Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 chiều 16/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết việc cung ứng hàng hóa về thành phố gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là lực lượng thực thi công vụ các địa phương hiểu chưa đầy đủ, chưa đúng, quá khắt khe, không đảm bảo quy định.
Sở Công Thương đã đề xuất có chỉ đạo thống nhất với các địa phương để tránh trường hợp mỗi nơi hiểu mỗi cách, gây khó khăn. Ông Phương nêu ví dụ tại các địa phương có tình trạng xử phạt người dân thu hoạch vì tập trung đông người.
Trong tình hình áp dụng Chỉ thị 16 khiến nguồn hàng thu mua khó khăn, Sở Công Thương TP.HCM đã rà soát, liên hệ với Sở Công Thương các tỉnh ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và khu vực phía bắc. Qua đó, sở nhờ các tỉnh rà soát đơn vị có năng lực cung ứng tốt để kết nối với doanh nghiệp, cung ứng nguồn hàng cho thành phố.
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương. Ảnh: T.L. |
Tại buổi họp báo, Zing đặt câu hỏi về việc TP.HCM đang thiếu mặt hàng nào. Ông Phương cho biết hiện thành phố thiếu nhiều nhất là rau, củ, quả và trứng gia cầm.
"Tôi không hiểu tâm lý chung của người nội trợ thế nào mà rất thích dự trữ trứng. Nguồn hàng dự trữ từ miền Tây đều đã hết nên rất khó thu mua", ông Phương cho hay.
Sở Công Thương cho biết trong tình này, các nhà cung cấp gần như không đảm bảo được nguồn cung theo nhu cầu dù đã có hợp đồng từ trước, giá ngoài thị trường cũng rất cao.
TP.HCM hiện cũng xuất hiện "2 giá trứng". Đó là giá ở siêu thị và giá bên ngoài. Ông Phương cho biết có tình trạng vào siêu thị thu gom trứng, đem ra ngoài bán.
"Chính vì vậy, thời gian qua hệ thống đã có chính sách bán cho người tiêu dùng tối đa 2 vỉ trứng mỗi người, không bán nhiều. Đó là lý do thiếu trứng trên thị trường", ông Phương lý giải.
Đại diện Sở Công Thương cho biết thành phố hiện thiếu 1.000 tấn lương thực, thực phẩm. Nguyên nhân không phải thiếu nguồn cung mà thiếu hệ thống phân phối.
Hiện, 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, các thương lái hầu hết ngừng kinh doanh. Lý do là không có đầu ra. Trong trường hợp chợ hoạt động liên quan mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được hoạt động trở lại, sở tin rằng thương lái sẽ quay lại giao dịch, đưa hàng hóa về.
"Với mối lái họ có sẵn, kinh nghiệm khai thác thị trường, tôi tin nguồn hàng không thiếu, chỉ thiếu kênh phân phối đưa hàng hóa cho người dân", ông Phương nhận định.
Người dân xếp hàng trước cổng siêu thị để chờ mua thực phẩm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chỉ thị 16 được áp dụng trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.
TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
Từ 27/4 đến trưa 16/7, TP.HCM ghi nhận 22.564 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.