Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số phận bí ẩn của nhà báo Mỹ bị phiến quân hành quyết

Không nhiều người biết Steven Sotloff làm thế nào để tới được Trung Đông và bối cảnh nhà báo tự do này bị bắt cóc vẫn còn là một bí ẩn.

Nhà báo Steven Sotloff trước khi bị phiến quân bắt cóc. Ảnh: EPA
Nhà báo Steven Sotloff trước khi bị phiến quân bắt cóc. Ảnh: EPA

Sotloff, 31 tuổi, lớn lên ở Miami cùng người mẹ tên Shirley. Ông bà ngoại của Sotloff là những người sống sót sau nạn diệt chủng dưới thời Đức Quốc xã. Anh đăng ký học ngành báo chí tại trường đại học Trung Florida (UCF) sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 2002.

"Người đàn ông này có khả năng thắp sáng cả căn phòng. Cậu ấy luôn là một người bạn tốt và chu đáo với chúng tôi. Nếu bạn cần ai đó giúp đỡ, Sotloff sẵn sàng gác mọi chuyện để đi với bạn", Josh Polsky, bạn cùng phòng kí túc xá ở đại học với Sotloff, nói trên báo New York Times.

Trong thời gian học ở UFC, Sotloff viết bài cho tờ báo của sinh viên trong trường, tờ Central Florida Future. Tuy nhiên, Sotloff không theo trọn vẹn khóa học và rời trường vào mùa thu năm 2004. Năm 2005, anh bắt đầu theo đuổi nghề phóng viên chuyên nghiệp. 

Nhà báo dấn thân

Không nhiều người biết Sotloff làm cách nào đến được Trung Đông để tác nghiệp. Tuy nhiên, bạn bè kể rằng anh không hề lo sợ hay nao núng về tình hình nguy hiểm và đầy biến động ở khu vực này. "Hàng triệu người sẽ nói rằng những điều mà Sotloff đang làm là ngu ngốc. Nhưng đó là quan điểm của người ngoài cuộc thôi. Đó là đam mê của anh ấy và không điều gì có thể thổi tắt ngọn lửa nghề nghiệp của Sotloff", một người bạn tên Emerson Lotzia nói.

Nhà báo Sotloff (áo khoác xanh) tác nghiệp ở Libya năm 2013. Ảnh: AFP
Nhà báo Sotloff (đội mũ sắt màu đen) tác nghiệp ở Libya năm 2013. Ảnh: AFP

Sotloff đi đến nhiều quốc gia như Bahrain, Ai Cập, Libya, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đầy rối loạn sau những cuộc lật đổ và nội chiến để đưa tin. Các bài báo của anh lần lượt xuất hiện trên những ấn phẩm uy tín của Mỹ như tạp chí TIME, World Affairs, National InterestChristian Science Monitor.

Tháng 10/2012, Sotloff có mặt ở Benghazi, Libya để đưa tin về vụ người dân tấn công và phóng hỏa đại sứ quán Mỹ. Sau đó hai tháng, anh đến vùng bắc Syria viết về cuộc sống khó khăn của người dân Syria phải đi sơ tán để tránh nội chiến ác liệt. "Tôi đã ở đây hơn một tuần, chẳng ai muốn đến đây vì lo sợ bị bắt cóc. Tình hình khá tệ. Tôi ngủ ngoài trời, trốn sau những chiếc xe tăng, uống nước mưa", Sotloff viết trong email gửi một đồng nghiệp.

Đồng nghiệp nhận xét các bài báo của Sotloff thể hiện từ quan điểm của những người dân bình thường, từ câu chuyện người mẹ của chín đứa con sống trong trại tị nạn ở Syria đến cảm xúc của người biểu tình Ai Cập chống lại cựu Tổng thống Mohamed Morsi, chứ không phải hoạt động chiến sự nóng bỏng. 

"Anh ấy không theo đuổi các đầu tựa giận gân hay không thổi phồng sự việc. Sotloff muốn kể một câu chuyện nhiều tầng lớp", James Denton, biên tập viên tờ World Affairs nói.

Bài đăng cuối cùng của Sotloff trên Twitter vào ngày 3/8/2013, khi đó Sotloff đang ở Benghazi, Libya. Một số người cho biết anh trở về Syria từ đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó hoàn toàn mất tích. 

Bà Shirley, mẹ của Sotloff, trong đoạn video thỉnh cầu phiến quân trả tự do cho con trai mình. Ảnh: pixel8000
Bà Shirley, mẹ của Sotloff, trong đoạn video thỉnh cầu phiến quân trả tự do cho con trai mình. Ảnh: pixel8000

Bối cảnh vụ bắt cóc Sotloff vẫn còn là một bí ẩn. Một người thạo tin nói một nhóm tội phạm đã bắt cóc Sotloff trước tiên, sau đó chúng "bán" anh cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo. Gia đình Sotloff cố gắng hạn chế nói về số phận của con mình, mãi cho đến khi anh xuất hiện trong video phiến quân hành quyết nhà báo James Foley.

Mẹ của Sotloff, bà Shirley, đã thực hiện một đoạn video thỉnh cầu phiến quân trả tự do cho người con trai "đầy tự trọng và luôn cố gắng giúp đỡ những người yếu thế". Trong video, bà gọi tên Abu Bakr al-Baghdadi theo đúng danh phận hoàng đế mà y tự phong khi thành lập Nhà nước Hồi giáo.

"Sotloff đã phát triển tình cảm sâu sắc với thế giới Hồi giáo. Đáng buồn là điều này trở thành nguyên nhân khiến anh bị đe dọa và giết hại", Anne Marloe, một người bạn của Sotloff, ngậm ngùi chia sẻ.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm