Nếu thế giới đang nín thở xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, Codogno - thị trấn nhỏ ở vùng Bologna, là thế giới thu nhỏ của bức tranh về cách virus có thể tấn công một cộng đồng.
“Tôi không nghĩ chuyện lại ập tới với chính mình”, Maria Vittoria Falchetti thảng thốt. Cô gái ở thị trấn Codogno, phía bắc Italy, đã mất cha vì dịch virus corona.
Maria làm việc trong công ty gia đình ở thị trấn tâm dịch của Italy. Cha của cô - ông Umberto, 86 tuổi, là người sáng lập doanh nghiệp linh kiện xe hơi. Ông qua đời vì virus corona trong bệnh viện mà không có gia đình bên cạnh vì các quy định cách ly.
“Tôi vẫn đang cách ly và làm việc ở nhà, nhưng tôi sợ nghĩ tới ngày trở lại văn phòng”, Maria trải lòng với BBC. “Văn phòng tôi kế bên nơi làm việc của cha. Ông luôn để chiếc ví nhỏ trong ngăn kéo và tôi thường nghe thấy mỗi khi ông mở ngăn kéo ra để lấy vài đồng xu. Tôi biết ông sẽ mua cà phê ở máy”.
“Tôi sẽ nhớ âm thanh đó lắm”.
Virus corona đang đẩy lùi những tiếng ồn thường nhật. Đường phố vắng lặng, giao thông công cộng trống không, quán bar và nhà hàng đóng cửa, những gia đình tự cô lập và thành phố phong tỏa trở thành một phần của những ngày lạ lùng trong đại dịch Covid-19.
Những nỗi mất mát như của Maria Falchetti đang xảy đến với nhiều gia đình ở Italy giữa lúc cuộc sống cộng đồng bị ngăn cách.
Nếu thế giới đang nín thở xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, Codogno - thị trấn nhỏ ở vùng Bologna, là thế giới thu nhỏ của bức tranh về cách virus có thể tấn công một cộng đồng - và cách cộng đồng đó có thể chống chọi với căn bệnh vẫn còn nhiều bí ẩn.
Tháng trước, khi virus corona lần đầu tiên được phát hiện trong thị trấn, thậm chí ý tưởng về những thành phố bị phong tỏa với các chốt kiểm soát có cảnh sát canh giữ dường như vẫn xa vời như điều gì đó từ một bộ phim thảm họa viễn tưởng.
Hai ngày sau khi bùng phát dịch được xác nhận ở Codogno, cuộc sống thường ngày như ngừng trôi trong thị trấn hiện đại vốn nằm trong guồng quay toàn cầu hóa giữa thế kỷ XXI.
Từ thị trấn 1.000 năm tuổi với những quán cà phê, nhà thờ cổ, Codogno trở thành nơi của “bệnh nhân số 1” - người khởi nguồn chuỗi nhiễm bệnh.
Người dân vốn quen với cuộc sống có thể đi bất cứ đâu họ muốn, nay bị bó buộc sau những giới hạn mới. Họ trở thành những cư dân đeo khẩu trang của “vùng đỏ” cách ly - tường lửa để ngăn chặn dịch.
Một trong những điều bất ngờ nhất là cách cư dân thích ứng rất nhanh, theo lời giáo viên khoa học trong thị trấn có tên Roberto Cighetti.
“Các ưu tiên trở nên rõ ràng - thức ăn, sức khỏe, gia đình. Tất cả gói gọn trong chừng đó thứ. Bạn thích ứng trong chốc lát”, ông Roberto nói.
Nếu hành trình của Italy rơi vào vòng xoáy của dịch Covid-19 đi trước Anh vài tuần, vẫn còn cả chặng đường phía trước.
Ông Cighetti cho biết hoảng loạn tích trữ là một trong những triệu chứng xã hội đầu tiên của dịch bệnh.
“Khó có thể hành xử tốt trong khi chịu áp lực”, vị giáo viên khoa học nói với BBC. Mọi người sẽ ngừng tích trữ thực phẩm khi các siêu thị cho thấy họ không thiếu nguồn cung ứng, bằng cách thường xuyên chất thêm hàng lên kệ.
Một khi người dân tự tin vào nguồn cung thực phẩm, “hành vi hoảng loạn” sẽ kết thúc.
Thách thức xã hội tiếp theo là sự “phun trào” của tin giả (fake news). Các nhóm WhatsApp đang loay hoay với sự lan truyền của những trò lừa bịp, phương pháp chữa trị không chuẩn và thuyết âm mưu.
“Có một bản năng lan truyền tin tức không kiểm chứng, vậy nên nhiều tin đồn hoàn toàn thất thiệt”, ông Cighetti nói. “Chúng tạo ra lo lắng và hoảng loạn, cũng như gây mất niềm tin”.
Giáo sư Cighetti thực sự lo ngại thông tin sai lệch đang gây nhiễu cho những lời khuyên y tế cộng đồng thực sự, nên ông đã cùng các nhà khoa học khác đăng đàn mạng xã hội để cố gắng chống lại cơn bão thông tin giả.
Người dân địa phương đang phải chịu đựng “nạn dịch thông tin”, ông nói, trong đó ám chỉ tới cả những thông tin hữu ích và giả mạo.
Hiện tượng này có thể là tác dụng phụ cho một lát cắt không mong muốn nữa của lịch sử về cơn bùng phát dịch bệnh này. Như giáo sư dịch tễ học David Heymann nói, đây là lần đầu tiên chúng ta gặp phải một đại dịch mà “chúng ta có thể theo dõi trong thời gian thực”.
Ngoài ra, con người trong đại dịch còn phải làm quen với sự giữ khoảng cách xã hội, và điều đó có thể có sự cô lập tâm lý riêng, theo ông Cighetti. “Khoảng cách chuyển thành một trạng thái xa cách cảm xúc”.
Virus corona đang phơi bày thế giới kết nối của chúng ta có thể đột ngột trở nên dễ bị tổn thương và mong manh như thế nào. Thế nhưng, cũng chính sự giao tiếp hiện đại đó đang giữ mọi người bên nhau.
Đã nổi lên những hành động thể hiện sự đồng lòng đáng chú ý, thông qua những lời kêu gọi lan truyền trực tuyến. Italy đang có những lễ hội chốc lát với tiếng hát và âm nhạc từ các ban công, với một ca sĩ opera cất vang giọng hát tác phẩm của Puccini qua những mái nhà của Florence...
Người Italy còn nâng ly với bạn bè từ xa qua mạng. Những hình ảnh sau những cuộc “chè chén ảo” như vậy được đưa lên mạng xã hội.
Ở Paris, những người mắc kẹt trong nhà mở cửa sổ cùng vỗ tay trong đêm để cổ vũ các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Tiếng vỗ tay và sự động viên này, vang vọng khắp những con đường vắng, đến cùng lúc từ hàng nghìn người đang phải giữ khoảng cách với nhau.
Ở Anh, phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng để chuẩn bị cho cơn bão sắp tới, chia sẻ những ý tưởng để giúp đỡ người già hoặc bị cô lập. Một nhóm hỗ trợ lẫn nhau chống Covid-19 đang tiếp sức cho những nỗ lực địa phương và những người hàng xóm đăng ký các nhóm WhatsApp để chung tay giúp đỡ.
Nếu nhìn vào kinh nghiệm của Italy, người ta có thể nhận thấy sẽ có những thay đổi tâm trạng trong các phản ứng của cộng đồng đối với virus corona, với mức độ nghiêm trọng không nhất thiết phải rõ ràng lúc đầu.
Diễn tả thời gian khởi đầu cuộc sống phong tỏa lạ lẫm ở Codogno, ông Cighetti nói rằng có cảm giác như một kỳ nghỉ nhàm chán. Các trường học đóng cửa, quán bar và nhà hàng không đón khách, đường phố vắng tanh, không ai có thể đi lại.
