Không ai có thể phủ nhận những tác động của Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Để vượt qua “cơn sóng” này, các doanh nghiệp, đặc biệt là các SMEs và các hộ kinh doanh cá thể đã và đang nỗ lực biến “nguy” thành “cơ”, tận dụng chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử không phải là câu chuyện dễ dàng hay “cây đũa thần” nếu bản thân doanh nghiệp không có sự cố gắng, vươn lên.
“Giải pháp kinh tế cho SMEs thời Covid-19” cũng là chủ đề của cuộc tọa đàm do Zing và nền tảng thương mại điện tử Lazada phối hợp tổ chức. Tham dự tọa đàm có bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu và ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam.
Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt
“Dịch Covid-19 là một đại họa “vô tiền khoáng hậu”, thay đổi thói quen tiêu dùng, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt”, đó là nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu trong phần mở đầu tọa đàm. Ông cho rằng tại Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs chịu tác động rất mạnh. Những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là bán lẻ, dịch vụ, khách sạn, giao thông vận tải…
Điều này phần nào được minh chứng thông qua các con số thống kê trong 8 tháng qua, cả nước có 68.900 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Theo Tổng cục Thống kê, gần 31 triệu lao động bị ảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhận định đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với toàn bộ nền kinh tế, cũng như các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh thương mại điện tử lại là điểm sáng trong thời điểm này.
TS Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Việt Linh. |
Dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trong bối cảnh giãn cách xã hội. Theo thống kê của Nielsen thì 67% người tiêu dùng bắt đầu yêu thích mua sắm trực tuyến. Điều này kéo theo việc nhiều doanh nghiệp tìm đến việc kinh doanh trên TMĐT như một lối đi mới để tồn tại và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông James Dong cho biết lượng người bán hàng lựa chọn kinh doanh cùng Lazada cũng tăng nhanh. Trung bình, số lượng nhà bán hàng đăng ký gian hàng mới trên Lazada đã tăng từ 2 tới 3 lần so với trước dịch. Điều này cho thấy chuyển đổi số không còn là xu hướng nhất thời, mà đã dần trở thành điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Nắm bắt tâm lý lạc quan, hướng về tương lai của người tiêu dùng trước làn sóng Covid-19 thứ hai, nhiều thương hiệu đồ điện tử, dụng cụ tập thể thao, vận động ngoài trời cũng đã thực hiện các chương trình Ngày hội Siêu khuyến mãi thương hiệu (Super Brand Day) và đạt được những kết quả ấn tượng.
Điển hình như mặt hàng TV của TCL đã ghi nhận lượng bán ra gấp 50 lần bình thường, thương hiệu sữa Friso ghi nhận lượng bán cao gấp 120 lần, Adidas cũng ghi nhận lượng bán ra gần 200 lần ngày thường…
CEO Lazada tham dự tọa đàm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho ngành thương mại điện tử (15-16-18%) dựa theo dự báo kiểm soát dịch. Như vậy, bất chấp dịch bệnh, thương mại điện tử vẫn là lĩnh vực hấp dẫn và tăng trưởng nhanh.
Thách thức để SMEs thành công trên nền tảng số
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, hiện tại Việt Nam đang có một nền tảng tốt để phát triển kinh tế số với 64 triệu người sử dụng Internet, hơn 100 triệu thuê bao di động. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GDP. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng chuyển đổi số cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua đại dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Ảnh: Việt Linh. |
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh với SMEs, để thực sự thành công với nền tảng số, doanh nghiệp cần phải trả lời được câu hỏi thực sự đã quyết tâm đến cùng, tận dụng hết các giải pháp để vượt qua đại dịch hay chưa.
“Đúng là chuyển đổi số không còn là chuyện của tương lai. SMEs hãy tự hỏi đã tận dụng chuyển đổi số, tận dụng các nguồn lực, ứng dụng vào kinh doanh để vượt qua Covid hay chưa”, bà Huyền nói.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông James Dong đã hóm hỉnh chia sẻ thương mại điện tử không phải cây đũa thần để có thể “phù phép” doanh số bán hàng tăng trưởng ngay lập tức. Để đạt được điều đó, SMEs cần phải vượt qua 3 thách thức: Xây dựng cho mình một tư duy kinh doanh đúng đắn với những sự chuẩn bị về nguồn lực và nhân sự chu đáo; tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ; và cuối cùng là phải luôn nỗ lực học hỏi và tự nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.
“Làm thế nào để cung cấp cơ hội kinh doanh tốt hơn cho SMEs”
Về phía Chính phủ, Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết phấn đấu năm 2025, 55% dân số mua sắm trực tuyến, giá trị mua sắm trực tuyến 600 USD/người dân/năm, quy mô thị trường đạt 35 tỷ USD. Bộ Công Thương đề ra chương trình hành động cụ thể, coi thương mại điện tử là giải pháp trọng tâm để phục hồi kinh tế.
Bộ cũng sẽ tăng cường xây dựng hệ thống hạ tầng dịch thiết yếu cho thương mại điện tử; tăng xác thực đơn hàng giúp tăng niềm tin của người dân trong hoạt động thương mại điện tử. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh quản lý hoạt động thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp trực tuyến trong bối cảnh thị trường phát triển nhanh và nóng.
Các vị khách mời tham dự tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Trao đổi về định hướng phát triển, Ông James Dong cho biết tầm nhìn và sứ mệnh của Lazada là hỗ trợ mọi người có thể kinh doanh dễ dàng tại bất cứ đâu trên thế giới và cả Việt Nam. Ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Lazada đã hỗ trợ ngày càng nhiều các SMEs chuyển đổi số thành công.
Có thể kể đến như với Lazada, nhà bán hàng có thể đăng ký mở gian hàng dễ dàng, đăng tải sản phẩm, tham gia bán hàng thông qua livestream trên Lazlive... Bên cạnh đó, Lazada cũng cung cấp cơ hội kinh doanh tốt hơn và lớn hơn cho SMEs khi hỗ trợ tăng lượng truy cập, hiển thị và tìm kiếm trên nền tảng; từ đó giúp nhà bán hàng tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng.
Với Lazada, mọi người có thể kinh doanh dễ dàng tại bất cứ nơi đâu, theo ông James Dong – CEO Lazada Việt nam. Ảnh: Việt Linh. |
Và bên cạnh đó, ông James Dong nhấn mạnh Lazada đang nỗ lực rất nhiều để cung cấp mức giá tốt hơn, dịch vụ giao hàng miễn phí cho cả người bán và người mua.
“Thông qua tất cả những hỗ trợ này, tôi nghĩ rằng Lazada có thể hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình, giúp các doanh nghiệp ở khắp Việt Nam kinh doanh dễ dàng hơn”, CEO Lazada Việt Nam chia sẻ.