Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói ủy ban khẩn cấp của tổ chức này sẽ họp kín để quyết định xem dịch bệnh virus corona giờ đây có được coi là tình trạng khẩn cấp quốc tế hay không.
Ủy ban 16 chuyên gia này trong tuần trước đã hai lần quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế.
Nhân viên y tế mang đồ bảo hộ đưa một bệnh nhân nhiễm virus corona vào bệnh viện Chữ thập Đỏ thành phố Vũ Hán hôm 25/1. Ảnh: AFP. |
“Trong vài ngày qua, sự lây lan của virus đặc biệt là ở một số nước, đặc biệt là khả năng lây từ người sang người, làm chúng tôi lo lắng”, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một buổi họp báo ở Geneva, nhắc đến các nước Đức, Việt Nam và Nhật Bản.
“Mặc dù con số bên ngoài Trung Quốc khá nhỏ, tiềm tàng khả năng bùng phát lớn hơn nhiều”.
Tính đến sáng sớm 30/1, đã có ít nhất 7.771 ca nhiễm virus corona ở 16 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới - toàn bộ các địa phương ở Trung Quốc, khoảng 70 ca ở nước khác, Reuters dẫn số liệu từ WHO.
Tỉnh Hồ Bắc ngày 29/1 ghi nhận thêm 37 ca tử vong do virus corona, Tứ Xuyên ghi nhận 1 ca, nâng tổng số người tử vong vì virus lên ít nhất 170, theo giới chức nước này.
Tình hình vẫn “ảm đạm và phức tạp”, theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã cam kết sẽ đánh bại “virus ác quỷ”.
Michael Ryan, Giám đốc Điều hành của Chương trình Y tế Khẩn cấp thuộc WHO, nói rằng không thể đoán trước được bao giờ đợt dịch này sẽ đạt đến đỉnh điểm bùng phát.
"Nên chúng ta không cần quá để tâm vào việc khi nào thì dịch đạt đỉnh, chúng ta cần chú ý hành động trong những ngày tiếp theo và tuần tiếp theo", ông nói.
Phát biểu của ông Ryan đến sau khi Zhong Nanshan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Quốc gia về Bệnh Hô hấp, cho biết ông trông đợi dịch bệnh sẽ đạt điểm trong 1 tuần hoặc 10 ngày tới.
Một người đàn ông mang khẩu trang tại Hong Kong hôm 29/1. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, đường phố tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc vẫn vắng lặng. Các điểm du lịch đóng cửa, còn các điểm đông người như siêu thị hay quán cafe Starbucks yêu cầu đo thân nhiệt của khách, yêu cầu họ đeo khẩu trang.
Mỹ đưa 210 công dân của mình rời khỏi Vũ Hán bằng máy bay. Họ được kiểm tra nhiều lần khi tới California.
Một công dân Mỹ không được cho lên máy bay do bị sốt. Các hành khách về Mỹ sẽ ở lại một căn cứ không quân ở California trong ba ngày để xét nghiệm.
Nếu họ muốn về nhà sau ba ngày đó, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ chuyển thông tin để địa phương tiếp tục theo dõi trong suốt 14 ngày - thời gian ủ bệnh tối đa, theo Bloomberg.
Các điểm dịch lớn ở Trung Quốc và các nước ở khu vực đã phát hiện có bệnh nhân nhiễm virus corona. Đồ họa: New York Times. |
Pháp cho biết chuyến bay đầu tiên chở người Pháp sẽ rời Vũ Hán vào tối 29/1, còn Anh cho biết sẽ thuê chuyến bay ngày 30/1 chở 200 công dân đi. Canada cũng đang tổ chức sơ tán công dân, theo Reuters.
Trong khi đó, khoảng 200 công dân Anh tại Vũ Hán vừa được thông báo rằng họ chưa được rời khỏi đây trong ngày 30/1. Theo hãng thông tấn PA, các quan chức Trung Quốc chưa cho phép máy bay di tản của Anh cất cánh.
Chuyến bay đầu tiên của Nhật Bản để sơ tán công dân đã đáp xuống Tokyo vào ngày 29/1. Trong số 206 công dân Nhật được đưa về, 3 người được xác nhận đã nhiễm virus corona. Hai người khác, một lái xe và một hướng dẫn viên du lịch, cũng xét nghiệm dương tính với virus dù chưa từng đến Vũ Hán, dấy lên lo ngại về việc virus đang lan rộng tại Nhật.