Số ca tử vong vì Covid-19 ở Italy đã tăng vọt trong 24 giờ qua, thêm 250 ca, lên tổng số 1.266, tức tăng 25%. Tổng số ca nhiễm ở Italy lên tới 17.660.
Đây gần như là mức tăng kỷ lục về số ca tử vong trong vòng 24 giờ đối với bất kỳ nước nào, chỉ thua con số 252 ca tử vong mới mà Trung Quốc ghi nhận hôm 13/2.
Nhân viên y tế và bệnh nhân tại một bệnh viện ở Brescia, Italy, hôm 13/3. Ảnh: Reuters. |
Tuần này, sau khi tuyên bố phong tỏa toàn quốc, chính phủ Italy tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp khác, bao gồm đóng cửa, quán bar, nhà hàng, hầu hết các cửa tiệm, cấm việc đi lại không thực sự cần thiết. Cho đến nay, các biện pháp phong tỏa, đóng cửa trên không giảm được đà tăng số ca tử vong.
Lãnh đạo y tế vùng Lombardy Giulio Gallera cho biết các lệnh giới hạn là chưa đủ đối với vùng này, nơi có trung tâm tài chính Milan và có tới 3/4 số ca tử vong của cả nước.
“Chúng tôi đang đề nghị thêm những ngoại lệ đối với Lombardy”, ông nói với đài RAI 3, kêu gọi đóng cửa thêm các nhà máy, văn phòng và giao thông công cộng. “Nếu chúng ta có thể hạn chế 8 ngày như vậy, có thể chúng ta sẽ đảo ngược được tình hình”.
Chưa có dấu hiệu gì cho thấy Thủ tướng Giuseppe Conte sẽ đồng ý đối với các đề nghị đóng cửa thêm ở vùng đất trù phú phía bắc Italy. Chính phủ ngày càng lo ngại ảnh hưởng lâu dài mà virus đang có lên nền kinh tế Italy.
Tỷ lệ tử vong của Italy là 7% của những bệnh nhân dương tính virus corona, cao hơn hẳn so với trung bình thế giới. Giới chức Italy giải thích nước này có tỷ lệ cao người già, và nạn nhân của virus corona là người trên 80 tuổi với các chứng bệnh nền.
Nhưng có những cách giải thích khác. Vùng Lombardy có thể đang gặp khó khăn khi số ca bệnh nặng, cần điều trị tích cực tăng mạnh.
Bộ Y tế Italy cho biết có thể tăng số giường điều trị tích cực lên 50% trên cả nước, nhưng một nguồn tin từ bộ này nói với Reuters ngày 13/3 rằng như vậy “có thể vẫn chưa đủ đối với các vùng như Lombardy nếu chúng ta không thể ngăn lây lan”.
Giuseppe Remuzzi, giám đốc viện y tế Mario Negri, nói với tờ Corriere della Sera rằng mọi ngày càng “sợ” tới bệnh viện, và không gọi cấp cứu cho tới khi gần như không thở được nữa.
Ngoài ra, Ilaria Capua, một nhà virus học tại Đại học Florida, Mỹ, còn cho biết nhiều bệnh nhân đang tử vong vì viêm nhiễm gây ra do các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ở bệnh viện Italy, theo Reuters.
Nhân viên khử trùng đường phố ở Milan, Italy hôm 13/3. Ảnh: Reuters. |
Ở Rome, Giáo hoàng Francis chống lại một quyết định mà Nhà thờ Công giáo của chính ông vừa đưa ra là đóng cửa 750 nhà thờ tại thủ đô Italy - động thái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Chỉ trong vài giờ, Nhà thờ Rome mở cửa trở lại, và tuyên bố nhà thờ các địa phương có thể mở cửa. “Các biện pháp cứng rắn không phải lúc nào cũng tốt”, Giáo hoàng phát biểu tại một buổi lễ truyền trực tiếp qua Internet.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/3 nhận định châu Âu giờ đây là tâm dịch mới của bệnh virus corona trên toàn thế giới, nơi đang có số ca nhiễm và ca tử vong vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhiều hơn tất cả những nơi khác gộp lại, chỉ trừ Trung Quốc đại lục.