Sinh vật ngoại lai nguy hại bán tràn lan
Ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cá sấu hỏa tiễn… là những sinh vật ngoại lai nguy hiểm song vẫn được rao bán tràn lan, thậm chí có loài vẫn giữ giá cả triệu đồng/cá thể.
Rùa tai đỏ
“Muốn bán rùa tai đỏ to bằng cuốn truyện, nuôi từ nhỏ, giá 500.000 đồng hoặc đổi cá khác”, một mẩu tin rao vặt mới tung lên trang web mua bán xuất hiện cách đây vài tháng. Tuy nhiên, thay vì nhận được những thông tin phản hồi tích cực, mẩu tin rao nói trên bị “ném đá” vì rùa tai đỏ được nhiều người biết đến là động vật ngoại lai nguy hiểm với môi trường.
Rùa tai đỏ khoảng 2-3 năm trước được nhiều người mua làm cảnh, thậm chí để phóng sinh trong dịp Xá tội vong nhân rằm tháng bảy, nhưng khi có kết luận về sự nguy hại của loài này, rùa mất giá mạnh, bị cộng đồng sưu tầm sinh vật cảnh tẩy chay. |
Song ít ai ngờ, chỉ khoảng 2-3 năm trở về trước, loài sinh vật này được nhiều người mê nuôi sinh vật cảnh sưu tầm vì giá phải chăng mà dễ thích nghi với môi trường sống. Gần 2 năm nuôi một con rùa tai đỏ, đến khi được 26 cm đường kính và nặng hơn 1,5 kg, Quang - thành viên một diễn đàn sinh vật cảnh mới đem rao bán. “Lúc mua là 40.000 đồng, sau một thời gian dài nuôi nấng, giá bán cũng chỉ gần 300.000 đồng, không bõ tiền thức ăn và công chăm sóc, nhưng loại này mất giá ghê gớm quá, nên không phàn nàn nhiều”, Quang cho biết.
Có kinh nghiệm nuôi rùa cảnh từ hồi học THCS, cậu nói thêm, ban đầu khi chưa có thông tin về tính nguy hiểm, rùa tai đỏ rất được chuộng vì giá phải chăng. Còn hiện nay, những người chơi rùa cảnh ồ ạt đẩy bán loài này vì đã ý thức được mức độ nguy hiểm. Giá mỗi con rùa tai đỏ giống trước kia đã 40.000-50.000 đồng thì nay đã nuôi trưởng thành bán ra cũng chỉ “lãi” khoảng 20.000-30.000 đồng.
Ốc bươu vàng
Ngoài rùa tai đỏ, một loài sinh vật ngoại lai khác cũng được bán tràn lan là ốc bươu vàng. Anh Thắng, chủ một đầu mối chuyên cung cấp ốc cho các quán tại Hà Nội cho biết, giá ốc bươu vàng hiện nay khoảng 20.000-30.000 đồng/kg, còn ốc nhồi xịn lên tới xấp xỉ 100.000 đồng. Anh Thắng cho biết, những quán ăn quảng cáo chế biến món ăn từ ốc nhồi xịn ở Hà Nội không nhiều, chủ yếu dùng ốc bươu vàng để thay thế.
“Ốc nhỡ và bé thì gọi là ốc mít, còn ốc to thì gọi là ốc nhồi… loại nào cũng dùng để chế biến món ăn được tuốt”, anh này thông tin. Theo tiết lộ, mỗi ngày, có khoảng 20 kg ốc bươu được thu gom từ các đầu nậu bán lẻ được anh Thắng giao cho các cửa hàng kinh doanh, dân buôn ở chợ. “Ốc bươu vàng nhớt hơn so với ốc nhồi nên phải làm kỹ, nhưng khi ăn thì khó mà phát hiện đâu là thịt ốc bươu, đâu là thịt ốc nhồi”, tiểu thương nói trên chia sẻ.
Ốc bươu vàng sinh sản nhanh, gây hại mùa màng hiện nay được bán tràn lan trong các quán ăn, quán nhậu. Thậm chí, có thời điểm, nhiều đầu mối thu gom ốc bươu với số lượng lớn và giá cao, không rõ mục đích. |
Ít người biết, ốc bươu vàng trước đây được nhiều người nuôi làm cảnh vì đẻ trứng màu hồng nhìn rất đẹp. Cách đây khoảng 15 năm, khi mới du nhập vào Việt Nam, loại ốc này được săn lùng để nuôi làm cảnh. Sau đó, các cơ quan khoa học đã phát hiện ra đặc tính của loài này là ăn lá lúa, khiến cho mùa màng bị tàn phá song vì giống ốc này sinh sản nhanh nên không tiêu diệt được hết. Hiện tại, ốc bươu vàng vẫn là vấn nạn lớn với người nông dân khắp cả nước và tại nhiều địa phương, chính quyền phải phát động chiến dịch tiêu diệt loại sinh vật ngoại lai nguy hiểm này.
Cá đầu sấu
Bài học sinh vật ngoại lai vẫn chưa dừng tái diễn khi gần đây, thị trường sinh vật cảnh xuất hiện một số loại lạ được nhiều người tìm mua, trong đó có cá đầu sấu hay còn gọi là cá sấu hỏa tiễn. Loại cá này có nguồn gốc từ nước ngoài, du nhập về Việt Nam và được nhiều nhà sưu tầm sinh vật cảnh nuôi làm cảnh. Tuy nhiên, đây là loài ăn tạp nên nếu xuất hiện trong môi trường tự nhiên sẽ tiêu diệt các loài cá, thủy sinh khác, gây mất cân đối chuỗi sinh thái tự nhiên.
Cá đầu sấu vẫn được bán ồ ạt trên thị trường với mức giá cả triệu đồng một con dù các nhà khoa học cho biết đây là loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm. |
Tại Hà Nội, “mốt” chơi cá đầu sấu xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây. Có những người chấp nhận chi trả cả 500.000 đồng, thậm chí cả triệu đồng để sở hữu một con cá đầu sấu đẹp. Còn ở khu vực phía Nam, dân chơi sinh vật cảnh biết đến loài cá này sớm hơn. Giá bán mỗi cặp cá giống đã khoảng 200.000-300.000 đồng, đến khi nuôi trưởng thành, một cặp cá sấu hỏa tiễn kích thước hơn 1 mét được rao bán gần chục triệu đồng cách đây chưa lâu. Thậm chí, theo anh Hiền, chủ nhân của cặp cá nói trên, đã có người rao bán cặp cá với giá 12 triệu đồng.
Khi làn sóng “động vật lạ” như cá đuối, cua ma… du nhập vào thị trường sinh vật cảnh, cá sấu hỏa tiễn mới tạm “nguội”, còn theo nhiều người sưu tầm cá cảnh, trước đó, loài cá này trở thành hàng hiếm được săn tìm trên thị trường. Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, hầu như các cửa hàng bán cá cảnh, sinh vật cảnh vẫn phân phối loài sinh vật ngoại lai nguy hại này, vì lợi nhuận.
Mạnh Cường
Theo Infonet