Số phận những bé gái bị cưỡng hiếp, bị bán vào động mại dâm khi mới 3 tuổi, 5 tuổi, 9 tuổi ở Ấn Độ từ lâu luôn khiến thế giới đau đớn, phẫn nộ.
James A. Levine không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Ông đến Ấn Độ để thực hiện sứ mệnh của một thiên thần áo trắng. Ở xứ sở của những điệu múa, vị bác sĩ này không chỉ chữa lành những nỗi đau về thể xác mà còn mang hơi ấm của tình yêu thương đến cho các bé gái tội nghiệp bị lạm dụng và xâm hại.
Tất cả buồn vui và đau khổ của những kiếp người bị đọa đày ấy đều được tái hiện sống động trong tiểu thuyết Cuốn sổ màu xanh.
Khi cô con gái đầu lòng trở thành một món hời
Batuk là con gái lớn trong gia đình nông dân nghèo ở bang Madhya Pradesh. Khi gia đình lâm vào cảnh nợ nần, cha của em liền đem bán đứa con gái 9 tuổi cho một ông chủ chuyên cung cấp gái gọi tại Mumbai. Batuk hào hứng với chuyến đi tới thủ đô mà không biết rằng đó là cuộc hành trình khởi đầu cho sự bất hạnh.
Khi em nhận ra sự thật đằng sau bữa tiệc chia tay linh đình cùng những hành động lạ lùng của bố mẹ thì đã quá muộn màng. Từ một bé gái trong gia đình, bỗng chốc Batuk bị biến thành một món hàng. Còn chưa hết bàng hoàng sau khi rơi vào hang cọp, cô bé tội nghiệp đã bị đem ra trả giá, “cò kè bớt một thêm hai”, cùng những ly rượu và nụ cười khả ố của đám đàn ông đốn mạt.
Tiểu thuyết Cuốn sổ màu xanh của James A, Levine. |
Một bé gái 9 tuổi bị cưỡng bức bởi người đàn ông đáng tuổi bố mình. Người mà chỉ vài phút trước còn nở nụ cười với em. Nước mắt cùng sự van lơn không làm động lòng một con quỷ đang đắm chìm trong sắc dục. Cuộc đời cô bé hồn nhiên thích nói chuyện với cỏ cây bắt đầu những chương u tối.
Sau đó, Batuk trở thành gái điếm chuyên nghiệp. Ở tuổi 15, cô bé trở thành con gà đẻ trứng vàng trong một nhà thổ tại Đường Chung ở Mumbai. Em gọi công việc nhơ nhớp mà mình vẫn làm hàng ngày là “làm bánh”. Dường như tên gọi ấy xoa dịu nỗi đau trong lòng em.
Bỗng nhiên, Batuk được rời khỏi nhà chứa tồi tàn ở khu Đường Chung để đến khách sạn Hoàng gia Mumbai. Sự xa hoa, tráng lệ nơi đây làm Batuk cảm thấy choáng váng. Cô bé tò mò không biết điều gì đang đợi mình ở phía trước. Liệu giấc mơ cổ tích có khi nào đến với một cô gái bán hoa? Dù có hay không Batuk vẫn cảm thấy vui vì lần đầu tiên trong đời em được đối xử như một nàng công chúa.
Niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Batuk được đưa đến khách sạn này để mua vui cho Iftikhar, con trai của ông trùm giàu có Bubba. Batuk giống như nàng Lọ Lem sau khi đêm vũ hội kết thúc. Cô gái điếm ở Đường Chung trở về với công việc quen thuộc của mình, dùng thân xác mua vui cho đám đàn ông. Điều đáng nói là “vụ làm ăn” này sẽ là kí ức khó phai nhất trong đời Batuk.
Khúc ca tuyệt vọng từ nhà thổ
Quá khứ và hiện tại, niềm vui và nỗi buồn, những mộng mơ lấp lánh và sự thật đầy thương đau… tất cả đã tạo nên Cuốn sổ màu xanh. Trong nhà chứa tối tăm, nồng nặc mùi mồ hôi và son phấn cùng những tiếng chửi rủa, Batuk vẫn tin vào những điều kì diệu. Cô bé giấu một cuốn sổ nhỏ dưới đệm, ghi lại chuỗi ngày dài đầy khổ cực và câu chuyện thần tiên của riêng mình.
Trong các nhà thổ trên các khu phố đèn đỏ ở Ấn Độ, có nhiều trẻ vị thành niên đã bị ép hoạt động mại dâm. Ảnh: Samacharnama.com. |
Trong câu chuyện ấy, Batuk là nữ hoàng quyền uy còn cậu bạn thân Puneet là một chiến binh quả cảm. Những thứ xấu xa, bỉ ổi sẽ bị đánh bại bởi chàng trai dũng mãnh có trái tim nhân hậu. Đó là giấc mơ mang màu của hạnh phúc. Liệu một con người chưa bao giờ biết hạnh phúc đích thực là gì có thể hình dung ra hạnh phúc hay không?
Từ khi sinh ra, dường như Batuk chưa được đón nhận hạnh phúc hay niềm vui đúng nghĩa. Bi kịch tìm đến em từ khi sinh ra với hình hài của một bé gái. Mẹ của em luôn coi cô con gái là một công cụ lao động hiệu quả. Còn cha em thì xem giọt máu của mình như gánh nặng bởi món hồi môn mà họ sẽ phải trả vào một ngày không xa. Sinh ra một đứa con gái dường như là một gánh nặng, một bi kịch, một sự bất hạnh của gia đình. Dù có là một đứa trẻ tật nguyền thì cậu em Navaj của Batuk cũng có ích hơn nhiều.
Cuốn sổ màu xanh không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, nó còn là tiếng kêu cứu của những người phụ nữ và trẻ em gái đáng thương đang phải mưu sinh bằng chính thân thể mình tại những khu phố đèn đỏ ở Ấn Độ. Họ sống một cuộc đời đầy bế tắc, khốn cùng nơi chỉ có bạo lực, đau khổ và sự dã man.
Và rồi, biết bao đứa trẻ lại được sinh ra ở những khu nhà thổ như Đường Chung, để tiếp tục sống cuộc đời như mẹ chúng. Bi kịch của những cô bé tội nghiệp như Batuk đến khi nào mới có thể chấm dứt?