Tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin về dịch Covid-19 TP.HCM diễn ra chiều 19/7, ông Trần Phước Anh, quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, thông tin về trường hợp một công dân Hàn Quốc tử vong do Covid-19.
Ở góc độ đối ngoại, ông Phước Anh cho biết Sở Ngoại vụ TP.HCM đã liên hệ với các cơ quan liên quan như Bệnh viện Chợ Rẫy, Công an TP.HCM, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh để phối hợp xử lý.
Sáng cùng ngày, sở có công hàm thông báo cho Tổng lãnh sự quán. "Tôi đã ký thư chia buồn để gửi đến gia đình bệnh nhân quá cố và có công văn báo cáo lãnh đạo thành phố và các cơ quan liên quan biết sự việc và có các bước tiếp theo", ông Phước Anh thông tin.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 đang là mối lo ngại lớn nhất của TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đại diện Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết thêm kể từ đầu dịch Covid-19, người nước ngoài mắc kẹt tại TP.HCM rất nhiều vì họ đang du lịch, công tác hoặc có việc đến TP.HCM thì dịch xảy ra. TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý và tạo điều kiện tối đa giúp các công dân này trở về nước.
Sau hơn một năm, tỷ lệ người nước ngoài mắc kẹt tại TP.HCM giảm rất nhiều. Các cơ quan có kênh riêng để tạo điều kiện cho công dân về nước theo nhu cầu. Nếu có nhu cầu chính đáng và được sự quan tâm của cơ quan nước họ thì Sở Ngoại vụ tạo điều kiện tối đa đưa về nước. Tỷ lệ đi du lịch bị mắc kẹt còn rất ít.
Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.
Sau 10 ngày áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Ngày 18/7, TP.HCM ghi nhận kỷ mục mới với 4.692 ca nhiễm trong ngày. Từ 27/4 đến trưa 19/7, TP.HCM ghi nhận 32.926 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.