Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số phận buồn của chiếc máy bay bị bỏ quên 12 năm ở Nội Bài

Chiếc máy bay Boeing B727-200 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines.

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), chiếc máy bay B727-200 vốn thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), mang quốc tịch Campuchia với số hiệu đăng ký XU-RKJ. Máy bay này đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) từ ngày 1/5/2007.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết tổng tiền dịch vụ từ thời điểm ngày 1/12/2017 đến tháng 4/2018 đã lên đến 832.000 USD

Hãng ngừng hoạt động, máy bay bị bỏ quên

Trước khi bị bỏ lại Nội Bài, máy bay Boeing 727-200 được dùng để khai thác tuyến HAN - REP - HAN (Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội) từ ngày 5/3/2007. Do gặp sự cố, máy bay đã đỗ lại từ ngày 1/5/2007.

Theo Bộ GTVT, ngay tại thời điểm năm 2007, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã nhiều lần trao đổi với Royal Khmer Airlines về việc khắc phục sự cố và di dời máy bay. Tuy nhiên, Royal Khmer Airlines và các đối tác liên quan không thực hiện việc di chuyển bay cũng như không có bất kỳ liên hệ gì. 

may bay Royal Khmer Airlines bi bo quen o San bay Noi Bai anh 1
Chiếc máy bay B727-200 số hiệu đăng ký XU-RKJ bị bỏ quên ở sân bay Nội Bài trong suốt 12 năm qua. Ảnh: Wikipedia.

Theo Cambodia Daily, Royal Khmer Airlines là một hãng hàng không tư nhân khai thác các chuyến bay thẳng giữa Campuchia, Việt Nam và Hàn Quốc.

Trong lịch trình chuyến bay của hãng được cập nhật lần cuối cùng năm 2006, hãng bay này khai thác các chuyến bay quốc tế đến Hà Nội, TP.HCM, Seoul cùng với đường bay nội địa. Tuy nhiên, hãng bay này đã ngừng hoạt động vào năm 2007. 

Trước đó, vào ngày 7/2/2006, The Korea Times cũng đưa tin Bộ Xây dựng và Vận tải Hàn Quốc đã đưa ra lời chỉ trích đối với hãng này do các biện pháp an toàn không đạt tiêu chuẩn.

Cụ thể, các vấn đề của hãng Royal Khmer Airlines do cơ quan này đưa ra gồm lỗi đèn của hệ thống thoát hiểm khẩn cấp không hoạt động, sách hướng dẫn trên máy bay đã lỗi thời. Ngoài ra máy bay của hãng cũng thiếu các biện pháp an toàn trong việc nạp nhiên liệu và xếp hành lý của hành khách. 

Chính phủ Campuchia từ chối lấy về 

Tháng 12/2014, ông Keo Sivorn, Cục trưởng Cục Hàng không Campuchia (SSCA), cho biết vì Royal Khmer Airlines không còn đăng ký với SSCA nên chính phủ quốc gia này không có trách nhiệm đối với chiếc máy bay cũng như không có ý định lấy lại.

may bay Royal Khmer Airlines bi bo quen o San bay Noi Bai anh 2
Chính phủ Campuchia cho biết họ không còn trách nhiệm gì đối với chiếc máy bay này.  Ảnh: Rai Huang. 

"Chiếc máy bay này đã không còn trong danh sách quản lý của chúng tôi kể từ khi công ty này ngừng hoạt động", ông Sivorn nói. "Một khi nó không còn trong danh sách thì trách nhiệm của chúng tôi cũng hoàn tất". 

Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi và tàu bay B727-200 đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia từ ngày 13/10/2008.

Quan chức này thông tin Royal Khmer Airlines thuộc sở hữu của một doanh nhân Hàn Quốc tên là Song Dong-zu nhưng SSCA không biết nhiều về người này.

"Bây giờ, trách nhiệm của Việt Nam là tìm chủ sở hữu của chiếc máy bay hoặc có thể bán nó để lấy phế liệu, tùy vào quyết định của Việt Nam", ông nói thêm. 

Từng là sản phẩm thành công của Boeing

Là một trong những dòng máy bay thương mại thành công của Boeing, mẫu B727 hiện ngừng sản xuất từ khá lâu. Vào những năm đầu ra mắt (1965-1967), một chiếc Boeing 727-200 có giá khoảng 4,2 triệu USD, nhưng đến năm 1982, mỗi chiếc loại này được bán ở mức giá tới 22 triệu USD

Từng là một trong những loại máy bay phản lực phổ biến nhất thế giới, hơn 1.830 chiếc Boeing 727 đã được bán và là loại máy bay được mua nhiều nhất trong lịch sử cho đến năm 1990. Boeing 727-299 có chiều dài 46,7 m, sải cánh 33 m và có sức chứa 189 hành khách, 4 phi hành đoàn. 

Đối với chiếc Boeing 727-200 bị bỏ quên ở sân bay Nội Bài, rất nhiều chuyên gia nhận định chiếc Boeing 727 nằm ở sân bay Nội Bài hơn 10 năm qua đến nay chỉ có giá trị như... sắt vụn. Cục Hàng không Việt Nam đưa ra 2 phương án để xử lý tàu bay này là đấu giá tàu bay hoặc giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. 

“Tài sản mang đấu giá là một tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy không đủ cơ sở và sẽ thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nêu.

Một chiếc Boeing 727-200 đã bay 59.000 giờ cùng thời với chiếc máy bay "bị bỏ quên" này cũng từng được rao bán trên Global Air vào năm 2016 với giá 1,29 triệu USD

Trải nghiệm trên máy bay lớn nhất Việt Nam có gì khác biệt? Hãy cùng Zing.vn trải nghiệm chuyến bay thương mại đầu tiên của chiếc máy bay chở khách lớn nhất Việt Nam, chiếc Boeing 787-10 đầu tiên mà một hãng hàng không VN vừa nhận bàn giao.

Chưa biết xử lý thế nào tàu bay bị bỏ quên 12 năm ở Nội Bài

Sau 12 năm, ngành hàng không vẫn chưa thể chốt được phương án cuối cùng thanh lý chiếc Boeing 727-200 bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài.



Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm