Theo danh sách đăng ký của VPF, đội một HAGL hiện có 29 người tính cả ngoại binh. Nếu HAGL bỏ V.League, toàn bộ 29 cái tên này sẽ không được thi đấu.
Tương lai bất định đang chờ những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh sau tuyên bố của bầu Đức. Ảnh: Minh Chiến. |
Không đá V.League, cầu thủ HAGL khó lòng lên tuyển
Những người đang chơi 20 tới 25 trận mỗi mùa như Văn Thanh, Văn Toàn, Công Phượng... sẽ phải “ngồi chơi xơi nước”. Họ sẽ không thể gia nhập các CLB V.League khác vì thời hạn đăng ký danh sách đã kết thúc.
Cơ hội xuất ngoại của Công Phượng, Xuân Trường như bầu Đức dự tính cũng không có nhiều. Bởi quá trình đàm phán chuyển nhượng quốc tế thường mất rất nhiều thời gian. Ngay cả khi sang được Nhật Bản, Hàn Quốc, chẳng có gì đảm bảo họ sẽ được ra sân. Hãy nhìn Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng là ví dụ.
Một phương án khác cũng nên được xem xét là đưa những Công Phượng, Xuân Trường sang Lào hoặc Campuchia - những giải đấu có chất lượng chuyên môn thấp hơn hẳn V.League.
Cả hai phương án trên đều sẽ khiến “những đứa trẻ của bầu Đức” mất rất nhiều cơ hội và đối diện nguy cơ thụt lùi về chuyên môn.
Thay vì thảm cỏ V.League, sân chơi mới của Tuấn Anh có thể là những sân bóng không khán đài ở hạng Ba hoặc mảnh đất Lào, Campuchia xa xôi. Ảnh: Minh Chiến. |
Không còn được thi đấu trong môi trường đỉnh cao, Công Phượng, Xuân Trường cũng sẽ khó lòng được gọi tập trung đội tuyển. Bầu Đức từng nói cầu thủ của ông không chơi V.League nhưng sẽ ưu tiên tối đa cho đội tuyển quốc gia. Trong trường hợp này, chúng ta phải đặt ngược lại câu hỏi: HLV Park Hang-seo có dám triệu tập cầu thủ HAGL khi họ không được thi đấu?
Mùa 2016 và 2017, HLV Hữu Thắng và ông Mai Đức Chung từng nhiều lần bị chất vấn khi triệu tập Lương Xuân Trường - đang bị đày ải trên ghế dự bị ở Gangwon FC và Incheon United. Trước đó nữa, Nguyễn Văn Quyết, Quế Ngọc Hải và Lê Công Vinh đều bị gạt khỏi đội tuyển quốc gia trong thời gian dính án treo giò.
Đội tuyển Việt Nam sẵn sàng trao cơ hội cho những cái tên chơi ở giải hạng Nhất (như Bùi Tiến Dũng) nhưng chưa từng có tiền lệ gọi những cầu thủ không được thi đấu. Hãy nhớ tới nhận định kinh điển: phong độ tại V.League là thước đo của đội tuyển Việt Nam.
Khủng hoảng ở đội một sẽ lan ra toàn CLB
Khi HAGL bỏ V.League, cuộc khủng hoảng ở đội một chắc chắn sẽ lan rộng ra cả CLB.
Bầu Đức sẽ phải tìm môi trường thi đấu, làm việc mới cho toàn bộ tập thể đội bóng, ban huấn luyện và những nhân viên hỗ trợ ở Hàm Rồng. Giám đốc Chung Hae Seong nhiều khả năng trở về Hàn Quốc, các HLV cốt cán có thể ra đi như ông Đinh Hồng Vinh từng chuyển tới Cần Thơ.
HAGL cũng phải lập tức thanh lý 2 ngoại binh. Tương lai lứa ba JMG với nhiều cầu thủ đang thuộc U19 Việt Nam sẽ trở nên mơ hồ. Cầu thủ trẻ HAGL có thể bị PVF, CLB Hà Nội hay Viettel “câu” mất như cách HAGL từng “rút ruột” Văn Toàn, Văn Thanh ở Hải Dương.
Đó là chưa kể đến những hệ lụy về kinh tế mà bầu Đức phải đối mặt.
Thương hiệu HAGL và uy tín cá nhân của bầu Đức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cổ phiếu của tập đoàn khó lòng giữ giá trị trên thị trường trong bối cảnh HAGL vốn đã gặp nhiều khó khăn. Bầu Đức sẽ ngay lập tức phải bồi thường vài tỷ đồng tiền vé cho những CĐV đã đặt mua cả mùa. Thu nhập của các cầu thủ, ban huấn luyện và toàn bộ nhân viên ở Hàm Rồng sẽ bị ảnh hưởng.
Với tham vọng to lớn này, ông Chung liệu có hài lòng khi HAGL bỏ V.League? Đồ họa: Như Ý. |
Quan trọng hơn, bầu Đức sẽ khó lòng duy trì mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nếu bầu Đức vẫn kiên quyết, ông nên biết chi tiết này. Một thập kỷ qua, chưa đội bóng nào bỏ giải có thể về lại với V.League. Một ngày nào đó, nếu HAGL muốn trở lại cuộc chơi, quy chế chuyên nghiệp sẽ buộc họ phải làm lại từ đầu ở giải... hạng ba. Trong hệ thống bóng đá Việt Nam, giải hạng Ba là cấp độ thấp nhất và không được tính là giải chuyên nghiệp.
HAGL đã mất 17 năm để tạo nên một lịch sử lẫy lừng. Nhưng họ không cần quá một đêm để xóa bỏ nó.