Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số phận oái oăm của những bộ sách bí ẩn trong tác phẩm Kim Dung

Kim Dung dành cho sách một vị trí khá quan trọng trong tiểu thuyết của mình. Ông lạ hóa, ly kỳ, bí ẩn hóa, và tạo cho những bộ sách những số phận oái oăm.

Sách chiếm một vai trò rất lớn trong các bộ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Điều này được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển phân tích trong cuốn Kim Dung giữa đời tôi (NXB Trẻ xuất bản và phát hành). Được sự đồng ý của tác giả, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Trước khi là một nhà văn viết tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung đã là nhà văn hóa. Và là một nhà văn hóa cho nên ông rất chú trọng đến các vấn đề văn hóa, đặc biệt là các vấn đề về thế giới sách.

Ông đã dành cho sách một vị trí khá quan trọng, không phải chỉ trong những bài viết trên tờ Minh Báo mà còn ngay trong tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp vốn đầy tính đấu tranh của giới võ lâm.

Ta có thể tìm trong thế giới võ hiệp của ông một thế giới về sách và số phận của những bộ sách đó cũng đầy sóng gió như số phận những nhân vật chính trong tác phẩm của ông.

Muôn hình vạn trạng của những cuốn sách bí ẩn

Một cách khái quát, Kim Dung có cách gọi tên sách rất phong phú. Sách được gọi là thư; như bộ Vũ Mục di thư của Nhạc Phi tức Nhạc Võ Mục giấu trong bảo đao Đồ Long (Ỷ Thiên Đồ Long ký), bộ Minh thư tập lược của Cố Viêm Võ và Tra Y Hoàng (Lộc Đỉnh ký).

Sách được gọi là phổ; như Tịch tà kiếm phổ của nhà họ Lâm ở Phúc Châu (Tiếu ngạo giang hồ), Cầm phổTiêu phổ của khúc hợp tấu Tiếu ngạo giang hồ.

Sách được gọi là kinh; như Thần chiếu kinh của Đinh Điển (trong Liên thành quyết), Lục mạch thần kiếm kinh của chùa Thiên Long và Dịch cân kinh của chùa Thiếu Lâm (Thiên long bát bộ), Tứ thập nhị chương kinh của Bát kỳ triều Thanh (Lộc Đỉnh ký), Dược vương kinh (trong Phi hồ ngoại truyện).

Kim Dung,  Tich Ta kiem pho,  Cuu Am chan kinh anh 1
Sách Kim Dung giữa đời tôi của Vũ Đức Sao Biển, NXB Trẻ phát hành.

Sách được gọi là điển, như Quỳ hoa bảo điển (trong Tiếu ngạo giang hồ). Sách được gọi là Lục, như bộ Tử hà bí lục của phái Hoa Sơn (Tiếu ngạo giang hồ). Sách được gọi là tâm pháp, như bộ Càn khôn đại na di tâm pháp (Ỷ thiên Đồ Long ký).

Sách được gọi là , như Minh giáo lưu truyền Trung thổ ký của Dương Tiêu viết về quá trình hình thành Bái hỏa giáo (Minh giáo) ở đất Trung Hoa (trong Ỷ thiên Đồ Long ký).

Những bộ sách mà Kim Dung đề cập đến được ghi chép với nhiều dạng văn tự khác nhau trên những phương tiện khác nhau. Vũ Mục di thư, Cửu âm chân kinh chép bằng chữ Hán (văn ngôn) trên những tờ giấy mỏng vàng khè.

Lục mạch thần kiếm kinh chép bằng chữ Hán, có đồ hình hướng dẫn chép trên lụa quý. Tịch tà kiếm phổ lại chép trên áo cà sa. Dịch cân kinh chép bằng tiếng Phạn (Sanskrit) trên giấy.

Thiết bản thần công của Nhậm Ngã Hành truyền cho Lệnh Hồ Xung lại chép trên sắt. Võ công phái Tiêu Dao lại chép trên đá. Càn khôn đại na di tâm pháp được chép bằng tiếng Ba Tư trên da dê.

Võ công Minh giáo Ba Tư được chép trên tám tấm Thánh hỏa lệnh dài ngắn khác nhau, xương không ra xương, ngà không ra ngà. Nói cách khác, những bộ sách mà Kim Dung đề cập đến khá phong phú về văn tự, đa dạng về vật liệu làm sách.

Ngay cả cách chép sách cũng lạ: phải vận chỉ công để khắc chữ trên sắt, trên đá; phải đem Thánh hỏa lệnh nhúng vào một lớp sáp rồi viết chữ lên lớp sáp và dùng cường toan (acide - không nói rõ là thứ gì) đồ theo những chữ đã viết mới ra tự dạng trên Thánh hỏa lệnh. 

Sách đã lạ, cách đọc sách cũng lạ hơn. Lệnh Hồ Xung sẽ không đọc được Thiết bản thần công của Nhậm Ngã Hành nếu không cởi trần truồng nằm trên tấm sắt cho những chữ khắc đó hằn lên da thịt.

Hợp tấu nhạc khúc 'Tiếu ngạo giang hồ' Tiếu ngạo giang hồ do Khúc Dương và Lưu Chính Phong tạo ra như thế nào?

Trương Vô Kỵ sẽ không hiểu được võ công trên Thánh hỏa lệnh nếu như Bảo Thụ vương của Ba Tư không bị đánh Thánh hỏa lệnh trúng vào má cho chữ bị hằn lên để Tiểu Chiêu đọc và dịch ra tiếng Hán cho Vô Kỵ nghe.

Vô Kỵ cũng không biết tấm da dê là Càn khôn đại na di tâm pháp nếu Tiểu Chiêu không trích máu ngón tay nhỏ vào cho chữ hiện ra. Du Thản Chi đọc được Dịch cân kinh và lĩnh hội được yếu quyết của kinh chỉ khi nào cúi đầu xuống đất, chổng chân lên trời.

Tựu trung, những bộ sách trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mang theo nhiều điều bí ẩn khó tả, có người cầm nó trong tay nhưng chẳng biết được giá trị liên thành - chiều sâu chứa đựng trong bộ sách.

Số phận oái oăm của những bộ sách

Số phận những bộ sách được Kim Dung hư cấu trong tác phẩm võ hiệp của ông đã thực sự cuốn hút người đọc, đưa người đọc đi vào một thế giới tiểu thuyết vừa siêu thực nhưng cũng rất hiện thực.

Có những bộ sách trở thành tựa đề luôn cho tác phẩm. Đó là trường hợp Cầm phổTiêu phổ, hai bản nhạc hợp thành tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ, đã khiến cho Kim Dung chọn luôn tựa sách của mình là Tiếu ngạo giang hồ.

Đó là tác phẩm hợp soạn của hai con người thanh nhã: Lưu Chính Phong, cao thủ Hành Sơn phe bạch đạo và Khúc Dương trưởng lão của Nhật Nguyệt thần giáo, phe hắc đạo.

Xưa nay, người ta vẫn sống theo công thức "hắc bạch không thể hòa, chính tà không thể gặp”. Cả Lưu Chính Phong và Khúc Dương đều muốn chứng minh rằng khúc Tiếu ngạo giang hồ của họ có thể hóa giải những biên giới của sự chia rẽ và hận thù. Kết quả là cả Phong lẫn Khúc đều bị hại bởi những con người tự xưng là danh môn chính phái.

Kim Dung,  Tich Ta kiem pho,  Cuu Am chan kinh anh 2
Trần Kiều Ân vào vai Đông Phương Bất Bại trong Tiếu ngạo giang hồ bản 2013. Do luyện Quỳ hoa bảo điển, một phiên bản của Tịch tà kiếm phổ, Đông Phương Bất Bại trở thành kẻ bán nam bán nữ. Ảnh: Baidu

Bộ sách đó được truyền lại cho Lệnh Hồ Xung phái Hoa Sơn. Lệnh Hồ Xung mang nó trong người, gặp không biết bao nhiêu điều đau khổ. Nhưng cũng chính Tiếu ngạo giang hồ đã đưa chàng lãng tử vô hạnh này gặp được ngọc nữ Doanh Doanh, đại tiểu thư của giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo.

Họ yêu thương nhau, đến với nhau, hoá giải được biên giới chính tà, hợp tấu cầm tiêu trong bộ Tiếu ngạo giang hồ đi đến chỗ tâm linh tương thức - điều mà hai vị tiền bối Lưu Chính Phong và Khúc Dương không thể làm được.

Một bộ sách khác được nhắc đến trong Tiếu ngạo giang hồTịch tà kiếm phổ (quyển sách về những đường kiếm chuyên trị những bọn tà đạo) tương truyền của dòng họ Lâm. Lâm Viễn Đồ xuất thân là tiêu sư, có được kiếm phổ phải “dẫn đao tự cung” (tự thiến) để luyện.

Kiếm pháp Tịch tà quá đỗi độc ác, ông ta chép lại vào áo cà sa, dặn con cháu không được dở ra coi. Con ông là Lâm Chấn Nam võ công tầm thường, bị phái Thanh Thành của Dư Thương Hải tấn công nhằm đoạt Tịch tà kiếm phổ mà không đánh trả được.

Kẻ đoạt được pho kiếm phổ này là chưởng môn Hoa Sơn Nhạc Bất Quần đoạt được. Một mặt, Nhạc tự thiến để luyện kiếm; mặt khác Nhạc vu cáo cho học trò là Lệnh Hồ Xung ăn cắp Tịch tà kiếm phổ.

Khi Nhạc luyện xong, vứt áo cà sa đi thì Lâm Bình Chi, con trai Lâm Chấn Nam, lấy được và cũng tự thiến để luyện. Nhạc Bất Quần gả con gái là Nhạc Linh San cho cho Lâm Bình Chi và thường xuyên theo dõi xem con gái mình có được hạnh phúc chăn gối hay không.

Lâm Bình Chi đã “tự cung” thì làm sao có thể chăn gối được. Nhưng Nhạc Linh San đã cứu mạng Lâm Bình Chi. Cô trả lời rằng Lâm đối với cô rất tốt. Nhạc Bất Quần tin lời đó mới tha mạng cho Lâm Bình Chi. Lệnh Hồ Xung đã dùng kiếm pháp của phái Hoa Sơn đánh bại kiếm pháp Tịch tà.

Tịch tà kiếm phổ đã khiến ba con người thân bại danh liệt: Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi và Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung Sơn. Đúng ra, phải gọi nó là Tà môn kiếm phổ.

Kim Dung,  Tich Ta kiem pho,  Cuu Am chan kinh anh 3
Bản dịch tiếng Anh của Lộc Đỉnh ký với tựa đề The Deer and the Cauldron của dịch giả John Minford.  

Những pho sách mà Kim Dung đề cập đến trong tác phẩm của ông có khi là sản phẩm tưởng tượng, cũng có khi là sản phẩm thực tế được lồng vào cốt truyện. Vũ Mục di thư trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Dịch cân kinh trong Thiên Long bát bộ, Tứ thập nhị chương kinhMinh thư tập lược trong Lộc Đỉnh ký… là những tác phẩm có thực trong lịch sử văn hóa Trung Hoa.

Dù là sản phẩm hư cấu hay sản phẩm thực tế, Kim Dung đã khoác cho những bộ sách của mình một hành tung kỳ bí, một số phận oái oăm, khiến người đọc càng cảm thấy thú vị.

Thí dụ như trường hợp bộ Tứ thập nhị chương kinh, một bộ kinh Phật thông thường mà mọi người Trung Hoa đều có thể biết, trong Lộc Đỉnh ký. Bát kỳ nước Mãn Châu tiến công Trung Quốc, tiêu diệt nhà Minh. Đời vua thứ nhất của nhà Thành là Thuận Trị giao cho Bát kỳ tám bộ Tứ thập nhị chương kinh, mỗi quyển có bìa sách đúng như màu cờ của Bát kỳ: Bạch kỳ bìa trắng, Hắc kỳ bìa đen, Hồng kỳ bìa đỏ, Thanh kỳ bìa xanh…

Tám quyển kinh đó có gì đặc biệt? Có! Thuận Trị đã cắt nhỏ một bản đồ khu vực Oa Tập Sơn (tiếng Mãn Châu; dịch ra tiếng Trung Quốc là Lộc Đỉnh Sơn) được vẽ trên tấm da dê rồi chia các miếng vải đã cắt vào trong bìa sách, cho Bát kỳ. Thuận Trị dặn con cháu: “Nếu không giữ được thiên hạ (tức đất Trung Quốc) thì ta ở đâu hãy trở về nơi đó”.

Có ít nhất sáu thế lực tìm mọi cách để cướp cho được bí mật trong tám quyển Tứ thập nhị chương kinh. Một là vua Khang Hy, con vua Thuận Trị. Hai là con gái vua Sùng Trinh triều Minh, muốn trả thù cho cha. Ba là bọn Thần Long giáo, một giáo phái bí mật thông đồng với người La Sát (nước Nga La Tư).

Bốn là Thiên Địa hội, một tổ chức chống triều đình Khang Hy do Trần Vĩnh Hoa làm tổng lý. Năm là Ngô Tam Quế, phản thần của triều Minh, được nhà Thanh phong cho tước Bình Tây vương, trấn vùng Vân Nam. Sáu là bọn Lạt ma Tây Tạng do Tang Kết cầm đầu. 

Mỗi thế lực đều tin rằng tấm bản đồ giấu trong tám bìa sách có bí mật riêng. Khang Hy muốn có để đốt đi, bảo vệ long mạch của tổ tiên tại Hắc Long Giang, Lộc Đỉnh Sơn miền Đông bắc Trung Quốc.

Con gái vua Sùng Trinh Chu Mỹ Xúc - Trường Bình công chúa - và Thiên Địa hội muốn phá được long mạch của nhà Thanh nhằm đuổi người Mãn Châu ra khỏi Trung Quốc. Thần Long giáo tin rằng bản đồ vẽ kho vàng... Cuối cùng cả tám quyển Tứ thập nhị chương kinh lọt hết vào tay Vi Tiểu Bảo.

Vi Tiểu Bảo lấy hết các mảnh vải nhỏ sai nữ tì Song Nhi kết lại thành một bản đồ hoàn chỉnh. Hắn giữ lại bản đồ trong mình còn các pho Tứ thập nhị chương kinh thì được may bìa lại để biếu cho vua Khang Hy, Trần Cận Nam (thầy của Vi Tiểu Bảo) và công chúa Trường Bình (cũng là thầy của Vi Tiểu Bảo).

Sự trân quý với sách

Một số nhân vật của Kim Dung là văn gia nên đi đâu họ cũng mang sách theo. Sách trở thành vũ khí trong chiến đấu chống kẻ thù, tranh biện với kẻ khác. Nhân vật Chu Đan Thần, một trong Tứ ẩn của nước Đại Lý, có nhiệm vụ bảo vệ Trấn Nam vương Đoàn Chính Thuần, đi đâu cũng cầm theo các tập thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ. Trước khi chiến đấu, Chu hay ngâm thơ! Trong Thiên Long bát bộ, Chu nhiều khi đã bàn luận thi ca với Đoàn Dự, con Đoàn Chính Thuần.

Kim Dung,  Tich Ta kiem pho,  Cuu Am chan kinh anh 4
Bìa cuốn Ỷ Thiên Đồ Long ký bản in năm 1961. 

Nhân vật Tuân Tản trong nhóm Hàm Cốc bát hữu ra trận thường lục túi, đem sách ra… đấu võ miệng. Trong trận đụng độ với nhà sư Huyền Thống chùa Thiếu Lâm, Tuân Tản đã đem đủ các sách Luận ngữ, Mạnh Tử ra chất vấn Huyền Thống đại sư.

Đến khi biết rằng nhà sư không đọc sách đạo Nho, Tuân Tản đổi sang trích dẫn kinh điền đạo Phật: “Biển khổ mênh mông, quay đầu lại là thấy bờ”, khiến Huyền Thống chợt ngừng trận đấu. Nhà sư đã ngộ Thiền cơ trong câu kinh đó và đứng tim, viên tịch tại chỗ với nụ cười thư thái giải thoát trên môi.

Sách của Kim Dung đã đề cập đến trong truyện võ hiệp đương nhiên là sách quý, giá trị không biết bao nhiêu mà lường. Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, nhà sư Giác Viễn trước khi chết, đọc một vài đoạn thuộc lòng trong bộ Cửu dương chân kinh. Quách Tương học lỏm vài câu mà đã có thể dựng nên phái Nga Mi; Trương Quân Bảo cũng chỉ thuộc vài đoạn mà dựng nên phái Võ Đang.

Bọn Doãn Khắc Tây, Tiêu Tương Tử ăn cắp bộ sách này từ chùa Thiếu Lâm, rạch bụng con vượn mà nhét vào. Trước khi chết, chúng di ngôn lại cho Hà Túc Đạo núi Côn Luân là “kinh để trong hầu”.

Hà Túc Đạo nghe gà hóa cuốc, nói lại với phái Thiếu Lâm là “kinh để trong dầu”! Chỉ sau này, khi Trương Vô Kỵ giải phẫu cho con vượn già mới tìm lại được bộ sách trân quý của chùa Thiếu Lâm.

Sách quý nên việc bảo quản cũng rất công phu. Những nơi chứa sách được gọi là Tàng kinh lâu, Tàng kinh các, có quy định rất nghiêm ngặt, cấm người lạ lai vãng. Càng cấm nên sách càng gợi trí tò mò. Từ đó xuất hiện những kẻ ăn cắp sách.

Trong Thiên Long bát bộ, nhà sư Ba La Tinh từ Ấn Độ sang chùa Thiếu Lâm ăn cắp sách, bị phát hiện và bị nhốt. Tiêu Viễn Sơn, quan lớn của nước Khiết Đan, đột nhập vào Tàng kinh các chùa Thiếu Lâm đọc lén võ kinh và học võ công Trung Quốc.

Mộ Dung Bác, người hoàng tộc nước Đại Yên giống Tiên Ty cũng trá tử, cạo đầu làm sư, vào chùa Thiếu Lâm nằm vùng đọc hết 72 quyển võ kinh của chùa Thiếu Lâm, nuôi mộng trung hưng nước Đại Yên.

Kim Dung,  Tich Ta kiem pho,  Cuu Am chan kinh anh 5
Hàn Đống vào vai Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh ký phiên bản năm 2014. Vì mù chữ, Vi Tiểu Bảo rất ghét sách. 

Những nhân vật của Kim Dung thường có trí nhớ rất tuyệt vời. Vương Ngữ Yên đọc thuộc lòng các sách võ trong thiên hạ, trở thành nhân vật ai cũng hâm mộ. Vương tử Đoàn Dự đọc qua bộ Lục mạch thần kiếm kinh một lần tại chùa Thiên Long mà tâm đã lãnh hội trọn vẹn.

Trong các bộ tiểu thuyết của Kim Dung, chỉ có một nhân vật ghét sách thậm tệ, thấy sách và chữ nghĩa là mắt hoa đầu váng. Đó là Vi Tiểu Bảo, Lộng Đỉnh công triều Khang Hy. Vốn hắn chỉ thích chơi gái, đánh bạc, uống rượu, nói tục và dốt đặc cán mai. Ấy thế mà trời lại trao cho hắn tám quyển Tứ thập nhị chương kinh. 

Sách chiếm một vai trò rất lớn trong các bộ tiểu thuyết võ hiệp. Kim Dung đưa các bộ sách vào, tạo cho tác phẩm của mình những tình tiết hấp dẫn, những mâu thuẫn lạ lùng.

Ở chừng mực nào đó, sách làm nên chất văn hóa cho tác phẩm võ hiệp tiểu thuyết vốn nặng về âm mưu, thủ đoạn, sự tranh đấu, sự giết chóc. Chỉ ngay trong khía cạnh đưa sách vào tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung đã là một bậc thầy trong văn chương tiểu thuyết hiện đại.

Quá nhiều nhân vật quái dị trong tiểu thuyết Kim Dung

Hàng trăm nhân vật quái dị tạo nên phong cách riêng trong truyện Kim Dung, tới mức một cuốn võ hiệp giả ký tên "Kim Dung" sẽ bị phát giác ngay vì thiếu tính dị biệt đặc trưng.

Nhân vật nữ lợi hại, đáng sợ nhất trong truyện Kim Dung là ai?

Trong tiểu thuyết Kim Dung có không ít nhân vật nữ đặc sắc, từ Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ cho đến Triệu Mẫn. Nhưng lợi hại và tham vọng nhất lại là một người khác.







Trích sách "Kim Dung giữa đời tôi"

Bạn có thể quan tâm