- Toàn cầu có 417.582 ca nhiễm, 18.612 ca tử vong
- 6.820 ca tử vong ở Italy, cao gấp đôi của Trung Quốc
- Ca nhiễm ở Mỹ lên tới 50.206
- Ca nhiễm mới ở Hàn Quốc tăng trở lại
Với 6.820 ca tử vong, Italy đã cao hơn gấp đôi Trung Quốc đại lục về số người chết vì virus corona. Theo cập nhật mới nhất, Trung Quốc đại lục báo cáo 3.277 người chết.
Số người chết vì Covid ở Italy trong vòng 24 giờ qua tăng thêm 743, cao thứ hai kể từ khi dịch xuất hiện ở nước này.
Như vậy, sau 2 ngày liên tiếp có số ca tử vong giảm, Italy lại tiếp tục chứng kiến sự tăng trở lại.
Mặc dù số ca tử vong tăng trở lại, nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ lây lan virus corona tại đây đang chậm lại nhờ các biện pháp phong tỏa nghiêm khắc.
Những biện pháp hạn chế này về mặt pháp lý sẽ hết hiệu lực vào tối 25/3. Tuy nhiên, chính phủ Italy chắc chắn sẽ gia hạn các biện pháp này dưới một số hình thức thêm vài tuần hoặc thậm chí vài tháng tới.
Tới nay, số ca nhiễm ở Italy đã lên tới 69.176.
Một người vô gia cư ngồi tại đường Via del Corso hoang vắng ở trung tâm thành phố Rome. Ảnh: AFP. |
Hôm 21/3, Italy có 793 trường hợp tử vong, con số cao nhất từ lúc dịch bắt đầu bùng phát tại đây. Số ca nhiễm mới tại đây cũng chỉ tăng 8%, bằng với ngày 23/3 và là mức thấp nhất kể từ khi Italy công bố ca tử vong đầu tiên vào ngày 21/2.
Tỷ lệ này là 50% vào đầu tháng ba.
“Các biện pháp mà chúng tôi đã thực hiện cách đây hai tuần đang bắt đầu có hiệu quả”, ông Bruno Borrelli, Trưởng ban Bảo vệ Dân sự nói với tờ La Repubblica trước khi công bố các số liệu của ngày 24/3.
Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết hôm 24/3 rằng họ sẽ lập một bệnh viện dã chiến 4.000 giường tại một trung tâm triển lãm ở London để điều trị cho các trường hợp nhiễm virus corona.
Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Boris Johnson hôm 24/3 ra lệnh phong tỏa để ngăn dịch lây lan.
Trung Quốc có 47 ca nhiễm mới
Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Trung Quốc đại lục đã giảm đáng kể. Cơ quan Y tế Trung Quốc báo cáo 47 ca nhiễm mới trong ngày 24/3, giảm so với 78 ca nhiễm trong ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc lên 81.218, Reuters cho biết.
Các trường hợp nhiễm bệnh mới đều liên quan đến du khách nước ngoài và không có ca nhiễm trong nước được ghi nhận. 4 trường hợp tử vong mới được báo cáo, nâng tổng số người chết ở Trung Quốc lên 3.281.
Cuộc sống ở Trung Quốc dần trở lại bình thường khi số ca nhiễm mới giảm mạnh. Ảnh: Reuters. |
Tính đến ngày 25/3, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới vượt 400.000. Số ca nhiễm mới ở Mỹ và Italy đang tăng chóng mặt, đặc biệt là Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo Mỹ có thể trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để đáp ứng nhu cầu thiết bị y tế đang thiếu hụt trầm trọng khi đại dịch ngày càng lan rộng.
Hàn Quốc tăng 100 ca nhiễm mới
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc ngày 25/3 cho biết nước này ghi nhận thêm 100 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 9.137.
Số ca tử vong tăng 6 trường hợp, lên tới 126.
Một ngày trước đó, nước này ghi nhận 76 ca nhiễm mới.
Ca nhiễm ở Mỹ lên tới 50.206
Theo CNBC, số ca nhiễm tại Mỹ đã tăng gấp 10 lần trong một tuần. Tại Mỹ, hơn 50.206 người đã được xác nhận nhiễm Covid-19 vào chiều 24/3. Ít nhất 600 người cũng tử vong tại Mỹ do nhiễm virus, theo Đại học Johns Hopkins.
Bang New York đã công bố 25.665 ca nhiễm tính đến ngày 24/3, chiếm gần một nửa số ca nhiễm ở Mỹ.
Tuy nhiên, số ca nhiễm tại Mỹ trên thực tế có khả năng cao hơn rất nhiều, các quan chức thừa nhận. Việc xét nghiệm ở Mỹ được thực hiện chậm trễ và nhiều tiêu chí chẩn đoán hạn chế được đưa ra để giới hạn số lượng những người có thể được xét nghiệm.
Số ca nhiễm tại Mỹ vượt mức 5.000 ca chỉ một tuần trước. Ngày 1/3, có khoảng 100 ca nhiễm được công bố tại Mỹ.
Tới nay, virus corona đã lấy đi sinh mạng của 18.612 người trên thế giới, trong khi 104.200 người bình phục.
Tổng số ca nhiễm toàn cầu là 417.582. Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới vượt mốc 200.000 ca vào tuần trước. Trong ba ngày qua, hơn 100.000 ca nhiễm mới đã được xác nhận.
Tổng thống Trump kích hoạt đạo luật thời chiến
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/3 đã chính thức áp dụng đạo luật thời chiến để giải quyết tình trạng thiếu thiết bị y tế nghiêm trọng tại Mỹ.
Ông Peter Gaynor, giám đốc Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA), cho biết trên CNN rằng: “Chính phủ sẽ chính thức thực thi Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA) để bảo đảm có được các thiết bị y tế và thiết bị bảo vệ cần thiết để ngăn sự lây lan của Covid-19”.
Ông Gaynor cũng nói rằng DPA sẽ tạo điều kiện cho chính phủ liên bang đặt hàng 500 triệu khẩu trang và việc kích hoạt đạo luật này cũng sẽ giúp cung cấp khoảng 60.000 bộ xét nghiệm.
Ca tử vong dưới 18 tuổi đầu tiên ở Mỹ?
Los Angeles đã xác nhận thêm 4 trường hợp tử vong liên quan đến virus corona vào hôm 24/3, trong đó bao gồm một nạn nhân dưới 18 tuổi, theo Los Angeles Times.
Cơ quan y tế công cộng của khu vực cho biết họ đang xác nhận đứa trẻ đã nhiễm virus như thế nào và liệu nạn nhân có bệnh nền hay không. Họ cũng đang xem xét liệu đây có phải ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 dưới 18 tuổi tại Mỹ hay không.