Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sở Nội vụ TP.HCM đề nghị giáng chức cán bộ bị cấp trên phê bình

Sở Nội vụ đề xuất điều động và bố trí vị trí làm việc thấp hơn trong trường hợp thực hiện không tốt nhiệm vụ bị cấp trên phê bình, nhắc nhở.

Đây là một trong nhiều đề xuất được Sở Nội vụ đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2022 diễn ra ngày 8/1.

Đánh giá cao nhóm đề xuất của đơn vị này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng chỉ cần thực hiện theo những đề xuất của Sở Nội vụ, việc cải cách hành chính sẽ có kết quả.

Điều động cán bộ xuống vị trí thấp hơn nếu bị phê bình

Với mục tiêu cải cách hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng cán bộ.

Đáng chú ý, Sở Nội vụ đề xuất điều động và bố trí vị trí làm việc thấp hơn trong trường hợp thực hiện không tốt nhiệm vụ bị cấp trên phê bình, nhắc nhở. Bên cạnh đó, Sở sẽ ban hành quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu của cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc chậm trễ, thiếu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc giải quyết hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp.

khu cong nghiep TP.HCM anh 1

Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân. Ảnh: Phạm Ngôn.

Sở sẽ công bố quy trình nội bộ, quy trình phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính/giải quyết vụ việc trên môi trường điện tử theo hướng: Có thời hạn cụ thể với từng quy trình, từng hồ sơ; xác định rõ tổ chức, cá nhân thực hiện chức trách trong xử lý hồ sơ; có sự tham gia đóng góp ý kiến của tổ chức, doanh nghiệp; có sự giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc; có chế tài xử lý vi phạm và khen thưởng.

TP.HCM đồng thời xây dựng giải pháp đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện khung pháp lý cho thanh toán điện tử. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố tổ chức đối thoại về cải cách thủ tục hành chính định kỳ 3 tháng.

Ngoài ra, Sở Nội vụ đề nghị sắp xếp bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh công tác “xã hội hóa” thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao và tư pháp...

Sở tham mưu chuyển các nhiệm vụ, chức năng mà Nhà nước đang quản lý, giải quyết nhưng không cần thiết hoặc không hiệu quả, sang cho đơn vị ngoài Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân thực hiện.

Quỹ đất công nghiệp ngày càng hạn chế

Ở khía cạnh thu hút đầu tư, Trưởng ban Quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) Hứa Quốc Hưng cho biết năm 2021, tổng số vốn FDI đổ về TP.HCM 7 tỷ USD, khu vực này chiếm tỷ lệ 10% - tương đương 604 triệu USD. Riêng tỷ lệ thu hút đầu tư trong 3 tháng cuối năm gần bằng 40% kế hoạch cả năm.

Năm 2022, Ban Quản lý KCX, KCN tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ: Thành lập khu công nghiệp mới và chuyển đổi dần các KCX, KCN không còn phù hợp trong giai đoạn tới.

Địa điểm mới được ông Hưng đề cập là Khu công nghiệp Phạm Văn Hai với diện tích 668 ha và 90 ha khu công nghiệp liền kề, nhà ở cho công nhân.

"Đã rất lâu TP.HCM chưa có khu công nghiệp nào mới trong khi các tỉnh bạn, quỹ đất công nghiệp, số lượng khu công nghiệp rất nhiều và vượt trội. Kể từ khi nhận nhiệm vụ, tôi rà soát và thấy rằng từ 2010-2015, TP.HCM vẫn đi đầu trong nhóm tỉnh có khu công nghiệp, đất công nghiệp và chỉ số kinh tế trong công nghiệp. Nhưng từ 2016 đến nay, quỹ đất công nghiệp ngày càng hạn chế", ông Hưng cho biết.

Hiện, trong KCN, KCX chỉ còn 300 ha đất có thể cho thuê, khai thác. Trong khi quy hoạch của TP.HCM là dành 5.800 ha cho đất công nghiệp thì con số này ở Tây Ninh là 11.000 ha; Bình Dương là 18.000 ha. Về số khu công nghiệp, Bình Dương có 32 khu, Đồng Nai - 28 khu, Tây Ninh - 5 khu.

"Chỉ số thu hút đầu tư của các tỉnh bạn bắt đầu vượt chúng ta. Đây là vấn đề thành phố cần đặt ra", ông Hưng nêu thực tế.

Đại diện Ban Quản lý KCX, KCN cho biết sẽ tham mưu UBND TP.HCM tìm kiếm quỹ đất, thu hút đầu tư. Hiện, TP.HCM có nhiều quỹ đất sạch nhưng vướng pháp lý, kết luận liên quan nên chưa thể sử dụng, khai thác. Ông Hưng cho rằng như vậy là "lãng phí tài nguyên đất".

Lãnh đạo Ban Quản lý KCX, KCN chỉ nêu một đề xuất duy nhất là mong muốn được phân cấp, ủy quyền nhiều hơn. Năm 1992, Ban Quản lý được thực hiện cơ chế một cửa tại chỗ để cấp phép đầu tư, xây dựng, môi trường. Nhưng từ 2017 đến nay, các thủ tục này không còn thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý mà chuyển về sở, ngành, quận, huyện, thành phố.

khu cong nghiep TP.HCM anh 2

Ban Quản lý KCX, KCN đề xuất mở thêm Khu công nghiệp Phạm Văn Hai vào 2022. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nói thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết năm 2022, khu công nghiệp tại TP.HCM sẽ có hai sự đổi mới: Đột phá về chuyển đổi công nghệ; và hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, khu công nghiệp lạc hậu, thâm dụng lao động, máy móc cũ kỹ sẽ phải có lộ trình chuyển đổi công nghệ để vươn lên.

Về đề xuất phân quyền của Ban Quản lý, ông Hoan cho biết UBND TP.HCM đã có dự thảo đề án về phân cấp quản lý Nhà nước nhằm thay thế Nghị định 93 (năm 2001), trong đó có nội dung phân công một số chức năng về cho sở, quận, huyện, ban quản lý...

"Nếu Chính phủ đồng ý thì một số chức năng sẽ đưa về Ban Quản lý. Đây là một bước quay trở lại sự tiến bộ trước đây", ông nhận định.

Tại sao TP.HCM chỉ giải ngân được hơn 55% vốn đầu tư công?

Năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM ở mức rất thấp, chỉ đạt 55,4% so với 95% của năm 2020.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm