Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM kiến nghị không rút nhân sự hỗ trợ đến khi kiểm soát được dịch

Thành phố cũng kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tăng cường hơn 2.200 nhân viên y tế, giảng viên có chuyên môn tham gia chống dịch tại khu cách ly F0 và các bệnh viện.

Chiều 2/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Cuộc họp thảo luận về các vấn đề nhân lực tại thành phố, sự tham gia của shipper vào hệ thống phân phối, nguồn gạo Trung ương cấp phát cho TP.HCM...

Thiếu nhân lực, cần hỗ trợ thêm gạo

Báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết nhân lực chống dịch của TP.HCM hiện có 153.350 người. Lực lượng hỗ trợ từ Trung ương là 24.000 người.

"Hiện, thành phố quá tải hầu hết khâu. Nhân lực là khó khăn lớn nhất của thành phố", ông Đức nói.

Do tình hình dịch tương đối phức tạp, ông Đức kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành phố không rút nhân sự đang hỗ trợ (có thể thay đổi luân phiên) cho tới khi TP.HCM kiểm soát được dịch. Phó chủ tịch thành phố cũng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc sẵn sàng tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, phòng khi dịch lan rộng.

Thành phố kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tăng cường 2.205 nhân viên y tế, giảng viên có chuyên môn y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại khu cách ly F0, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19. Ngoài ra, thành phố mong muốn được tăng cường 2.024 nhân viên y tế (622 bác sĩ và 1.402 điều dưỡng) cho khối điều trị Covid-19 tại 977 Tổ Covid-19 cộng đồng; trạm cấp cứu vệ tinh; và theo taxi chuyển bệnh. Bộ Quốc phòng xem xét, hỗ trợ thêm 30 trạm y tế lưu động.

TP.HCM siet chat gian cach xa hoi anh 1

TP.HCM cần tăng lực lượng nhân viên y tế hỗ trợ công tác điều trị. Ảnh: Chí Hùng.

Tại cuộc họp, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết Trung ương đã phê duyệt 74.000 tấn gạo cho TP.HCM (bằng 50% đề xuất của thành phố). Tuy nhiên, mỗi ngày, thành phố chỉ nhận được 1.000 tấn, đến ngày 10/9 mới nhận được 14.000 tấn gạo.

Nguyên nhân là ở phía nam, lực lượng bốc xếp, vận chuyển hàng từ kho dự trữ gạo lên xe rất khó khăn. Cả kho Long An và Đồng Nai hiện chỉ có 40 nhân viên bốc xếp, làm việc 8 giờ/ngày, không tăng ca.

Để đẩy nhanh tiến độ, thành phố sẽ huy động 100 nhân viên bốc xếp chuyên nghiệp, tổ chức bốc xếp từ ngày mai, thực hiện "3 tại chỗ", làm 3 ca/ngày. Sản lượng nâng từ 100 tấn lên 170 tấn/ngày, kết thúc đợt 1 trước ngày 6/9.

Theo ông Hoan, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu thành phố báo cáo kết quả đợt 1 rồi mới kiểm tra, phê duyệt đợt 2. "Thành phố đang tập trung để báo cáo sớm. Tuy nhiên, theo quy trình này thì chắc cả tháng nữa mới tới được đợt cấp gạo thứ 2. Với tình trạng này, lương thực về thành phố sẽ chậm. Như vậy, sẽ dẫn tới tình trạng có người nhận chậm, người nhận trước", Phó chủ tịch TP.HCM đề nghị Trung ương chuyển thêm 5.000 tấn gạo cho thành phố.

Lên kế hoạch mở cửa lại chợ đầu mối

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng báo cáo sau khi cho shipper hoạt động trở lại, lực lượng đi chợ thay "rất mừng" do được giảm áp lực. Bà Thắng khẳng định đây là quyết định đúng đắn.

TP.HCM đang có khoảng 10.000 shipper hoạt động. Thành phố đang tính toán lại tỷ lệ dương tính để có thể nới giãn việc xét nghiệm. Bà Thắng nhận định tiến độ hoạt động của shipper như hiện nay có thể đảm bảo được nhu cầu của người dân.

Về hoạt động của các chợ đầu mối, bà Phan Thị Thắng cho biết chợ Hóc Môn và chợ Thủ Đức đang được dùng làm điểm tập kết hàng hóa. Chợ Bình Điền có khoảng 30 F0 đã khỏi bệnh, thành phố sẽ xem xét tập trung các trường hợp khỏi bệnh và cho hoạt động trở lại. Mỗi sạp sẽ có 300 m2 để hoạt động, khách hàng phải khai báo trước, âm tính mới được vào chợ.

Các hệ thống sản xuất thực phẩm như bánh bao Đức Phát, bánh ABC..., sau khi đánh giá an toàn thì sẽ cho phép mở cửa trở lại, cung cấp hàng cho khu cách ly, phong tỏa.

Trước khi có lực lượng tăng cường, hơn 900 siêu thị mini của thành phố phải đóng cửa. Đến nay, 567 siêu thị đã mở cửa trở lại sau khi được cấp thêm giấy đi đường. Thành phố cũng huy động được các chuyến xe lưu động, siêu thị mini di động.

Thời gian tới, các nguồn hàng về thành phố sẽ tăng. Thành phố đã làm việc với Vĩnh Long, Long An, Bến Tre, Bình Phước để huy động lượng hàng lớn hơn cho các quận, huyện.

TP.HCM siet chat gian cach xa hoi anh 2

Shipper giúp giảm áp lực cho hệ thống phân phối ở TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trung bình một ngày, Tổ công tác đặc biệt tại địa phương đi chợ giúp 101.000 hộ dân, còn shipper giúp khoảng 199.000 hộ. Dự kiến đến ngày 6/9, số shipper hoạt động tăng lên khoảng 17.000-18.000.

"Shipper có lợi thế ứng dụng công nghệ, chạy hàng nhanh hơn", ông Vũ nói và cho biết các chuỗi cung ứng đang phản ánh khó khăn về chi phí khi xét nghiệm 2 ngày/lần.

Hiện nay, hàng hóa về TP.HCM chỉ bằng 60% so với trước ngày 23/8. Ngoài lương thực, thực phẩm, xuất hiện thêm nhu cầu các hàng tiêu dùng bình thường khác như xà bông, nước rửa chén...

Kết luận buổi họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nguyên tắc số người ra đường bao nhiêu không quan trọng. Quan trọng là thứ nhất, người dân không ra khỏi nhà, trừ các trường hợp được cho phép; thứ hai là người đã ra ngoài đường phải đảm bảo an toàn, còn việc đi trên đường nguy cơ lây nhiễm không cao.


Hai quận, huyện ở TP.HCM công bố kiểm soát được dịch

Sáng 2/9, huyện Củ Chi và quận 7 (TP.HCM) cùng công bố kiểm soát được dịch Covid-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chúc mừng người dân địa phương về thành tích này.

Thanh Tuấn - Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm