Tại Hàn Quốc, tỷ lệ người dân được xét nghiệm virus corona là rất cao (3.692 xét nghiệm/1 triệu người), và tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh tại nước này cũng thấp hơn con số trung bình ở các nơi khác (66 trường hợp, chiếm 0,6%).
Ngược lại, tỷ lệ người dân được xét nghiệm ở Italy thấp hơn nhiều, chỉ 826 xét nghiệm trên mỗi 1 triệu dân và tỷ lệ tử vong trong số những ca dương tính với Covid-19 ở đây lên tới 8,5%.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Italy cao hơn nhiều so với trung bình các nước. Ảnh: AP. |
Xét nghiệm quy mô lớn không trực tiếp cứu sống bệnh nhân
Tại Mỹ, có nhiều trường hợp người dân xuất hiện triệu chứng và yêu cầu được xét nghiệm tại các phòng khám của bệnh viện nhưng không thể thực hiện vì họ không đáp ứng đủ các tiêu chí xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) - vốn khuyến cáo chỉ thực hiện xét nghiệm với người có lịch sử đi tới Trung Quốc, hoặc đến từ ổ dịch, hoặc có tiếp xúc với người nhiễm. Trong những trường hợp khác thì đơn giản là vì không có đủ bộ kit xét nghiệm.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc tăng cường xét nghiệm không trực tiếp giúp các bác sĩ tìm ra tất cả các bệnh nhân, mà về mặt dịch tễ học thì việc này sẽ giúp ngăn chặn đợt những ca lây nhiễm tiếp theo, qua đó giúp các nhân viên y tế có thêm thời gian điều trị những ca bệnh hiện có.
Tại thị trấn Vò gần Venice ở miền bắc Italy, nơi ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 trên đất nước, toàn bộ 3.300 cư dân của thị trấn đã được xét nghiệm virus, bao gồm cả những người không có triệu chứng. Điều này cho phép giới chức y tế địa phương cách ly những người nhiễm bệnh trước khi họ xuất hiện triệu chứng, và trong vòng 14 ngày, đã không có ca nhiễm mới nào được ghi nhận ở thị trấn.
Mặc dù chưa có một phương pháp đặc trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona, nhưng hội chứng suy hô hấp gây nên bởi virus này là tình trạng lâm sàng quen thuộc và các bác sĩ chuyên khoa hồi sức đã điều trị tình trạng tương tự trước đây.
Hàn Quốc được ca ngợi vì những nỗ lực trong việc thực hiện xét nghiệm trên quy mô lớn. Ảnh: Reuters. |
Nhưng tại sao tại Hàn Quốc, nơi việc xét nghiệm được thực hiện trên diện rộng, lại có ít ca tử vong trong khi tại Italy, nơi việc xét nghiệm được thực hiện chậm hơn lại có tỷ lệ tử vong cao đột biến? Có phải là do việc xét nghiệm nhiều dẫn tới việc tìm ra nhiều ca bệnh "nhẹ", và điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới số liệu thống kê về tỷ lệ tử vong?
Chưa thể khẳng định mối liên hệ trực tiếp giữa hai cách tiếp cận này. Nhưng hiện tại, sự khác biệt có thể được giải thích dựa trên các đặc tính nhân khẩu học của hai nước, vì ở Italy dân số già hơn trong khi tại Hàn Quốc có phần đông người nhiễm bệnh trẻ tuổi. Thêm vào đó, sự quá tải của hệ thống y tế Italy, so với Hàn Quốc, cũng được coi là một nguyên nhân.
Chuẩn bị tốt hơn cho bệnh nhân lớn tuổi
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2015, 28,6% dân số Italy ở trong độ tuổi từ 60 trở lên (đứng thứ 2 thế giới về dân số già, chỉ sau Nhật Bản với 33%). Tại Hàn Quốc, số người từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 18,5% dân số, đứng thứ 53 toàn thế giới.
Tác động của sự chênh lệch này nhanh chóng được thể hiện trong các phân tích về số trường hợp tử vong vì Covid-19 ở hai nước. Tại Italy, 90% số ca tử vong xuất hiện ở những bệnh nhân trên 70 tuổi.
Ngược lại, phần lớn số ca bệnh ở Hàn Quốc là người trẻ tuổi. Chỉ có 20% trường hợp được chẩn đoán mắc Covid-19 là những người từ 60 tuổi trở lên. Nhóm bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi bệnh dịch là những người trong độ tuổi 20, chiếm gần 30% trong tất cả các trường hợp.
Giới tính cũng là một đặc điểm đáng chú ý. Sự phân chia giới tính trung bình trong các ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là khoảng 50-50, nhưng có sự khác biệt lớn về tỷ lệ tử vong của những người nhiễm virus dựa trên giới tính của họ. Theo dữ liệu thống kê từ vùng dịch đầu tiên là Trung Quốc, tỷ lệ tử vong đối với nam giới nhiễm Covid-19 là 4,7%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong ở nữ giới - 2,8%. Đây là tin tốt với Hàn Quốc vì có tới hơn 60% số ca nhiễm bệnh ở nước này là phụ nữ.
Những khác biệt cơ bản về nhân khẩu học này có thể giải thích sự khác biệt về tỷ lệ tử vong giữa hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 này, cũng như giúp giải thích lý do tại sao ổ dịch tại thành phố Seattle bang Washington - xảy ra ở một viện dưỡng lão - lại đóng góp rất nhiều ca tử vong vào số người chết vì Covid-19 tại Mỹ.
Việc thiếu một chương trình xét nghiệm hiệu quả trên quy mô lớn ở Mỹ là một thất bại không đáng có, và rất có thể nó sẽ dẫn đến việc có nhiều ca nhiễm Covid-19 hơn ở đây.
Việc chuẩn bị tốt cho việc điều trị cho những bệnh nhân lớn tuổi sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong vì Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta phải nhận ra tỷ lệ sống sót trong số những người nhiễm bệnh là một vấn đề hoàn toàn khác, thứ sẽ đòi hỏi việc phân bổ nguồn lực, đào tạo và chuyên môn để giải quyết.
Theo ông Kent Sepkowitz, chuyên gia về kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York, sự chuẩn bị tối ưu có thể là những chiếc giường đặc biệt nhằm ngăn chặn tình trạng tổn thương da thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi khi phải nằm điều trị dài ngày.
Thêm vào đó, cần có những chuyên gia với sự hiểu biết đặc biệt về cách sử dụng thuốc cho người lớn tuổi, và các y tá có kinh nghiệm chăm sóc người già. Việc mở rộng xét nghiệm, một mình nó, sẽ không thể giúp cứu sống mạng người.