Theo The Guardian, người tiêu dùng toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các sản phẩm điện tử như TV, điện thoại di động, máy chơi game và thậm chí là ôtô vì sự khan hiếm của chất bán dẫn.
Tình trạng thiếu chip, “bộ não” trong mọi thiết bị điện tử, đang ngày càng tồi tệ kể từ năm 2020. Vấn đề ban đầu chỉ là sự trì hoãn tạm thời về nguồn cung do các nhà máy phải đóng cửa để ứng biến với đợt sóng Covid-19 thứ nhất.
Nhưng giờ đây, khi mà một số quốc gia đã ghi nhận hoạt động sản xuất trở lại bình thường, tình trạng trên vẫn tiếp tục căng thẳng do nhu cầu tiêu thụ tăng vọt.
Các tập đoàn công nghệ khó khăn do thiếu chip
Chính sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt, cụ thể là làm việc tại nhà, đã đẩy tình trạng khủng hoảng chất bán dẫn đạt đến đỉnh điểm.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như việc các nhà sản xuất ôtô đầu tư vào xe điện công nghệ cao, cùng với sự ra mắt của một loạt TV, máy tính, điện thoại 5G và máy chơi game mới… Tất cả đều đang thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu của thị trường.
Một công ty lớn như Apple cũng phải trì hoãn việc ra mắt iPhone 12 vì thiếu chip. Ảnh: IC Insights. |
“Chip sẽ là tất cả mọi thứ. Nhu cầu thị trường đang gia tăng và nguồn cung chưa thể theo kịp, mọi người đều sẽ gặp khủng hoảng và tình hình sẽ ngày càng trở nên tồi tệ”, Neil Campling, nhà phân tích mảng công nghệ và truyền thông cho biết.
Tình trạng thiếu chip ảnh hưởng đến cả những “ông lớn” trong giới công nghệ, chẳng hạn như Apple.
"Táo khuyết", công ty công nghệ hùng mạnh và là khách hàng mua chất bán dẫn nhiều nhất thế giới, với chi tiêu gần 58 tỷ USD mỗi năm từng phải trì hoãn ra mắt iPhone 12 do không đủ nguồn cung về chip.
Hãng Ford gần đây cũng phải dừng hoạt động sản xuất của hai nhà máy ôtô cũng do thiếu chip. Công ty tuyên bố thiệt hại của sự thiếu hụt chip có thể lên đến 2,5 tỷ USD.
Ngoài Ford, trong ngành ôtô còn có hai cái tên tuổi lớn là Nissan và General Motors, cả hai cho biết đã đóng cửa một số nhà máy và dự đoán mất đi hàng tỷ USD vì quyết định khó khăn này.
Các công ty về game cũng không ngoại lệ, ví dụ như Sony và một số nhà sản xuất thiết bị trò chơi điện tử khác đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hàng từ năm 2020.
Sony nói rằng họ có thể sẽ không đạt được mục tiêu doanh số cho PS5 vừa ra mắt với lý do thiếu nguồn cung chất bán dẫn để sản xuất.
Chính nhà sản xuất chip cũng thiếu nguồn cung
Ví dụ điển hình nhất về cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đến từ Samsung, công ty tiêu thụ chip lớn thứ hai sau Apple và cũng là nhà cung cấp chip lớn thứ 2 sau Intel.
Bảng xếp hàng các nhà sản xuất chất bán dẫn năm 2020. Ảnh: MrTopStep. |
Mới đây, Samsung thông báo với giới truyền thông rằng họ có thể phải trì hoãn việc ra mắt những mẫu smartphone cao cấp do tình trạng khan hiếm chất bán dẫn, mặc dù bản thân công ty cũng đang sản xuất mặt hàng này.
“Thật không thể tin được khi Samsung bán ra 56 tỷ USD chất bán dẫn, và cũng đồng thời chi 36 tỷ USD để mua chất bán dẫn. Con số này cho thấy họ có thể sẽ phải trì hoãn việc ra mắt một trong những sản phẩm tiếp theo của mình”, theo Campling.
Với tư cách đơn vị cung cấp chất bán dẫn, đồng Giám đốc Điều hành Samsung, Koh Dong-jin, trong bài phát biểu của mình đã nêu lên một vấn đề đáng lưu ý về sự “mất cân bằng nghiêm trọng” trong thứ tự nhận chip, vốn đang khan hiếm.
Trong đó, các nhà sản xuất ôtô sẽ nằm ở cuối danh sách vì lượng tiêu thụ vốn không nhiều của mình. Theo The Guardian, toàn bộ ngành ngành công nghiệp xe hơi chỉ chi trung bình 37 tỷ USD/năm cho chất bán dẫn, thấp hơn nhiều so với 56 tỷ USD/năm của Apple.
Ngành ôtô sẽ là 'người đến sau' trong thứ tự nhận chip vì lượng tiêu thụ không nhiều của mình. Ảnh: Industr. |
Campling nói: “Bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là ngành ôtô, nếu Apple đang chi 56 tỷ USD mỗi năm và vẫn đang tăng, bạn sẽ chọn ai để ưu tiên cung cấp sản phẩm?”.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy nguồn cung đang bắt kịp hoặc nhu cầu sẽ giảm trong tương lai. Mọi thứ sẽ đắt đỏ hơn, ôtô đắt hơn, điện thoại đắt hơn và iPhone năm nay sẽ không rẻ hơn năm trước”, Campling nhận định thêm.