Khi binh sĩ Mỹ cuối cùng lên máy bay rời khỏi sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, cuộc chiến mà Washington phát động 20 năm trước cũng đi đến hồi kết.
Tới lúc này, tất cả quốc gia đang quan sát tình hình ở Afghanistan với thái độ thận trọng, dè dặt. Không ai biết Taliban có thực chất thay đổi như tổ chức này liên tục tuyên bố, cũng như khó có thể chắc chắn về tương lai Afghanistan khi không còn quân đội Mỹ.
Afghanistan của Taliban
Taliban sẽ là lực lượng nắm quyền định đoạt tương lai của 40 triệu dân Afghanistan. Hiện nay, chưa lực lượng nào đủ mạnh về quân sự, hay có sức ảnh hưởng trong nước về chính trị như phong trào Hồi giáo này.
Một vài tuần trở lại đây, người ta nói về một lực lượng kháng chiến tại tỉnh miền Bắc Panjshir, dưới sự dẫn dắt của cựu Phó tổng thống Amrullah Saleh của chính quyền đã bị lật đổ.
Nhưng ngay cả những nhân vật cốt cán nhất của phe phản kháng cũng ngầm thừa nhận họ mong chờ một dàn xếp chính trị, với cái gật đầu chia sẻ quyền lực của Taliban, theo AP.
Điều này không khó hiểu, bởi lực lượng ở Panjshir bị bao vây cô lập về địa lý, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Hôm 28/8, người phát ngôn của Taliban là Zabihullah Mujahid cho biết một chính phủ mới sẽ được ra mắt chỉ trong vòng một đến hai tuần tới, theo Reuters.
Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban. Ảnh: Reuters. |
Những ai, những lực lượng nào sẽ dự phần trong chính quyền mới do Taliban dẫn dắt vẫn còn là câu hỏi. Tuy nhiên, ông Mujahid cho biết các quan chức phụ trách cơ quan chính phủ then chốt như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục hay Ngân hàng Trung ương đã được bổ nhiệm.
Trước đó, Taliban đã quy tụ được nhiều chính trị gia danh tiếng của chính quyền cũ với lời mời hợp tác. Trong số này có cựu Tổng thống Hamid Karzai, cựu lãnh đạo Hội đồng hòa giải dân tộc Abdullah Abdullah, hay Bộ trưởng Tài chính Omar Zakhilwal.
Taliban tuyên bố sẽ có một chính phủ bao trùm, nhiều thành phần. Hiện giờ, không gì có thể bảo đảm tuyên bố này sẽ trở thành hiện thực.
Người phát ngôn của Taliban tuyên bố rõ ràng rằng mô hình dân chủ kiểu phương Tây không có chỗ đứng ở Afghanistan, hệ thống luật Hồi giáo Sharia sẽ quay trở lại.
Điều này có nghĩa dù chính phủ mới có bao gồm những quan chức của chính quyền cũ, Taliban vẫn là người định đoạt cuộc chơi, nhờ kiểm soát lực lượng vũ trang và một ý thức hệ cực đoan đã được áp đặt sẵn bằng sức mạnh.
Trừng phạt bủa vây?
Nếu sự trỗi dậy của Taliban đồng nghĩa Afghanistan một lần nữa trở thành đối tượng của trừng phạt quốc tế, quốc gia này sẽ không thể thoát khỏi cái nghèo đói đã đeo bám hàng thập kỷ. Đây cũng là điều Taliban muốn tránh.
Theo báo cáo của Ủy ban trừng phạt thành lập theo Nghị quyết 1267 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 138 cá nhân của Taliban đang nằm trong danh sách trừng phạt quốc tế.
Danh sách này trong ngắn hạn ít có khả năng được rút ngắn. Nhưng khả năng nó bị kéo dài ra thêm sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của Taliban.
Taliban khẳng định tổ chức này đã thay đổi, ôn hòa hơn, không còn là một Taliban của năm 2001 khi bị Mỹ lật đổ.
Các tay súng Taliban ở Kabul. Ảnh: Reuters. |
Taliban hứa với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump sẽ không chứa chấp khủng bố, rồi mới đây mời chính quyền Tổng thống Joe Biden duy trì hiện diện ngoại giao ở Afghanistan sau ngày Mỹ rút toàn bộ binh sĩ.
Taliban nói với thế giới rằng sẽ đưa Afghanistan tái hòa nhập cộng đồng quốc tế.
Nhưng đó mới chỉ là lời nói. Phương Tây, hay cả Nga và Trung Quốc, sẽ chờ đợi hành động thực tế của Taliban trước khi quyết định tổ chức này thực sự có "xanh vỏ, đỏ lòng" hay không.
Hành động đầu tiên Taliban cần chứng tỏ đó là bảo đảm những người Afghanistan có nguyện vọng được an toàn rời khỏi đất nước sau ngày 31/8 - hạn chót chiến dịch di tản của phương Tây.
Taliban đã hứa sẽ có con đường di tản an toàn sau khi quân đội nước ngoài rút đi. Và sau 31/8 sẽ là lúc lực lượng này chứng tỏ họ thực sự giữ lời, theo Reuters.
"Nếu Taliban bắt đầu hành xử như một chính phủ, nếu họ tạo điều kiện di chuyển trong nước cũng như xuất cảnh khỏi Afghanistan, đó là cơ sở để chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc với họ", Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh James Cleverly cho biết.
