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất nước, các đoàn thể, các lễ hội quốc gia, các sự kiện thể thao cấp Nhà nước và Quốc tế….
Việc sử dụng Quốc ca không đúng hướng dẫn trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 351 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định "Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca": Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Riêng trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính thì hiện nay chưa có quy định cụ thể để xử phạt các hành vi vi phạm có tính chất xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Trước đó, trong một buổi livestream, Phương Lê "chế lời" Quốc ca khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, chỉ trích. Phương Lê sau đó lên tiếng xin lỗi trên trang cá nhân.
"Trước tiên cho Phương Lê được gửi lời xin lỗi đến mọi người nếu câu nói của Phương Lê đã gây ra hiểu lầm, làm phiền lòng và gây khó chịu", người này chia sẻ.
Phương Lê cho biết "không chế lời hay xúc phạm Quốc ca". Song lời xin lỗi của Phương Lê không được công chúng chấp nhận.
Phương Lê sinh năm 1979, quê ở Trà Vinh. Năm 2017, Phương Lê giành chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hoà bình Thế giới. Cô không ít lần vướng ồn ào phát ngôn trên mạng xã hội.
Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.