Số người tử vong vì virus corona trên toàn thế giới đã vượt qua con số 20.000 ca, theo thống kê của Đại học John Hopkins. Italy là nơi có nhiều ca tử vong nhất, hơn 7.500, tiếp sau đó là Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Số ca nhiễm được xác nhận trên toàn cầu cũng vượt 450.000.
Ca nhiễm tăng ở Trung Quốc, nhưng không có ca nhiễm nội địa
Trung Quốc đại lục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, nhưng tất cả đều là các trường hợp ngoại nhập, theo Uỷ ban Y tế Quốc gia.
Trong một thông báo, cơ quan này cho biết đã có 67 ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, cao hơn so với 47 ca nhiễm của một ngày trước đó. Như vậy tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này tới này là 81.285 trường hợp.
Uỷ ban cũng cho biết đã có thêm 6 trường hợp tử vong vì virus corona, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh ở Trung Quốc lên 3.287 trường hợp.
Người đeo khẩu trang đi mua sắm tại một cửa hàng đồ điện tử ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 25/3. Ảnh: Reuters. |
Mỹ có thêm 10.000 ca nhiễm
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã báo cáo 54.453 trường hợp nhiễm virus corona, tăng 10.270 trường hợp và cho biết số người chết đã tăng 193, lên 737, theo Al Jazeera.
Tổng số này không bao gồm các trường hợp công dân hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc và Nhật Bản. Các số liệu của CDC không nhất thiết phản ánh các trường hợp được báo cáo bởi từng bang.
Theo CNN, CDC và Đại học Phẫu thuật Mỹ khuyến nghị các bệnh viện, hệ thống y tế và bác sĩ phẫu thuật hoãn hoặc hủy các dịch vụ tự chọn và không khẩn cấp.
Singapore có kỷ lục 73 ca nhiễm mới
Theo Reuters, Bộ Y tế Singapore cho biết nước này ghi nhận 73 ca nhiễm mới trong ngày 25/3, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 631.
Khoảng một nửa trong số những ca nhiễm mới là ngoại nhập, trong khi số trường hợp còn lại diễn ra trong cộng đồng.
Một tiệm ăn tại Singapore kê lại bàn ghế để khách hàng ngồi giãn cách nhau ra. Ảnh: Reuters. |
Pháp có thêm 231 người chết, 86% ca tử vong là người trên 70 tuổi
Jérôme Salomon, giám đốc dịch vụ y tế của Pháp, thông báo rằng nước này có thêm 231 ca tử vong vì virus trong 24 giờ trước đó, dù những con số này chỉ tính ca tử vong tại bệnh viện, không bao gồm những người chết ở nhà dưỡng lão hoặc bên ngoài bệnh viện. Số ca tử vong của Pháp giảm 9 ca so với 24 giờ trước đó.
Tổng số ca nhiễm của nước này là 25.233, 1.331 trường hợp tử vong, với 86% trong số đó là người trên 70 tuổi.
Italy lo dịch lan về phía nam
Theo số liệu từ Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, con số tử vong mới nhât thấp hơn mức 743 công bố ngày hôm qua, nhưng nhiều hơn tổng của hai ngày liên tiếp trước đó và là mức cao thứ ba kể từ khi dịch bệnh nổ ra ở miền Bắc nước này vào cuối tháng 2.
Tính đến nay, Italy là nước có nhiều ca tử vong vì bệnh nhất, theo sau là Tây Ban Nha, nước vừa vượt qua Trung Quốc đại lục về số ca tử vong.
Số ca nhiễm được xác nhận của Italy tăng từ 69.176 lên 74.386.
Một người bán rau và trái cây chuyển hàng đến cho khách bằng thuyền ở Venice, Italy, hôm 25/3. Ảnh: Reuters. |
Khu vực Lombardy ở miền Bắc Italy, tâm dịch của cả nước, chứng kiến việc ca nhiễm và ca tử vong mới giảm mạnh vào ngày 25/4, làm dây lên hy vọng dịch bệnh có thể đã chậm đà tăng tại đây, theo Reuters.
Tuy nhiên, cùng lúc đó cảnh báo cũng được gióng lên từ miền Nam, nơi số ca nhiễm và tử vong thấp hơn hẳn, nhưng lại đang tăng lên nhanh chóng. Các chỉ dấu mới làm dấy lên quan ngại hệ thống chăm sóc y tế của vùng này, vốn không được trang bị tốt như phía bắc giàu có, có thể sẽ sớm bị quá tải.
"Đến lúc này có một nguy cơ là bi kịch của Lombardy sẽ trở thành bi kịch của vùng phía nam", Vincenzo De Luca, lãnh đạo của vùng Campania quanh Naples, viết trong lá thư công khai gửi đến Thủ tướng Italy Giuseppe Conte.
Chúng ta đang trên bờ vực của một sự lây lan khó kiểm soát", ông nói, than phiền rằng chính quyền trung ương đã không cung cấp đủ lượng máy thở và các thiết bị y tế thiết yếu khác cho vùng này.