Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số ca tử vong vì Covid-19 ở TP.HCM đang giảm

Ông Phạm Đức Hải cho hay số ca tử vong giảm liên tiếp 3 ngày liền cho thấy việc điều trị của ngành y tế TP.HCM có hiệu quả.

Chiều 31/8, TP.HCM họp báo định kỳ thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và các sở, ban, ngành có nhiều đánh giá tích cực liên quan hiệu quả việc xét nghiệm, kiểm soát khai báo y tế, lưu lượng xe trên đường sau hơn 10 ngày tăng cường giãn cách xã hội.

Phát hiện nhiều ca nhiễm khi tầm soát diện rộng

Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết trong 3 ngày gần nhất 30/8 đến 1/9, số ca tử vong giảm liên tiếp. Trong đó, ngày 30/8 (335 ca), ngày 31/8 (303 ca), ngày 1/9 (217 ca).

Song, số ca mắc Covid-19 theo thống kê trong 5 ngày từ 28/8 đến 2/9 tăng đều lên 27.000, nâng tổng số ca nhiễm lên 227.129. Ông Hải cho hay biểu đồ số ca mắc tăng dốc cho thấy việc xét nghiệm diện rộng có trọng tâm, trọng điểm của thành phố đạt hiệu quả.

TP.HCM tang ca mac,  giam ca tu vong trong nhieu ngay lien anh 1

Thống kê số ca tử vong vì Covid-19 ở TP.HCM từ 22/8 đến 1/9. Đồ họa: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Thành phố đang điều trị cho 41.040 bệnh nhân. Trong đó có gần 2.900 bệnh nhân dưới 16 tuổi, hơn 2.700 bệnh nhân nặng và 19 bệnh nhân cần can thiệp ECMO.

Từ ngày 1/1 đến 1/9, thành phố có hơn 116.000 bệnh nhân được xuất viện, 9.724 ca tử vong.

Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 1/9 tăng lên hơn 6,2 triệu liều, trong đó tổng số mũi 1 hơn 5,8 triệu, mũi 2 là hơn 350.000 liều. Số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền đã tiêm gần 685.000 trường hợp.

Công an TP.HCM quét mã khai báo bằng camera

Về việc giấy đi đường của các đơn vị sắp hết hạn, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết tùy theo quyết định, chủ trương của thành phố sau ngày 6/9 để Công an TP.HCM tính toán việc cấp giấy đi đường mới.

"Công an TP.HCM sẽ có phương án làm sao để thuận tiện nhất để không phiền hà vì những thay đổi", thượng tá Hà trả lời.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm Công an TP.HCM vừa triển khai 2 điểm có camera quét mã vạch khai báo y tế ở ngã sáu Phù Đổng (quận 1) và trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3).

TP.HCM tang ca mac,  giam ca tu vong trong nhieu ngay lien anh 2

Công an TP.HCM vừa triển khai 2 vị trí có camera quét mã khai báo để tiết kiệm thời gian và hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ và người dân. Ảnh: Y Kiện.

Người dân đi qua chỉ mất 5 giây quét mã và cán bộ trực chốt sẽ căn cứ màn hình để kiểm tra, cho xe qua chốt mà không mất thời gian quét, tiếp xúc. Tuy nhiên, thượng tá Hà cho biết khó khăn trong bối cảnh hiện nay là khan hiếm thiết bị camera.

Xe trên đường giảm hơn 83%

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (Sở GTVT), cho biết thống kê từ 25/8 đến 2/9, mỗi ngày, phương tiện lưu thông trên đường giảm trung bình 83-85% so với trước dịch.

Theo ông An, từ 6h đến 18h hàng ngày, lượng xe giảm 83%, buổi tối giảm hơn 90%. Ngày 1/9, sở thống kê trong 100% lượng xe trên đường có 11% xe máy, 25% xe 45 chỗ, xe tải 58%, xe 16 chỗ 4,9%, còn lại là xe tải nặng, xe trên 35 chỗ (0,3%). Tất cả xe được phục vụ công tác phòng chống dịch.

"Hiện nay, các tuyến đường bị cấm, rào chắn hiện nay chiếm 70%. Do đó, lượng phương tiện dù chỉ có 10% nhưng tập trung vào các tuyến đường chính. Điều này làm chúng ta có cảm giác lưu lượng tăng lên", ông An lý giải việc người dân phản ánh tình trạng xe đông đúc trên đường.

Về việc vì sao TP.HCM ngừng cấp mã nhận diện QR đối với xe luồng xanh, ông Bùi Hòa An cho hay do trước đó chỉ có thành phố áp dụng Chỉ thị 16 nên thành phố phải cấp mã nhận diện phương tiện này.

"Hiện nay, việc thực hiện mã luồng xanh này đã phổ biến cả nước, do đó thành phố không tiếp tục cấp theo nhận diện phần mềm của TP nữa; mà tất cả phương tiện lưu hành sẽ được cấp mã nhận diện dựa trên phần mềm của Tổng Cục đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải", ông An nói.

TP.HCM tang ca mac,  giam ca tu vong trong nhieu ngay lien anh 3

Sở GTVT TP.HCM thống kê lưu lượng xe buổi tối giảm hơn 90%. Ảnh: Thuận Thắng.

Về vấn đề lưu lượng xe trên đường, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Phạm Đức Hải chia sẻ: "Để chúng ta chống dịch thành công thì phải có những người tham gia chống dịch. Đó là lực lượng tình nguyện, y bác sĩ, lực lượng vũ trang, người đi chợ hộ, người bệnh đi cấp cứu, xe container chở hàng hóa, người chở túi an sinh đến tận nhà... những người có nhiệm vụ phải ra đường".

Từ ngày 23/8, TP.HCM thực hiện tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 11. Phương châm là “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ”.

TP.HCM tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); người dân "ai ở đâu ở đó", tổ công tác đặc biệt tại từng địa phương "đi chợ hộ" cho tất cả người dân.

Từ 30/8, shipper được hoạt động trở lại trên toàn thành phố, chỉ được di chuyển nội quận và phải xét nghiệm 1 ngày/lần (với vùng đỏ) hoặc 2 ngày/lần (với các vùng còn lại).

Lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM trực 100% quân số dịp lễ 2/9

Trừ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, lực lượng vũ trang, người tham gia phòng chống dịch tuyến đầu phải đảm bảo 100% quân số trong 4 ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh.

TP.HCM đã được phân bổ 9,1 triệu liều vaccine Covid-19

Bộ Y tế vừa quyết định cấp thêm hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca và Pfizer cho TP.HCM, nâng tổng số vaccine được phân bổ cho thành phố lên hơn 9,1 triệu liều.

TP.HCM kiến nghị không rút nhân sự hỗ trợ đến khi kiểm soát được dịch

Thành phố cũng kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tăng cường hơn 2.200 nhân viên y tế, giảng viên có chuyên môn tham gia chống dịch tại khu cách ly F0 và các bệnh viện.

Thư Trần - Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm