Thống kê mới nhất về người nhiễm virus corona tính đến 30/1. Đồ hoạ: Minh Hồng. |
Theo thống kê mới, ít nhất 20 quốc gia xác nhận có người nhiễm virus corona, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 7.700, với 170 người tử vong và hơn 120 người đã hồi phục.
Với tỷ lệ ca nhiễm mới tăng 20-30% mỗi ngày, khả năng virus corona trở thành đại dịch toàn cầu là hoàn toàn có thể.
Phát biểu trong cuộc họp báo hồi đầu tuần, trưởng nhóm nghiên cứu về virus và trưởng khoa Y thuộc Đại học Hong Kong, ông Gabriel Leung cho rằng những biện pháp quyết liệt như hạn chế di dân nên thực hiện ngay lập tức, nếu không thì khả năng chủng virus mới trở thành dịch bệnh toàn cầu là không thể tránh khỏi.
Hình ảnh virus viêm phổi chủng corona mới dưới ống kính hiển vi điện tử. Ảnh: Hiệp hội Y khoa Massachusetts. |
Số ca nhiễm chưa thể xác định
Việc đưa ra biện pháp từ bây giờ được xem là đã muộn. Leung và đội ngũ của ông cho rằng số ca nhiễm thực tế nhiều hơn những gì Trung Quốc công bố, ước tính có thể lên 200.000 người nhiễm vào tuần sau.
Theo thống kê từ Bloomberg cập nhật đến sáng 30/1, số ca nhiễm virus corona được xác nhận đã lên đến hơn 7.700, số ca tử vong là 170. Tuy nhiên giới chuyên môn nhận định con số thực tế cao hơn rất nhiều.
Các nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy tính để tính toán R0 - số người trung bình bị lây virus từ một người nhiễm bệnh khác. Kết quả cho ra nằm từ 2-4. Dữ liệu thu được cũng cho phép tính toán thời gian một người nhiễm virus có thể lây cho người khác trong 8 ngày.
Tuy nhiên, David Fisman từ Đại học Toronto (Canada) cho biết việc đưa những con số này vào mô hình dịch bệnh tiêu chuẩn không có nhiều ý nghĩa, thậm chí dẫn đến sai sót.
Fisman cho rằng số ca nhiễm bệnh thấp do bác sĩ phải mất thời gian tìm cách chẩn đoán bệnh, còn số ca tăng mạnh trong những ngày gần đây đến từ việc chẩn đoán được cải thiện. Những người có triệu chứng nhẹ, chưa đến bệnh viện xét nghiệm vẫn có thể truyền virus cho nhiều người khác.
Các mô hình máy tính cho rằng tương tự dịch cúm, Ebola và SARS, việc hạn chế đi lại chỉ có tác dụng nhỏ.
Một số nhà dịch tễ học hy vọng có thể sớm ngăn chặn dịch bùng phát do loại bệnh này khá tương đồng với SARS hay MERS, cũng là một chủng viêm phổi thuộc họ virus corona.
Các nhân viên y tế giúp nhau khử trùng để tránh lây nhiễm virus corona. Đã có 2 bác sĩ Trung Quốc tử vong vì dịch bệnh. Ảnh: Getty Images. |
Tỷ lệ tử vong là bao nhiêu?
Theo ước tính của Leung, số ca nhiễm bệnh thực tế ở Vũ Hán có thể lên đến 25.000, thêm 19.000 ca đang ủ bệnh. Để so sánh, dịch MERS chỉ gây ra 2.499 ca nhiễm từ khi xuất hiện năm 2012, còn SARS là hơn 8.000 ca trên toàn cầu từ năm 2003.
Có 11% ca nhiễm SARS đã tử vong, còn virus Vũ Hán đến lúc này là 2,3%. Tuy nhiên mọi người hầu hết đang ở giữa quá trình phát bệnh, 96% ca nhiễm chưa có kết quả cuối cùng (chết hoặc phục hồi). Leung và các cộng sự ước tính tỷ lệ tử vong có thể lên đến 14%.
Đã có trường hợp một người nhiễm bệnh lây cho nhiều người, kể cả nhân viên y tế. Neil Ferguson từ Cao đẳng Hoàng gia London (Anh) cho rằng sự lan truyền của virus corona chủng mới khá tương đồng với SARS lẫn MERS.
Khẩu trang bịt kín, nhiều người mệt mỏi chờ tàu rời quê vào các tỉnh phía nam mưu sinh sau dịp nghỉ Tết vì lo sợ virus corona. Ảnh: Minh Hoàng. |
Làm sao để kiểm soát?
Ngược lại, nhiều trường hợp nhiễm bệnh có thể không lây truyền. Để đạt R0 dưới 4, số ca bị lây nhiễm phải cân bằng với những ca khác với R0 cực kỳ thấp. Do đó những ca nhiễm bệnh độc lập sẽ khiến virus khó lây lan hơn.
"Trái ngược với dịch cúm khi mọi người đều có thể lây và nhiễm bệnh, diễn biến của virus cho thấy chúng ta có thể kiểm soát chúng", Fisman nhận định.
Tuy nhiên, biện pháp kiểm soát duy nhất hiện nay khi chưa có vắc xin là phát hiện, cách ly người nhiễm bệnh. Tương tự dịch SARS, việc cách ly khi chưa phát bệnh sẽ khiến virus không thể lây lan.