Mối quan hệ giữa Taliban và các tổ chức khủng bố, trong đó có Al Qaeda, sẽ là vấn đề tiếp theo nằm trong tầm ngắm của cộng đồng quốc tế.
Chống khủng bố, dù có vẻ không còn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington, vẫn sẽ chi phối cách tiếp cận của Mỹ với Taliban.
Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc đều lo ngại nguy cơ Afghanistan trở thành đuốc mồi cho phong trào khủng bố, cực đoan lan ra khắp Trung Á, nơi nằm sát nách hai nước này.
Nếu Taliban không thực hiện đúng cam kết đoạn tuyệt với chủ nghĩa khủng bố, không chỉ Washington hay London chĩa mũi dùi vào tổ chức này, cả Moscow và Bắc Kinh cũng sẽ không bảo vệ Taliban khi một nghị quyết trừng phạt được đưa ra ở Hội đồng Bảo an.
Taliban có "nuôi" được Afghanistan?
20 năm qua, Afghanistan lệ thuộc nặng nề vào viện trợ nước ngoài, không chỉ Mỹ mà còn của các chương trình hỗ trợ khác của Liên Hợp Quốc, từ y tế, giáo dục cho đến thực phẩm.
Lúc này, khi các tổ chức và nhà tài trợ nước ngoài đã rời đi, Taliban sẽ phải xoay xở nuôi sống 40 triệu dân. Những con đường kiếm tiền trước đây của Taliban, từ buôn bán thuốc phiện hay buôn lậu khoáng sản, quặng mỏ không phải là giải pháp lâu dài.
Theo ước tính của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), 80% dân số Afghanistan sống nhờ vào ngành nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, lĩnh vực vốn đòi hỏi lượng mưa ổn định.
Nghèo đói sẽ là vấn đề lớn của Taliban. Ảnh: Reuters. |
Nhưng hạn hán đang hoành hành ở Afghanistan. Khoảng 40% người tham gia khảo sát của IRC cho biết cuộc sống của họ bị ảnh hưởng vì thiếu nước sạch. Liên Hợp Quốc cảnh báo Afghanistan có nguy cơ đối mặt thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.
"Thực phẩm là vấn đề thực sự. Afghanistan đang bị ảnh hưởng tồi tệ bởi hạn hán. Và không một chính quyền Afghanistan nào có thể tồn tại nếu người dân bắt đầu chết đói", Thomas Barfield, chủ tịch viện nghiên cứu American Institute of Afghanistan Studies, cho biết, theo Reuters.
Cứu trợ quốc tế là con đường hữu hiệu duy nhất có thể giải quyết vấn nạn thực phẩm cấp bách của Afghanistan. Nhưng chừng nào chính quyền Taliban còn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận, Afghanistan sẽ chưa được tiếp cận các nguồn viện trợ nước ngoài.
Nội chiến có một lần nữa bùng lên?
Afghanistan hiện nay rất khác so với năm 2001, lần cuối Taliban nắm quyền. Một thế hệ đã lớn lên trong một xã hội đi ngược lại mọi giá trị mà Taliban tôn thờ và có ý định dựa vào để cai trị đất nước.
Chỉ vài ngày từ khi Taliban tiến vào Kabul, người dân Afghanistan đã phản kháng, giương cao lá cờ của chính quyền cũ, và thách thức sự cai trị của Taliban không chỉ ở Kabul mà còn tại Jalalabad hay Khost.
Các chuyên gia nhận định không thể loại trừ khả năng xung đột vũ trang trong lòng Afghanistan sẽ nổ ra trong những tháng tới, đặc biệt bởi lượng lớn vũ khí đã rơi vào tay các lãnh chúa và lực lượng dưới quyền họ.
"Chúng ta đang ở trong thời kỳ cởi mở và tiến bộ nhất trong lịch sử Afghanistan. Nếu Taliban định chấm dứt điều đó, tôi không nghĩ kết cục sẽ tốt đẹp", Rina Amiri, chuyên gia chính trị quốc tế từ Đại học New York nhận định.
Người dân ở Kabul biểu tình phản đối Taliban. Ảnh: Reuters. |
Taliban nhanh chóng đánh bại lực lượng chính phủ bởi đã đạt được nhiều thỏa thuận với các lãnh chúa địa phương, sau khi rút ra bài học từ thất bại năm 2001.
Nhưng nếu Taliban theo đuổi những chính sách quá tàn bạo, tước đoạt những gì người dân Afghanistan đã được hưởng suốt 20 năm qua, các thỏa thuận nói trên rất có khả năng sẽ bốc hơi, và đất nước một lần nữa rơi vào nội chiến, giáo sư William Nomikos của Đại học Washington nhận xét, theo Vox.
Taliban sẽ phải quyết định trong vài tháng tới cách lực lượng này dự định cai trị Afghanistan trong tương lai, những cam kết về ân xá, tôn trọng quyền của phụ nữ, hay quan hệ với nước ngoài.
Nếu không thể đáp ứng nhu cầu của số đông, không gì bảo đảm chính quyền Taliban sẽ tồn tại lâu dài hơn thời gian mà lần đầu tổ chức này nắm quyền.