CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đã công bố quyết định giải thể CTCP Thế giới số Trần Anh - công ty con từng vận hành chuỗi điện máy Trần Anh nổi tiếng một thời ở miền Bắc.
Như vậy, sau gần 7 năm về tay Thế Giới Di Động, thương hiệu này chính thức biến mất trên thị trường. Doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài lý giải động thái nhằm tái cơ cấu công ty con để tối ưu vận hành, nhưng thực tế chuỗi điện máy này đã không còn hoạt động kể từ năm 2018.
Từng thống trị thị trường phía Bắc
CTCP Thế giới số Trần Anh tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trần Anh, được thành lập vào ngày 11/3/2002 và chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ ngày 8/8/2007.
Cách đây khoảng 10 năm, Trần Anh là nhà phân phối hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy tại thị trường miền Bắc. Công ty này cũng từng tự hào sẽ "trở thành doanh nghiệp bán lẻ máy tính số 1 tại miền Bắc" để so kè với đối thủ Pico.
Để tạo ra sự khác biệt trên thương trường, Trần Anh chọn hợp tác với "đại gia" điện máy Nojima Corporation để mở các chuỗi siêu thị điện máy mang phong cách Nhật Bản.
Thời hoàng kim, Trần Anh có tổng cộng 39 siêu thị điện máy, chủ yếu phủ rộng ở các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang.
Tuy nhiên, cũng chính vì chiến lược "bành trướng" quá nhanh với hàng loạt mặt bằng đắc địa, Trần Anh dần sa sút về lợi nhuận.
Từ mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục 42 tỷ đồng trong năm 2012, công ty này đột ngột báo lãi chỉ vài tỷ đồng trong các năm sau đó. Mặc dù kết quả các năm 2015-2016 có phần cải thiện, đến 2017 Trần Anh vẫn ngậm ngùi lỗ đậm 63 tỷ đồng.
LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ CỦA TRẦN ANH QUA CÁC NĂM | ||||||||||||
Nguồn: BCTC DN. | ||||||||||||
Nhãn | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 42 | 2 | 5 | 19 | 28 | -63 | -4 | 10 | 12 | 14 | 18 |
Tháng 8/2017, Thế Giới Di Động và Trần Anh chính thức công bố thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).
Thời điểm đó, ông Trần Xuân Kiên - cựu Chủ tịch HĐQT Trần Anh chia sẻ với truyền thông 2 lý do cơ bản để đưa ra quyết định bán cổ phần là dự báo mức độ tiêu thụ đồ điện máy bị bão hoà và thương mại điện tử phát triển mạnh.
Tới tháng 1/2018, Thế Giới Di Động chính thức hoàn tất mua lại Trần Anh và trở thành công ty mẹ chi phối toàn bộ hoạt động của đơn vị này.
Bị xóa tên từ 2018
Sau thương vụ, Thế Giới Di Động đã chuyển đổi mô hình kinh doanh của Trần Anh, biến chuỗi này từ một nhà bán lẻ độc lập thành đối tác của Thế Giới Di Động.
Thay vì trực tiếp kinh doanh, Trần Anh chủ yếu tạo ra doanh thu từ việc cho thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu. Hàng tồn kho không còn được ghi nhận và tài sản chính của Trần Anh là tiền gửi ngân hàng để thu lãi hàng năm.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào đầu tháng 2/2018, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho biết "đã quên Trần Anh rồi".
"Bản chất của nó cũng chỉ là 34 cửa hàng trong hệ thống của Thế Giới Di Động chứ không phải là điều gì đó ghê gớm. Như vậy sẽ không có cửa hàng nào mang tên Trần Anh được mở thêm, mà các cửa hàng hiện hữu của Trần Anh sẽ phải chuyển mình thành Thế Giới Di Động về mọi mặt", ông Nguyễn Đức Tài cho biết.
Điều đó có nghĩa "ông lớn" này mua lại Trần Anh không nhằm phát triển thương hiệu này. Thực tế, đến giữa năm 2018, tất cả cửa hàng điện máy Trần Anh đều đã thay đổi nhận diện thương hiệu thành các cửa hàng Điện Máy Xanh. Website chính thức của công ty cũng chuyển sang Điện Máy Xanh, chuỗi điện máy nổi tiếng một thời đã chính thức bị xóa tên trên thị trường.
Sau khi thay đổi mô hình, doanh thu của Trần Anh giảm từ vài nghìn tỷ đồng mỗi năm xuống chỉ còn hơn trăm tỷ đồng, chi phí bán hàng gần như không tốn một đồng nào và lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động tài chính.
Báo cáo tài chính cho thấy giai đoạn 2019-2022, Trần Anh chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế khiêm tốn hơn chục tỷ đồng mỗi năm.
Thế giới số Trần Anh từng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từ năm 2010 với mã chứng khoán TAG, nhưng năm 2018 bị hủy niêm yết, chuyển xuống giao dịch tại thị trường UPCoM. Sau đó, doanh nghiệp bị hủy tư cách công ty đại chúng, chính thức rời sàn chứng khoán vào đầu năm 2023.
Việc giải thể CTCP Thế giới số Trần Anh đánh dấu sự kết thúc của một thương hiệu từng có vị thế lớn tại miền Bắc. Điều này cũng thể hiện sự tập trung của Thế Giới Di Động vào việc tối ưu hóa vận hành và chỉ duy trì các thương hiệu mạnh như Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động, Bách Hóa Xanh...
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Thế Giới Di Động 'khai tử' chuỗi điện máy Trần Anh
Thế Giới Di Động quyết định giải thể Trần Anh nhằm tối ưu vận hành. Đây từng là chuỗi điện máy có tiếng ở thị trường phía Bắc.
Anh rể Phó chủ tịch Hòa Phát bán sạch cổ phiếu HPG
Ông Nguyễn Đức Tuấn, anh rể ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch Hòa Phát đã hoàn tất việc bán hết cổ phiếu HPG nắm giữ, ước tính thu về 3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Tài: MWG sẽ lấy lại mức lãi kỷ lục trong 2 năm tới
Với tốc độ tăng trưởng 15-30% mỗi năm, Thế Giới Di Động cần 2 năm nữa để đạt lợi nhuận xấp xỉ mức kỷ lục 4.900 tỷ đồng từng đạt vào năm 2021.