Ngày 26/8, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Nhức nhối cảnh trẻ lê lết ăn xin ở TP.HCM” nói về vấn nạn tái diễn việc trẻ em người nước ngoài và trẻ ngoại tỉnh ăn xin trong thành phố.
Dù các ngành chức năng hết sức nỗ lực nhưng các biện pháp hành chính vẫn không đủ phát huy tác dụng. Trẻ em ăn xin sau khi được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH), chỉ cần người thân bảo lãnh là các em lại được đưa về. Sau khi hồi hương không bao lâu, các em lại quay lại ăn xin.
Anh Trần Duy Hòa, cựu nhân viên giáo dục của Hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM, làm việc cho tổ chức PE&D, một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ trẻ em, thanh thiếu niên hướng nghiệp và học nghề, đã chia sẻ kinh nghiệm về công việc 10 năm tiếp cận trẻ lang thang, trẻ ăn xin.
Bi kịch tuổi thơ bị đánh cắp
Trong một lần tiếp cận trẻ lang thang ở quận 12, anh Duy Hòa phát hiện ra L., em bé 10 tuổi nhưng bé tí xíu, nặng chỉ chừng chục ký, mắt thâm quầng, luôn mệt mỏi, đờ đẫn. L. đi bán kẹo cao su và ăn xin từ buổi chiều đến sáng hôm sau tại các công viên.
Qua trò chuyện, L. cho biết mẹ em đã nhận của kẻ chăn dắt một số tiền để cho người này đưa em vào thành phố “đi làm”. Em luôn trong tình trạng mệt mỏi, suy nhược vì phải thức xuyên đêm, nhưng cũng vì vậy mà người ta tội nghiệp nên mua kẹo giúp hoặc cho em tiền.
Sau khi nắm được đường dây này, anh Duy Hòa đã báo chính quyền địa phương xử lý những kẻ chăn dắt, đồng thời làm việc với gia đình em để họ đồng ý đưa L. vào Mái ấm Tre Xanh. Ở đây em được chăm sóc, được đi học cho tới khi vào trường nghề.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như L. Nhiều trẻ khác khi bị gia đình đẩy vào con đường ăn xin trên đường phố, các em không chỉ bị bóc lột mà còn bị lạm dụng, bị dụ dỗ. A., một bé gái với rất nhiều vết rạch trên tay, cho biết em đã tự rạch dao lam vào tay mình trong những lúc cảm thấy bế tắc cùng cực.
Bị gia đình bạo hành, đẩy ra đường, em đã nhiều lần bị kẻ xấu lạm dụng tình dục. Em cho biết điều đó chẳng có gì lạ đối với bọn trẻ sống trên đường phố. Nhiều bé trai bị khách nước ngoài dẫn đi chơi, hứa cho tiền rồi lạm dụng, các em đã tự châm thuốc, tự làm đau thân thể mình.
Không dễ để tiếp cận các em này bởi các em không tin ai, nhìn cuộc sống đầy ngờ vực, thù ghét, sợ hãi. Anh Duy Hòa phải mua bánh kẹo, mua cơm cho các em hoặc dẫn theo “gà nhà” - là những em bé lang thang đã được cứu giúp đưa vào mái ấm để trò chuyện và “moi” thông tin.
Một số em đã hoàn toàn mất niềm tin ở người lớn, rất khó để các em có một cuộc sống bình thường. Có em nhỏ được đưa vào mái ấm, em đã lấy trộm đồ và cả chiếc xe đạp đi học đem bán rồi quay lại cuộc sống đường phố.
Người ăn xin ở chợ Bến Thành. |
Phải tìm hiểu và tác động từ gia đình
Nhiều em bé sau khi được đưa về gia đình, anh đã nhìn thấy trước khả năng trẻ bị bắt đi ăn xin trở lại là rất cao bởi cha mẹ tâm tính không bình thường, thường bạo hành con cái, hoàn cảnh nghèo khó.
Những người làm công tác xã hội đã kết hợp với công an và chính quyền địa phương can thiệp để gia đình đồng ý cho trẻ vào mái ấm để được đi học. Có thể nói là vừa thuyết phục vừa “hù dọa” mới tác động được họ. Nhiều kẻ chăn dắt đã nhiều lần đe dọa “xử đẹp” các anh chị làm công tác xã hội vì “xía mũi” vào công việc của họ.
ông Phạm Trường Sơn, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN, cho biết qua nhiều năm làm công tác xã hội, giải pháp lâu dài nhất chính là tác động, thay đổi, giúp đỡ từ trong gia đình. Riêng trong vấn đề trẻ em ăn xin trong thành phố, các gia đình này hầu hết đều từ nơi khác tới, chính quyền TP.HCM không thể cử người đi tìm hiểu hay đến tận nơi để giải quyết các vấn đề của địa phương khác. Ông nói: “Lúc này, các mạng lưới cộng đồng có thể giúp đỡ vì họ có tình nguyện viên, họ có thể tiếp cận và kết nối các địa chỉ có thể giúp đỡ”.
Với trẻ ăn xin là người nước ngoài thì ông Phạm Trường Sơn cũng nhìn nhận: “Riêng vấn đề trẻ em nước ngoài thì khó hơn nhiều mà ở thành phố hiện người này là đông nhất. Nói thật là tôi cũng không đưa ra được kiến nghị hay giải pháp nào cho vấn đề này. Người dân thành phố là nơi dễ sống, người dân hay cho tiền người nghèo nên có đưa họ về nước thì họ cũng quay trở lại thôi”.
Truyền thông trong công tác xã hội
Khi gặp gia đình các em, tôi truyền thông cho họ về quyền trẻ em, về pháp luật để họ sợ mà không bóc lột con trẻ nữa. Tôi theo dõi thấy nhiều trẻ em ăn xin được vài trăm đến cả triệu đồng mỗi ngày, xin ăn ở thành phố rất dễ kiếm tiền nên những kẻ chăn dắt sẽ vẫn tìm cách đưa trẻ em nước ngoài qua đây đi ăn xin. Thậm chí nhiều người lớn khỏe mạnh cũng đang giả dạng khuyết tật, bệnh tật để tham gia nghề ăn xin ở TP.HCM. Truyền thông thay đổi nhận thức người dân cũng là rất quan trọng để họ chung tay tham gia vào giải quyết.
Anh Trần Duy Hòa, cựu nhân viên Hội Bảo trợ trẻ em
Cần phối hợp liên tỉnh để giải quyết
Thành phố và các tỉnh cần có những kế hoạch phối hợp liên tỉnh để khi thành phố bàn giao người ăn xin về địa phương khác, họ phải có trách nhiệm quản lý và theo dõi, tránh tình trạng “gom vào, thả ra” như suốt thời gian qua.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