Theo PhoneArena, thông tin trên được đồng sáng lập Huawei đưa ra trước thềm sự kiện Huawei Developers Conference sẽ được tổ chức vào ngày 10/9. Tại đây, Huawei sẽ giới thiệu hệ điều hành HarmonyOS và một số sản phẩm thông minh mới.
Huawei sẽ ra mắt smartphone chạy hệ điều hành HarmonyOS vào năm sau. Ảnh: TechRadar. |
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm đối với Huawei vào năm ngoái, Google đã chặn tập đoàn này sử dụng bộ dịch vụ Google (Google Mobile Services) trên nền tảng Android.
Điều đó đồng nghĩa smartphone Huawei chạy Android ra mắt sau lệnh cấm sẽ không cài sẵn kho ứng dụng Play Store và các dịch vụ Google. Đồng thời, những sản phẩm ra mắt trước đó sẽ không được cập nhật Android mới.
Dù quyết định này có thể không ảnh hưởng đến Huawei tại Trung Quốc bởi đất nước này vốn đã cấm các dịch vụ Google, nó có thể khiến Huawei gặp khó tại nước ngoài, đặc biệt là châu Âu và Mỹ.
Để đối phó vấn đề này, Huawei đã phát triển hệ điều hành riêng có tên HarmonyOS và công bố rộng rãi vào tháng 8/2019.
Nhiều suy đoán lúc đó cho rằng đây là hệ điều hành thay thế Android. Tháng 10/2019, ông Nhậm nói rằng HarmonyOS sẽ trang bị trên nhiều thiết bị từ loa thông minh, tablet, smartwatch, máy tính và smartphone. Tuy nhiên, việc cài đặt nền tảng này trên smartphone chỉ là phương án cuối cùng.
Không chỉ nền tảng Android, lệnh cấm từ Mỹ còn ảnh hưởng đến bộ phận sản xuất chip của Huawei. Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh công nghệ Trung Quốc diễn ra hồi tháng 8, Richard Yu - CEO mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei xác nhận dòng smartphone cao cấp Mate 40 sẽ là sản phẩm cuối cùng trang bị chip xử lý Kirin do Huawei phát triển.
Tác động từ lệnh cấm đã khiến TSMC, đối tác sản xuất chip xử lý cho Huawei, không thể cung ứng chip cho tập đoàn này kể từ 15/9.
Huawei đang gặp nhiều khó khăn sau các lệnh cấm từ Bộ Thương mại Mỹ. Ảnh: PhoneArena. |
Theo PhoneArena, TSMC đang cho hoạt động dây chuyền 24/24 để cung ứng chip cho Huawei càng nhiều càng tốt trước khi ngày 14/9 kết thúc.
Tại Trung Quốc, Huawei có thể hợp tác cùng Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) để sản xuất chip xử lý Kirin. Tuy nhiên, ngay cả SMIC cũng sử dụng thiết bị Mỹ nên Huawei có thể tiếp tục gặp rắc rối với chính quyền Washington. Ngoài ra, công nghệ sản xuất chip của SMIC cũng đi sau TSMC.
Trong khi Qualcomm đặt trụ sở tại Mỹ, Samsung không thường bán chip Exynos cho bên ngoài thì cái tên hợp lý nhất là MediaTek. Hiện MediaTek đã nộp đơn xin chính phủ Mỹ cho phép hãng này cung ứng chip đến Huawei.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 4/9 cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc đưa SMIC vào danh sách đen thương mại.