Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'So găng' sức mạnh hỏa lực chiến hạm Nga - Mỹ

Trong khi các tàu chiến của Mỹ có hệ thống phòng thủ nhiều tầng nhiều lớp thì tàu chiến Nga có sức mạnh tấn công đáng sợ.

Một cuộc tấn công quân sự vào Syria vẫn chưa xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là bóng ma chiến tranh đã rời xa. Mỹ vẫn không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực đối với Damascus nếu các nỗ lực chính trị và ngoại giao bất thành.

Trong khi đó, Nga đang tìm mọi cách để bảo vệ đồng minh. Hạm đội tàu chiến đôi bên vẫn thường trực ngoài  khơi Địa Trung Hải và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào.

Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ sở hữuhệ thống chiến đấu tối tân Aegis vốn mạnh về phòng không nên chúng có lợi thế vượt trội so với hải quân Nga.
Hệ thống chiến đấu Aegis cùng với các tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-2, SM-3 mang lại khả năng đánh chặn tên lửa mạnh mẽ, hơn hẳn các tàu chiến Nga.
Tuy nhiên, tàu chiến Nga lại có lợi thế vượt trội về khả năng chống hạm. Tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Moskva lớp Slava là một ví dụ điển hình. Nó mang theo tới 16 tên lửa chống hạm hạng nặng P-500 Bazalt, pháo hạm nòng kép 130 mm.
Tên lửa chống hạm P-500 có tầm bắn tới 550 km, có thể mang theo đầu đạn thông thường nặng một tấn hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật 350 kiloton. Nó bay với tốc độ nhanh gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh nên đối phương rất khó đánh chặn. Tên lửa này được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay Mỹ".
Một loại tên lửa chống hạm đáng sợ khác của Nga là P-270 Moskit, loại tên lửa trên tàu khu trục lớp Sovremenny. Đây là hỏa tiễn chống hạm có tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay. Nó đạt tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh nên đánh chặn nó là việc gần như không tưởng.
Trong khi đó, tên lửa chống hạm chủ lực trên tàu chiến Mỹ là RGM-84 Harpoon. Đây là một tên lửa có tốc độ cận âm, tầm bắn khoảng 120 km. Nó được dẫn hướng đến mục tiêu bằng cách kết hợp giữa dẫn hướng quán tính và radar bán chủ động.
Tuy nhiên, tầm bắn xa, tốc độ nhanh của các tên lửa chống hạm Nga lại không hoàn toàn mang lại lợi thế cho họ. Để phát huy tối đa tầm bắn của tên lửa cũng như dẫn đường đến mục tiêu, họ cần sự hỗ trợ của các máy bay trinh sát như Tu-95D, trực thăng Ka-25B hoặc Ka-27B.
Trong khi đó, khả năng hỗ trợ trên không lại là thế mạnh của hải quân Mỹ. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS-Nimitz đang hiện diện tại Địa Trung Hải sẽ tạo cho hải quân Mỹ khả năng áp đảo về chi viện hỏa lực đường không và hỗ trợ dẫn đường cho vũ khí tấn công tầm xa.
Nga mạnh về tấn công từ trên chiến hạm, Mỹ mạnh về phòng thủ trên hạm và tấn công từ trên không. Một cuộc chạm trán giữa hai lực lượng hải quân hàng đầu thế giới này đều sẽ gây thiệt hại nặng cho đôi bên.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm