Elon Musk vượt qua tỷ phú Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản 209 tỷ USD sau khi cổ phiếu của hãng xe điện Tesla tăng vọt trong phiên giao dịch 8/1 (giờ Mỹ). Một trong những động thái đầu tiên của vị CEO này sau khi trở thành người giàu nhất hành tinh là xin lời khuyên về cách làm từ thiện.
Trên Twitter, Musk viết hôm 8/1: "Tôi luôn đánh giá cao những bình luận mang tính phản biện. Cả cách cho đi số tiền này cũng có thể tạo ra sự khác biệt”. Năm 2017, tỷ phú Jeff Bezos cũng có động thái tương tự.
So với những người đứng sau trên bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, CEO Tesla chỉ là cái tên mờ nhạt trong lĩnh vực từ thiện. Nổi bật nhất là tỷ phú Bill Gates và người bạn lâu năm Warren Buffett. Họ là những người đã ủng hộ hàng chục tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu cho các quỹ từ thiện.
Cặp tỷ phú cũng sáng lập nên quỹ Giving Pledge, kêu gọi những người giàu có cho đi ít nhất một nửa tài sản trong suốt cuộc đời của họ.
Elon Musk vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất hành tinh với khối tài sản 209 tỷ USD. Ảnh: CNBC. |
Ngay cả Jeff Bezos, người từng bị dư luận chỉ trích vì không tích cực làm từ thiện, gần đây cũng đã chú trọng đến vấn đề này. Năm 2020, CEO Amazon cam kết quyên góp 10 tỷ USD cho các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Tháng 11 năm ngoái, ông chủ Amazon đã ủng hộ 791 triệu USD cho 16 tổ chức về bảo vệ môi trường.
Dù đã ký cam kết Giving Pledge, Elon Musk tới giờ vẫn từ chối công khai về các hoạt động từ thiện. Theo Quartz, CEO Tesla ủng hộ hơn 257 triệu USD - tương đương 0,001% khối tài sản hiện tại - cho Musk Foundation. Trong đó, 65 triệu USD đã được phân bổ tới 200 tổ chức phi lợi nhuận trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018.
Trong khi có nhiều ý kiến chỉ trích cách Musk làm từ thiện, ông cho biết mình tích lũy tài sản cũng là để cho đi, hoặc ít nhất để thực hiện những điều mình đam mê như khám phá vũ trụ. "Cần rất nhiều tài nguyên để xây dựng một thành phố trên Hỏa tinh. Và tôi muốn đóng góp nhiều nhất có thể”, ông cho biết trên tờ Axel Springer (Đức) hồi tháng trước.
Những chuyên gia về từ thiện đã bắt đầu theo dõi về cách Elon Musk sẽ xử lý số tiền của mình như thế nào. Trên thực tế, các tỷ phú thường có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Bill Gates là một nhà từ thiện toàn thời gian và tích cực đóng góp trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey thì luôn cập nhật các tin tức về việc làm từ thiện vào một ghi chú công khai trên Internet.
MacKenzie Scott - vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos, hiện sở hữu 60,7 tỷ USD - được đánh giá cao với cách làm từ thiện hoàn toàn mới. Các dự án của bà tránh được nhiều thủ tục phức tạp do người nhận không cần thông qua nhiều khâu giải ngân mà vẫn được nhận tiền trực tiếp một cách nhanh chóng.
Theo Bloomberg, các khoản quyên góp của vợ cũ tỷ phú Jeff Bezos trong năm 2020 lên tới 6 tỷ USD. Giáo sư Brian Mittendorf, người chuyên nghiên cứu về các tổ chức phi lợi nhuận của Đại học bang Ohio (Mỹ), cho rằng Elon Musk nên học hỏi cách làm từ thiện của bà Scott.