Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sở Giao thông bất lực với 'cò' giấy phép lái xe

"Công an từng giải tỏa nhóm người đó nhưng chỉ xử phạt hành chính, sau đó họ lại tụ tập quanh Sở Giao thông như cũ", Chánh văn phòng Sở Giao thông Hà Nội trả lời Zing.vn.

Ông Nguyễn Hồng Đạt, Chánh văn phòng Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trả lời Zing.vn về tình trạng cò giấy phép lái xe bủa vây Sở Giao thông hành nghề môi giới, kiếm lợi.

- Sau khi xem clip phóng sự về những người làm dịch vụ, hay còn gọi là "cò", giấy phép lái xe hoạt động kiếm lời ngay trong và ngoài trụ sở Sở Giao thông, ông có ý kiến gì?

- Tôi nắm được thực trạng này từ khi được phân công, nhận nhiệm vụ vào tháng 8/2015. Ban lãnh đạo Sở từng phối hợp với Công an phường Văn Quán để giải tỏa nhóm người đó nhưng chưa xử lý triệt để.

Cụ thể, cuối tháng 9/2015, cảnh sát hình sự - Công an quận Hà Đông đã đưa 7-8 người chèo kéo người dân tới làm thủ tục cấp, đổi lại giấy phép lái xe (GPLX) về đồn. Tuy nhiên, cảnh sát chỉ xử phạt hành chính.

Tôi không biết những người làm dịch vụ làm gì, nói gì với người tới làm thủ tục nhưng hồ sơ đổi GPLX không có gì ngoài giấy khám sức khỏe, đơn tự khai và GPLX hoặc CMND.

Cái quan trọng nhất là người đổi bắt buộc phải đến trụ sở xuất trình giấy tờ, chụp ảnh. Chúng tôi cũng không thể hiểu họ làm được gì để chèo kéo người dân.

Ông Nguyễn Hồng Đạt, Chánh văn phòng Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: 

Phan Anh.

- Người cấp đổi phản ánh bị một sộ cán bộ ở phòng quản lý GPLX làm khó, câu giờ. Trong khi đó, "cò" cho biết họ đều có "đường dây" và nhận giải quyết chỉ sau 15 phút với giá 200-300.000 đồng; nhận nâng cấp bằng  giá 3,5-5 triệu đồng. Ông nói gì trước các thông tin này?

- Đây là lần đầu tiên tôi nghe thông tin cán bộ từ chối tiếp nhận hồ sơ, câu giờ nhận GPLX của người dân để "cò" hoạt động kiếm lời. Sở GTVT niêm yết thời gian trả, nhận GPLX.

Từ năm 2013 Sở GTVT triển khai dịch vụ đổi GPLX qua mạng, người có nhu cầu chỉ cần đăng ký qua hệ thống website, sau đó tới theo lịch hẹn. Thủ tục khá đơn giản, người dân chỉ cần mất 2 tiếng sẽ nhận lại bằng mới.

Bản thân tôi chưa từng thấy phản ánh về hiện tượng người dân không lấy được GPLX như mong đợi mà phải đợi từ sáng tới chiều hay hết ngày này qua ngày khác.

Có thể có lúc số người quá đông dẫn tới quá tải. Thực tế, thời gian đầu thực hiện, cán bộ phòng quản lý GPLX phải làm việc quá giờ buổi trưa, buổi chiều để đáp ứng nhu cầu của người dân.

'Cò' giấy phép lái xe hoạt động tấp nập ở Sở Giao thông Hàng chục người làm dịch vụ đổi giấy phép lái xe nhanh với giá cao hoạt động công khai trước và trong trụ sở Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Còn về việc nâng cấp GPLX thì được thực hiện ở các cơ sở đào tạo. Người có nhu cầu phải đến đó nộp hồ sơ, đăng ký theo học chương trình chính quy. Khi nâng cấp từ B1 lên B2, hoặc từ bằng C lên D, E phải có thời gian đào tạo theo quy chuẩn của Bộ GTVT. Người dân phải đến cơ sở sát hạch để thi và nhận bằng. Sở GTVT chỉ có trách nhiệm in bằng của người thi đỗ sau đó chuyển trả tới cơ sở đào tạo.

Chúng tôi chưa từng nghe tới chuyện cò móc nối trả bằng nâng cấp từ Sở GTVT mà không thông qua cơ sở sát hạch. Tôi sẽ yêu cầu Phòng quản lý GPLX kiểm tra, rà soát về thông tin mà Zing.vn đề cập.

Cò GPLX ngang nhiên hoạt động, thu tiền người dân trong phòng quản lý GPLX - Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

- Trong trường hợp phát hiện cán bộ móc nối với "cò", Sở GTVT sẽ xử lý ra sao?

- Chúng tôi có quy chế khắt khe về việc này. Nếu nhân viên trong phòng quản lý GPLX có dấu hiệu móc nối với "cò", tuồn GPLX để thu tiền bất chính, người dân có thể phản ánh hình ảnh qua đường dây nóng. Sở Giao thông sẽ yêu cầu phòng quản lý GPLX kiểm tra làm tường trình báo cáo giám đốc kỷ luật.

Tùy mức độ vi phạm, người đó sẽ kỷ luật luân chuyển vị trí công tác hoặc yêu cầu nghỉ việc. 

- Thực tế, tình trạng này tồn tại đã lâu như ông nói và Zing.vn cũng từng phản ánh vào năm 2015. Vậy sắp tới Sở Giao thông Vận tải có giải pháp gì để chấn chỉnh?

- Tôi thừa nhận tình trạng trên và xin tiếp thu cũng như phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý.

Cụ thể, Sở sẽ ngay lập tức quán triệt nhân viên tại phòng quản lý GPLX tuyệt đối không móc nối với cò để làm dịch vụ, kiếm lời. Quán triệt đội bảo vệ cấm những người đứng trước cổng trụ sở, bên trong phòng làm việc chèo kéo người dân.

Đồng thời, chúng tôi sẽ cắt cử một bảo vệ đứng trước cửa làm việc giám sát, hướng dẫn người dân tới làm thủ tục, nhận GPLX. Nếu bảo vệ không làm tròn trách nhiệm, Sở sẽ yêu cầu nghỉ việc và thay nhân sự mới.

Tuy nhiên, việc xử lý nhóm người này còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn họ hoạt động ngoài trụ sở làm việc. Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe, nghiêm khắc.

Ngay cả khi chúng tôi nhờ Công an phường Văn Quán vào cuộc, như tôi nói ở trên, nhưng khi về đồn, họ khai là giúp người dân viết đơn, kê khai hộ thông tin nên chỉ có thể xử lý hành chính. Sau đó, họ lại tiếp tục tụ tập quan Sở Giao thông như cũ.

 




Hoàn Nguyễn - Phan Anh

Bạn có thể quan tâm