Washington Post miêu tả đó là một buổi tối đầu tuần (ngày 16/2), khi Thủ tướng Boris Johnson vừa hoàn tất buổi họp báo của mình về dịch bệnh.
Thủ tướng Anh, nhìn bù xù, kêu gọi người dân "tránh xa sự tiếp xúc không cần thiết với người khác", trong khi các cộng sự của ông dồn các phóng viên đến một cuộc gặp kín.
Tại đây, các phóng viên được cung cấp những con số đến từ mô hình của các nhà tính toán về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Anh, những người dự đoán rằng bệnh dịch sẽ nhanh chóng khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng tại Anh và Mỹ, làm quá tải các bệnh viện và bộ phận chăm sóc tích cực.
Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa công bố hàng loạt biện pháp mới nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sau khi bị chỉ trích chậm chạp và lỏng lẻo với các biện pháp đối phó. Ảnh: Reuters. |
Các dự báo này, do Neil Ferguson và các đồng nghiệp của ông tại Đội Phản ứng Covid-19 thuộc đại học Imperial, nhanh chóng được Thủ tướng Johnson dựa vào để thiết kế các phương pháp mới và cực đoan hơn nhằm kiềm hãm sự lây lan của virus.
Cũng chính báo cáo này đã ảnh hưởng đến cách thức chính quyền Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch chống chọi với virus.
Deborah Birx, điều phối viên của Nhà Trắng trong lực lượng chống dịch bệnh, đã dẫn các phân tích của giới học giả Anh tại cuộc họp báo hôm 16/2, nói đội phản ứng của bà đặc biệt tập trung vào kết luận của báo cáo rằng mỗi gia đình nên tự cách ly trong 14 ngày nếu có một thành viên bị dương tính với virus.
"Quay ngoắt" chính sách
Theo CNN, cho đến tuần trước, giới chức Anh vẫn nói họ không tin các biện pháp cấm tụ tập quy mô lớn và đóng cửa trường học - như Italy, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã làm vào thời điểm đó - có hiệu quả để chặn đà lây lan của virus.
Ngày 12/3, Thủ tướng Johson nói dù cho nước Anh đang mạnh tay hơn trong việc chống dịch, họ sẽ không đóng cửa trường hay cấm tụ tập.
Người có triệu chứng được yêu cầu tự cách ly 1 tuần. Không có biện pháp cách ly xã hội nào khác. Chỉ cần rửa tay.
Ông ngay lập tức nhận về những chỉ trích rằng người đứng đầu chính phủ đang "chơi tàu lượn" với sức khỏe người dân.
Các cộng sự của ông Johnson cho biết báo cáo của Đại học Imperial, tài liệu được chia sẻ cho chính phủ Anh trong kỳ nghỉ cuối tuần trước khi cuộc họp báo diễn ra, chính là nhân tố định hình cho các chính sách sau đó của chính phủ Anh.
Washington Post gọi đó là chính sách "quay ngoắt lại (so với định hướng trước đó)", với ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân.
Báo cáo ước tính rằng nếu chính phủ và các cá nhân không hành động, để mặc dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát, 510.000 người sẽ thiệt mạng chỉ riêng tại nước Anh, và 2,2 triệu người có thể sẽ chết ở Mỹ.
Những con số này, đối với những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến, là điều đáng lo ngại. Trong khi đó, với những nước kém phát triển hơn, nó là một điều khủng khiếp, Washington Post nhận định.
Trong khi đó, cũng theo báo cáo, nếu Anh và Mỹ theo đuổi những biện pháp mạnh tay hơn để kìm hãm sự lây lan, để làm chậm lại, dù không thể chặn đứng, đà tăng trong vài tháng nữa, họ có thể giảm con số tử vong xuống còn một nửa.
Cuối cùng, nếu chính phủ Anh nhanh chóng áp dụng các biện pháp đồng bộ, thì số người tử vong ở nước này có thể giảm xuống dưới 20.000. Để làm vậy, theo các nhà nghiên cứu, Anh cần thực hiện chính sách cách ly xã hội, cách ly tất cả các trường hợp nhiễm bệnh, yêu cầu cách ly với cả gia đình nếu có người ốm, đóng cửa trường học và đại học.
Và không phải họ phải làm chuyện này vài tuần, họ phải làm trong 12-18 tháng, cho đến khi vắc xin ra đời.
"Chúng ta có thể sẽ phải sống trong một thế giới rất khác, trong khoảng 1 năm hoặc hơn", ông Ferguson nói với các phóng viên.
Mô hình này không cho ra con số nạn nhân tương ứng đối với Mỹ, nếu nước này cũng áp dụng những biện pháp tương tự như trên. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng các dự đoán được thực hiện dựa trên các xu hướng quan sát được ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh và Italy, nhưng rõ ràng là còn nhiều điều con người chưa biết về loại virus này.
Thủ tướng Anh nói rằng virus mới sẽ làm quá tải bất cứ hệ thống y tế nào trên thế giới, nếu các biện pháp cách ly và hạn chế giao tiếp xã hội không được triển khai.
"Dù cho các biện pháp chúng tôi áp dụng đã khá cực đoan, chúng tôi có thể mạnh tay hơn trong những ngày tới", ông Johnson nói hôm 17/3.
Thủ tướng Anh kêu gọi người dân ngay lập tức bắt đầu các biện pháp hạn chế tiếp xúc với người khác, làm việc từ xa, tự cách ly nếu bản thân họ là người lớn tuổi hoặc có các bệnh nền. Các biện pháp này hiện vẫn là tự nguyện, nhưng thủ tướng cảnh báo chính phủ có quyền để biến chúng thành các mệnh lệnh bắt buộc.
Ông cũng nói rằng người dân, dù là khỏe mạnh và không có triệu chứng gì, cũng nên tránh xa các quầy bar, câu lạc bộ và rạp hát.
Một quán bar ở London vẫn mở cửa vào ngày 17/3. Ảnh: Reuters. |
Roy Anderson, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Imperial nhưng không tham gia vào nghiên cứu trên, nói rằng nước Anh có thể làm nhiều thứ hơn.
"Tôi không chắc những biện pháp trên đã đủ chưa", ông nói. "Nhưng tôi ước gì nó được triển khai từ tuần trước".
Hiện có khoảng 7.000 máy thở ở Anh trên dân số 56 triệu, số máy nhiều hơn bất kỳ nơi nào thuộc Vương quốc Anh.
Nới lỏng cách ly, số ca nhiễm có thể tăng vọt
Theo Washington Post, các dự báo từ những nhà dịch tễ học Anh cũng ảnh hưởng đến các tính toán trong Nhà Trắng.
Tối 16/3, Tổng thống Trump nói rằng người Mỹ nên tránh tụ tập theo nhóm với hơn 10 người, hoặc ăn tại nhà hàng và đi lại không cần thiết. Đây được xem là động thái mạnh mẽ nhất của tổng thống trong việc chiến đấu với sự bùng phát của virus.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, bà Birx nói rằng nhóm của bà đang xem xét nhiều mô hình trên toàn thế giới, bao gồm mô hình trên của Anh.
"Chúng tôi có thông tin mới đến từ một mô hình, và điều có tác động lớn nhất lên mô hình chính là việc hạn chế tương tác xã hội, không đến những nơi công cộng với nhóm lớn. Nhưng điều quan trọng nhất là nếu một người trong gia đình bị nhiễm bệnh, toàn bộ gia đình sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày", bà nói.
Tấm biển đề "Giấy vệ sinh miễn phí" bên ngoài một căn nhà ở Chalfont St Giles, Anh, hôm 17/3. Ảnh: Reuters. |
"Điều này sẽ chặn đứng 100% sự lây lan bên ngoài gia đình".
Theo Guardian, việc đóng cửa toàn bộ trường học và đại học là điều cần thiết, nhưng ông Ferguson lo lắng rằng việc này sẽ gây ảnh hưởng ngược lại lên hệ thống y tế, vì 1/3 số y tá của nước này có con đang ở tuổi đi học.
Cũng theo mô hình, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt có thể nới lỏng ra sau vài tháng, nhưng nếu như thế, virus hoàn toàn có cơ hội quay trở lại.
"Thách thức chính ở đây là các biện pháp can thiệp mạnh sẽ phải được duy trì đến khi có vắc xin (thường sẽ tốn 18 tháng hoặc hơn)", báo cáo kết luận.
"Các biện pháp cách ly xã hội - được điều chỉnh bởi các xu hướng diễn biến của bệnh tật quan sát được - có thể cho phép chúng ta nới lỏng các biện pháp trong một thời gian ngắn, nhưng những biện pháp này phải trở lại ngay nếu số ca nhiễm lại tăng lên", Washington Post dẫn kết luận báo cáo.