49 năm sau ngày giang sơn thu về một mối, người sản phụ trẻ năm nào, nay đã ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy", cháu nội, cháu ngoại đề huề. Gần đây, sức khỏe bà Bê giảm sút, đi lại khó khăn do chứng bệnh xương khớp, chỉ làm được những việc lặt vặt trong nhà. Niềm an ủi lớn nhất của bà là các con, các cháu sống quây quần bên cạnh và hết mực hiếu thảo với bố mẹ, ông bà.
Bà Bê và anh Lê Thanh Bình – người con được sinh ra đúng vào trưa 30 tháng 4 năm 1975. |
“Vượt cạn” trong loạn lạc
Bà Bê kể: "17 tuổi, tôi lập gia đình. Ông xã tôi là lính hải quân chế độ cũ. Ổng lái xe cho tùy viên Tư lệnh Hải quân nên đi suốt nhưng được cái tốt tính và rất thương vợ con. Tôi sinh thằng con đầu năm 1971, hai năm sau thì đẻ thêm con nhỏ thứ hai. Thằng thứ ba thì sinh đúng vào ngày giải phóng".
Ông Lê Hoàng Văn (78 tuổi, chồng bà Bê) nhớ lại: "Những ngày cuối tháng 4/1975, thành phố Sài Gòn rất hỗn loạn. Máy bay trực thăng gầm rú trên trời. Tiếng pháo kích của quân giải phóng ngày càng gần hơn. Người chạy loạn từ các nơi đổ về. Tướng tá, công chức cao cấp tìm mọi cách đưa vợ con ra nước ngoài. Cướp giật, hôi của tràn lan. Lính tráng tụi tui thì như rắn mất đầu, mất hết tinh thần. Anh em tập trung thành từng nhóm, xì xào bàn tán và câu chuyện thời sự được đề cập nhiều nhất là nên đi hay ở lại. Một số người trong đơn vị rủ tôi xuống tàu di tản nhưng tôi từ chối vì bà xã sắp tới ngày sinh nở. Tối 29/4/1975, khi những chiếc tàu hải quân cuối cùng rời Bến Bạch Đằng hướng ra cửa biển Cần Giờ thì vợ tôi chuyển dạ".
Ông Lê Hoàng Văn, chồng bà Bê. |
Bà Bê vẫn nhớ rõ mồn một buổi tối hôm ấy. 22 giờ đêm, chồng bà hớt hải đèo vợ trên chiếc xe Honda 67 đến nhà hộ sinh của mụ Ánh nằm cạnh Lăng Ông Bà Chiểu (Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt). Đường phố Sài Gòn tối om và vắng lặng đến rợn người. Buổi tối không ai dám ra đường vì sợ tên bay, đạn lạc. Các cửa hiệu, nhà dân trên Đại lộ Chi Lăng (nay là đường Phan Đăng Lưu) đóng cửa, tắt đèn. Thi thoảng, những phát súng AR15 của một anh lính Sài Gòn nào đấy nổ vu vơ phá tan không gian tĩnh mịch. Qua ánh sáng của đèn pha xe, bà Bê nhìn thấy quần áo lính, cảnh sát bị vứt thành đống ngổn ngang trên đường. Bót cảnh sát Hàng Keo (nay là trụ sở Công an quận Bình Thạnh) thường ngày luôn đông đúc nhưng tối hôm ấy không một bóng người. Các chốt gác trống trơn.
Gần đến nhà hộ sinh thì một toán lính biệt động quân từ trong lăng Tả quân Lê Văn Duyệt bất ngờ xuất hiện, súng ống lăm lăm, đằng đằng sát khí. Sợ đám lính nổ súng ẩu, ông Văn la lớn: "Đi đẻ, đi đẻ mấy anh ơi".
Thấy bà Bê ngồi sau xe ôm bụng bầu nhăn nhó, viên chỉ huy khoát tay ra hiệu cho ông Văn đi tiếp. Đến nhà hộ sinh rồi mà trống ngực của đôi vợ chồng trẻ vẫn còn đập thình thịch.
"Lúc ấy quân đội Sài Gòn đã gần như tan rã, kỷ luật trong quân không còn, trong khi binh lính còn đầy đủ vũ khí, tâm lý thì cực kỳ căng thẳng, hoang mang xen lẫn bất mãn... Họ có thể nổ súng vào bất cứ ai, bất kỳ lúc nào" - ông Văn giải thích.
Vợ chồng bà Bê đang sống cùng gia đình anh Lê Thanh Bình (bìa phải). |
Thông điệp yêu thương
Muốn quay về nhà mang thêm ít đồ dùng cá nhân cần thiết cho vợ nhưng vì lo gặp nguy hiểm trên đường nên đêm ấy ông Văn quyết định ở lại nhà hộ sinh.
Bà Bê kể: "Lúc bị toán lính chặn lại, tôi muốn đứng tim. Chắc thằng nhỏ trong bụng cũng biết sợ nên không còn quẫy đạp đòi chui ra nữa. Đó cũng là sự may mắn. Sinh vào buổi tối hôm ấy sẽ rất căng. Nhà hộ sinh thắp đèn dầu tù mù, ánh sáng không đủ. Tôi nằm chờ đến xế trưa 30/4 thì chuyển dạ. Lúc bà mụ Ánh nhẹ nhàng đặt thằng nhỏ mới sinh lên ngực tôi, chiếc radio của nhà hộ sinh đang phát đi lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Tôi nhớ giấy chứng sinh hồi ấy ghi rõ thằng con tôi chào đời vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975.
Niềm vui của gia đình bà Bê được nhân đôi vì chỉ vài hôm sau, vợ chồng bà vui mừng đón bố chồng đi tập kết trở về miền Nam cùng những đoàn quân trong ngày vui đại thắng. Ông Văn vẫn nhớ ngày theo mẹ xuống Long An đưa bố lên tàu đi tập kết ra Hải Phòng, khi ấy ông còn là một đứa trẻ mới 8 tuổi. Để che mắt chính quyền Sài Gòn, khi đến tuổi trưởng thành, ông Văn buộc phải đi lính và khai báo trong lý lịch là bố mất sớm, cho dù gia đình vẫn liên lạc với bố ông qua một hộp thư bí mật. Và, đó cũng là lý do ông Văn không di tản ra nước ngoài dù vẫn có thể bố trí cho cả gia đình xuống tàu trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
"Được trở về miền Nam đoàn tụ cùng vợ con và các cháu sau hơn 20 năm bị chia cắt bởi chiến tranh, khi tuổi đã xế chiều, ba tôi đã rất hạnh phúc khi được bế trên tay đứa cháu nội chào đời đúng vào thời khắc đặc biệt ấy. Chỉ tiếc là ông sống cùng chúng tôi được 7 năm thì mất. Ba tôi đã đặt tên cho cháu là Lê Thanh Bình. Hai đứa cháu nội tiếp theo lần lượt được đặt tên là Hạnh và Phúc, thể hiện tâm nguyện sâu kín của ông trước khi mất. Đó là đất nước mình sẽ không còn cảnh đổ máu, ruột thịt chia cắt bởi chiến tranh. Các thế hệ con cháu được sống trong thanh bình và hạnh phúc" - ông Văn chia sẻ.
Anh Lê Thanh Bình (49 tuổi, con trai bà Bê) hiện nay đang là nhân viên công ty cấp nước Tân Hòa thuộc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco).
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.