Thậm chí còn có những mặt tích cực.
Trong “vùng đỏ”, ngoài những người đổ bệnh và tự cách ly, cư dân có thể di chuyển trong thị trấn và việc phải nghỉ làm đồng nghĩa với “những gia đình dành nhiều thời gian bên nhau, cùng đi dạo, đạp xe, dắt chó đi loanh quanh và nướng bánh”, ông Cighetti nói.
Học sinh không tới trường và theo lời vị giáo viên khoa học, khi học online, bọn trẻ dường như chăm chú hơn thường lệ.
Tuy nhiên, Covid-19 thực sự vùi dập thị trấn xinh đẹp có 16.000 dân này. Ông Cighetti nói rằng số người tử vong và nhiễm bệnh không ngừng gia tăng đang nhanh chóng thay đổi không khí ở Codogno, từ những phàn nàn ban đầu về gián đoạn công việc và những chuyến đi bị hủy bỏ sang những cảm xúc nặng nề hơn.
Những vùng cô lập khiến nỗi mất mát thêm buồn thảm hơn khi nhiều gia đình không thể tới đám tang của những người thân yêu nhất. Thậm chí, con trai không thể tới đám tang của mẹ!
Tới ngày 25/3, số ca tử vong ở Italy đã lên tới 6.820, tổng cộng 69.176 ca nhiễm được ghi nhận.
Đã có những cơn chấn động kinh tế, châm ngòi từ nỗi sợ đối với các nhà hàng ở Codogno cho đến ngành công nghiệp du lịch và doanh nghiệp đa quốc gia trên khắp miền Bắc Italy và hơn thế nữa. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), virus sẽ làm mất 25 triệu việc làm trên toàn thế giới.
Trong chuỗi cung ứng toàn cầu hóa, sự gián đoạn đối với các doanh nghiệp địa phương có thể gây tác động quốc tế. Công ty do cha của bà Maria thành lập, sản xuất linh kiện điện tử cho ngành công nghiệp xe hơi - và việc đóng cửa công ty đe dọa hiệu ứng domino, cho đến khi một ngoại lệ được đưa ra để cho phép sản xuất tiếp tục.
Việc phong tỏa Lombardy khi được đưa ra bị coi là biện pháp hà khắc theo tiêu chuẩn quốc tế, dường như đã thành công trong việc giảm đáng kể số ca nhiễm mới ở Codogno. Con đường trước mặt đã có phần tươi sáng hơn.
Thị trưởng Francesco Passerini nói Codogno là ví dụ tốt cho phần còn lại của đất nước.
“Đó là cuộc chiến. Nhưng chúng ta có mọi khả năng chiến thắng. Không giống như cha ông chúng ta - những người lao mình vào cuộc chiến giành tự do, sự đòi hỏi đối với chúng ta là thể hiện trách nhiệm và sự bình tĩnh”, vị thị trưởng nhấn mạnh.
Hẳn là không mong muốn nhưng Codogno nay đã gắn liền với cái mác “Vũ Hán của Italy”, ám chỉ tới thành phố tâm dịch của Trung Quốc, nơi ghi nhận ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên vào cuối tháng 12/2019.
Codogno là điểm đầu tiên trong câu chuyện virus từ Trung Quốc đã tới Italy như thế nào và bắt đầu một trong những đợt bùng phát chết người nhiều nhất ở lục địa già.
“Bạn nhớ tới nó một cách rõ ràng khi bạn đọc những tin tức chấn động”, ông Cighetti nói.
Vị giáo viên khoa học thức giấc vào buổi sáng với một tách cà phê khi thông tin đầu tiên về dịch này xuất hiện trên điện thoại di động. Virus từng đóng cửa nhiều thành phố ở Trung Quốc, đã xuất hiện - như thể không biết từ đâu chui ra, ngay ngưỡng cửa nhà mình.
“Chuyện cứ như thể không có thật”, ông Cighetti kể lại.
Sự chú ý của các nhà điều tra virus của thế giới đổ về phía Codogno khi một người đàn ông 38 tuổi xét nghiệm dương tính với virus. Thị trấn được mô tả như “vùng số 0” của virus corona.
Theo lời người dẫn chương trình phát thanh Poni Pagani, điều gây chấn động hơn là người đầu tiên nhiễm bệnh là một người thực sự khỏe mạnh và chơi thể thao. Không những thế, tình trạng bệnh tình của anh ta rất nghiêm trọng.
Người được gọi là “bệnh nhân số 1” này được xác nhận là Mattia, một quản lý cho hãng Unilever, lãnh đạo dự án về các sản phẩm làm sạch. Trước đó, anh đã tham gia một khóa về vệ sinh tại một trụ sở ở Anh.
“Bệnh nhân số 1” có tham gia câu lạc bộ chạy thể thao và cũng hay lui tới các quán bar và nhà hàng. Anh làm việc cho doanh nghiệp toàn cầu với văn phòng và các trung tâm sản phẩm trên khắp thế giới.
Mattia đang hồi phục nhưng chuỗi lây nhiễm đã đi theo anh, lan tới gia đình, bạn bè và nhiều người khác trong thị trấn, trong đó có cả các nhân viên y tế và lây sang cả bệnh nhân của họ. Trong khi những vòng tròn lây nhiễm mở rộng, cuộc săn tìm diễn ra rốt ráo để tìm kiếm mối liên hệ tới cuộc bùng phát dịch ở Vũ Hán - nơi khởi phát dịch ở Trung Quốc.
Italy đã cấm các chuyến bay từ Trung Quốc, nhưng điều đó không ngăn được ca bệnh đầu tiên nổ ra ở Codogno. Ban đầu nổi lên nghi ngờ về Mattia đã nhiễm bệnh từ một người bạn từng tới Trung Quốc. Tuy nhiên, nghi ngờ này sớm được chứng minh là không đúng. Các cấp trên của người bạn này nói với BBC rằng anh ta không tới Trung Quốc.
Như vậy, Covid-19 đã vươn tới Codogno như thế nào?
Giáo sư Paul Kellam của trường Imperial College London là chuyên gia về di truyền của virus. Đội của ông đã đưa ra phân tích bộ gene đã giúp giải quyết một đợt bùng phát virus corona trước đó, Hội chứng hô hấp Trung Đông, hay còn gọi là MERS.
Mỗi khi một virus corona di chuyển từ người này sang người khác, có một đột biến gene nhẹ, Giáo sư Kellam nói, cho phép các nhà nghiên cứu lập bản đồ cây “cây phả hệ” của nó.
Thế nên khi một phiên bản của virus được phân tích từ bất kỳ nơi mới nào, cũng có thể thấy được sự so sánh với các mẫu từ nơi khởi phát ở Vũ Hán, hoặc quan hệ của nó tới các nhánh virus khác ở những quốc gia khác.
Các nhà nghiên cứu ở Milan cho biết phiên bản của virus corona ở Lombardy tương đồng với cuộc bùng phát ở Đức - nơi mà trung tâm chú ý dồn vào một doanh nhân từ Munich đã gặp một phụ nữ từ Thượng Hải nhiễm virus.
Điều đó có nghĩa là trong khi giới chức Italy chặn tất cả tuyến hàng không từ Trung Quốc, virus có thể đã tới nước này từ Đức.
Nhiều câu hỏi đặt ra về cách giải thích này - với lập luận rằng ngay cả khi phiên bản virus của Đức và Italy tương tự nhau, cả hai vẫn có thể là kết quả của các liên hệ với một nguồn lây riêng biệt.
Mặt khác, có một phát hiện hấp dẫn khác từ phân tích di truyền - rằng virus đã lang thang vài tuần trước khi được phát hiện ở Codogno. Trong khi “bệnh nhân số 1” đang được kiểm tra để xem có bất cứ liên hệ cá nhân nào với Trung Quốc hay không, virus corona đã “ươm mầm” và âm thầm di chuyển trong cộng đồng.
Điều này được phản ánh trong những quan sát của người dân địa phương, trong đó có ông Poni Pagani - những người đã báo cáo một số ca bệnh giống viêm phổi khó giải thích và “hơi lạ” trước khi ca nhiễm virus corona đầu tiên được chính thức xác nhận.
Giáo sư Kellam đưa nguồn gốc của Covid-19 trở lại một giai đoạn xa hơn. Những virus như vậy có nguồn gốc từ động vật, với dơi là điểm khởi đầu tiềm năng. Trong các trường hợp của các virus corona khác, chẳng hạn như MERS và SARS, virus đã chuyển từ dơi sang các động vật khác, trước khi lây nhiễm cho người.
Ngay cả khi đã có cú sốc trong cộng đồng trước tác động của Covid-19, ông nói rằng các nhà khoa học đã nhận thức rõ về khả năng có thêm nhiều virus nữa lây lan từ động vật. Trong trường hợp của dơi, có khả năng virus lây lan thông qua phân, nước bọt hoặc nước tiểu.
Tháng 3/2019, các chuyên gia virus công bố một bài báo như lời cảnh báo sớm đáng chú ý rằng dơi - nguồn sản sinh virus corona “sẽ tái xuất gây bùng phát dịch bệnh tiếp theo". Và Trung Quốc được coi là điểm nóng tiềm tàng.
“Thách thức là dự đoán khi nào và ở đâu, để chúng ta có thể cố gắng hết mình ngăn chặn những bùng phát như vậy”.
Có lẽ gây sửng sốt hơn nữa là bốn nhà khoa học viết bài báo này đều đóng tại Viện Virus học ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác. Các virus corona, lần đầu tiên được xác định vào năm 1968, ưa thích sự chồng lấn của cuộc sống con người với động vật - và điều này trở nên thường xuyên hơn khi môi trường sống hoang dã bị phá hủy, từ đó, động vật hoang dã tiếp xúc gần gũi hơn với con người.
Lời cảnh báo nói trên về nguy cơ lây nhiễm từ “sự xâm lấn của con người vào không gian tự nhiên” không xuất phát từ chủ nghĩa cơ hội về môi trường. Nó đến từ một cơ quan công nghệ quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ, nơi đã tài trợ cho các dự án để giải quyết mối đe dọa của dơi và các loại virus động vật khác.
Nhiều tháng trước khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) đã nêu bật lên nguy cơ đại dịch tới người dân Mỹ với các bệnh truyền nhiễm từ động vật.
Thật khó tin nổi một chuỗi các sự việc như vậy, với quá nhiều hỗn loạn và tàn phá, có thể đã được gây ra bởi một con dơi đơn lẻ từ Trung Quốc. Trong khi các thị trường tài chính mô tả những thảm họa không thể đoán trước là thiên nga đen, hàng tỷ USD trên thị trường chứng khoán bị thổi bay có thể đã bắt đầu với một con dơi nhỏ.
“Ngay lúc này, chúng tôi cảm thấy như đang ở trong những chiến hào, và tất cả đều sợ hãi”, Paolo Miranda, một y tá chăm sóc đặc biệt, ở bệnh viện duy nhất tại Cremona, nói với BBC.
Bệnh viện cách Codogno 28 km này chỉ dành để điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona và sớm trở nên quá tải. Một bệnh viện dã chiến được xây dựng bên ngoài, để tiếp nhận thêm 600 bệnh nhân đang ở tạm bên trong.
“Mọi người gọi chúng tôi là những người hùng, nhưng tôi không cảm thấy như vậy”, Miranda nói.
Giống như nhiều đồng nghiệp của mình, y tá này làm việc trong những ca trực kéo dài 12 tiếng đồng hồ suốt tháng qua. “Chúng tôi là những người chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi đang kiệt sức”.
Nhu cầu chữa trị quá lớn đang đè nặng trách nhiệm lên vai các nhân viên y tế giữa lúc các bệnh viện vật lộn với quy mô khổng lồ của đại dịch.
Tới nay, ba phần tư trong tổng số ca tử vong ở châu Âu thuộc về Italy.
Riêng ở Lombardy có 319 người chết mỗi ngày.
Những gì các bệnh viện Italy đang trải qua được cho là bài học mà nhiều nước phương Tây đang phải nhìn nhận một cách nghiêm túc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Với những ai đang làm việc ở tuyến đầu chống virus, hiện thực quá khủng khiếp.
Trong 9 năm làm y tá, Paolo Miranda từng chứng kiến nhiều người chết - anh quen với điều đó. Tuy nhiên, điều khiến anh chấn động trong đại dịch lần này là chứng kiến quá nhiều người ra đi trong cô độc.
“Khi những bệnh nhân chết trong phòng chăm sóc đặc biệt, họ ở trong vòng tay gia đình. Đó là phẩm giá của cái chết của họ. Và chúng tôi ở đó để trợ giúp, đó là một phần công việc của chúng tôi”.
Thế nhưng, trong đại dịch này, gia đình và bạn bè bị cấm tới bệnh viện để phòng ngừa lây lan virus, điều đó có nghĩa là những bệnh nhân lớn tuổi không có ai bên cạnh.
Anna, nhân viên y tế 24 tuổi tại một bệnh viện khác ở Lombardy, nói rằng phải ở xa những người thương yêu nhất vào phút cuối là “điều khó khăn nhất”, không có ai ở bên “để nắm lấy bàn tay hay thì thầm đôi điều bên tai”.
Thật khó khăn cho những nhân viên ở bệnh viện của Cremona để bước tiếp, và họ vật lộn để gạt những nặng nề đó sang một bên.
“Tôi tan vỡ khi về nhà vào cuối ca trực. Khi lên giường ngủ, tôi tỉnh giấc nhiều lần trong đêm. Phần lớn đồng nghiệp của tôi cũng trải qua những cảm giác như vậy”, Miranda thổ lộ.
Anh quyết định ghi lại tình huống ảm đạm bên trong phòng chăm sóc đặc biệt bằng cách chụp ảnh. “Tôi không bao giờ muốn quên những gì xảy ra. Nó sẽ trở thành lịch sử”.
Trong những bức ảnh của mình, Miranda muốn lột tả sức mạnh của những đồng nghiệp của anh, nhưng cũng có cả những mong manh.
“Rồi một ngày nọ, một trong những đồng nghiệp của tôi bắt đầu hét lên và nhảy cuống cuồng hành lang. Cô ấy đã xét nghiệm virus corona và vừa phát hiện không nhiễm bệnh. Bình thường cô ấy rất điềm tĩnh, nhưng cô ấy đã rất sợ hãi và không thể kiềm chế được sự vui mừng khi nhận kết quả. Cô ấy cũng là con người".
Miranda nói rằng anh đang sống sót bằng hỗn hợp adrenaline và sự trợ giúp của những đồng nghiệp.
“Đôi khi, một số người trong chúng tôi suy sụp, chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng, rơi nước mắt vì cảm thấy bất lực khi bệnh tình của người bệnh không cải thiện".
Khi điều đó xảy ra, các thành viên khác trong đội lập tức bước lên để giúp đỡ. “Nếu không, chúng tôi sẽ phát điên mất”.
Tình hình đang bắt đầu tác động trực tiếp lên đội ngũ nhân viên y tế trên cả nước.
“Tại một số điểm, chúng tôi sẽ phải đứng trước lựa chọn điều trị cho ai và không thể cứu bệnh nhân nào. Đây là mối lo lớn nhất”, Martina chua xót. Anh là một y tá chăm sóc tích cực trong bệnh viện ở Massa Carrara thuộc Tuscany.
“Tình cảnh đó thật đáng sợ, cả về thể chất và tâm lý”.