Khó có thể kể hết những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo SLNA rồi khoác áo các CLB khắp cả nước. Thời kỳ hoàng kim của HAGL với 2 chức vô địch V.League 2003-2004 có sự đóng góp của những cầu thủ xứ Nghệ như Sỹ Hùng, Phi Hùng và Quang Trường (HLV của SLNA hiện tại).
HLV Ngô Quang Trường từng khoác áo HAGL khi còn là cầu thủ. Ảnh: Tùng Lê |
Năm 2004, đội bóng xứ Nghệ lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu ở V.League khi bán 15 cầu thủ cho các CLB từ Bắc chí Nam. Cũng trong năm này, việc “Khổng Minh xứ Nghệ” Nguyễn Hồng Thanh chuyển ra Hà Nội đảm nhiệm cương vị Giám đốc CLB Hà Nội ACB (rồi sau đó kiêm HLV trưởng) đã mở ra trào lưu cầu thủ SLNA đến thủ đô lập nghiệp.
Chất Nghệ An in đậm trong sự hình thành và phát triển của CLB Hà Nội ACB với những cái tên như Hải Nam, Đức Thịnh, Quốc Hiền, Lâm Tấn hay Đức Thắng… Sau đó, CLB Hòa Phát Hà Nội dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thành Vinh được ví như một cộng đồng người Nghệ An giữa lòng Hà Nội, với 2/3 quân số là cầu thủ xứ Nghệ. CLB Hà Nội T&T thời mới lên chơi V.League cũng xây dựng bộ khung từ những Công Vinh, Hồng Sơn, Xuân Thắng, Hồng Tiến…
Dòng chảy cầu thủ xứ Nghệ còn lan tỏa đến nhiều CLB khác. Trung vệ Minh Đức là trụ cột ở Hải Phòng giai đoạn 2009-2011. Tiền vệ Quốc Vượng được Thể Công mời về sau khi hết án tù năm 2008. Văn Quyến, khi hết thời, vẫn để lại dấu ấn sâu đậm tại Ninh Bình. Huy Hoàng ở đoạn cuối sự nghiệp vẫn tìm được chỗ đứng tại Cần Thơ. Ví dụ gần nhất là bộ ba Trọng Hoàng - Văn Hoàn - Văn Bình đang đóng vai trò trụ cột ở Bình Dương.
Công Vinh trong lễ ký hợp đồng chuyển về đầu quân cho Hà Nội T&T. |
Số lượng nhiều nhất và chất lượng của những cầu thủ xuất thân từ SLNA cũng được đánh giá tốt nhất trên mặt bằng bóng đá Việt Nam hơn chục năm qua.
Sáu trên tổng số 18 danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam thuộc về các cầu thủ trưởng thành từ SLNA, gồm Công Vinh (3 lần), Văn Quyến (1), Hồng Sơn (1) và Văn Hạnh (1). Thủ môn Võ Văn Hạnh là người Phú Yên nhưng được SLNA phát hiện, đào tạo và giành Quả bóng vàng Việt Nam 2001, khi vô địch V.League trong màu áo đội bóng xứ Nghệ.
Từ thế hệ của Hữu Thắng, sau này là Văn Quyến, Huy Hoàng, rồi lứa Công Vinh, Hồng Sơn cho tới Hoàng Thịnh, Ngọc Hải... cầu thủ SLNA cũng thường xuyên đóng vai trò quan trọng ở các cấp độ đội tuyển quốc gia.
Đội bóng xứ Nghệ không phải CLB Việt Nam đầu tiên xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài. Nhưng bản hợp đồng cho Consadole Sapporo mượn Công Vinh năm 2013 là trường hợp đầu tiên ghi nhận dấu ấn chuyên môn rõ nét của một cầu thủ Việt Nam ở nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn V.League.
Công Vinh trong màu áo CLB Consadole Sapporo thi đấu tại J.League 2 năm 2013. |
Trong làng bóng đá Việt Nam, một số CLB cũng được biết đến là địa chỉ cung cấp cầu thủ đáng tin cậy như Nam Định, Đồng Tháp, Khánh Hòa… Nhưng để đạt đến số lượng nhiều, chất lượng tốt và “xuất khẩu” trường kỳ, chưa trung tâm nào vượt qua SLNA.
Thành tựu của đội bóng xứ Nghệ càng có ý nghĩa hơn đặt trong hoàn cảnh tài chính eo hẹp. Đó là lý do khiến Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thanh ao ước: "Với lợi thế về đầu vào và truyền thống đào tạo trẻ, nếu được đầu tư lớn và đồng bộ giống HAGL Arsenal JMG, SLNA sẽ cho ra đời nhiều thế hệ cầu thủ tài năng hơn nữa".
Một trong những mục tiêu của bầu Đức khi thành lập Học viện HAGL Arsenal JMG là bán cầu thủ cho các CLB trong và ngoài nước. Nhưng khi ông chưa xuất khẩu được gương mặt nào trong lứa Công Phượng, Tuấn Anh, SLNA đã đi trước hơn 10 năm qua.