Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Singapore từ chối thay Việt Nam đăng cai ASIAD 18

Đảo quốc Sư tử không xem việc giành quyền đăng cai ASIAD là ưu tiên hàng đầu mà chỉ tập trung toàn lực để tổ chức SEA Games 2015.

Sau khi Việt Nam quyết định rút lui vào chiều 17/4, Singapore nổi lên là ứng cử viên sáng giá để nhận lại quyền đăng cai ASIAD 2019. Họ có nguồn lực tài chính mạnh mẽ, cơ sở vật chất hiện đại. Chuẩn bị cho SEA Games 2015, Singapore sắp khánh thành một trung tâm thể thao trị giá 1 tỷ USD, trong đó có 1 SVĐ sức chứa 55.000 chỗ ngồi, một trung tâm thể thao dưới nước có sức chứa 6.000 chỗ ngồi.

Ông Ng Ser Miang hiểu quyết định rút đăng cai ASIAD của Việt Nam nhưng không muốn Singapore nhận quyền đăng cai. Ảnh: Reuters.
Ông Ng Ser Miang hiểu quyết định rút lui của Việt Nam nhưng không muốn Singapore nhận quyền đăng cai ASIAD 18. Ảnh: Reuters.

Với điều kiện của Singapore, họ hoàn toàn có thể đáp ứng được những yêu cầu để tổ chức đại hội thể thao lớn nhất châu lục. Tuy nhiên, quốc gia này không mặn mà với việc trên. “Chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo một kỳ SEA Games thành công. Việc đăng cai ASIAD không phải là ưu tiên của chúng tôi lúc này”, Ng Ser Miang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và là chủ tịch Ủy ban Olympic Singapore cho biết.

Hà Nội đã được trao quyền tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019, nhưng chi phí đăng cai là một trở ngại lớn. Các nhà kinh tế tính toán để sự kiện diễn ra tốt, quốc gia đăng cai phải bỏ ra khoảng 500 triệu USD và có thể đội lên nhiều lần. Đây là khó khăn khiến các quốc gia khác không dám nhận.

“Chúng ta phải biết rằng ngân sách cho một sự kiện như vậy sẽ khác bây giờ. Chính phủ Indonesia có thể sẵn sàng tiếp nhận, nhưng thành phố đăng cai sẽ như thế nào. Chúng tôi rất vui trước việc Surabaya làm chủ nhà Asian Youth Games 2021 nhưng chúng tôi cũng sẽ thảo luận về ASIAD 2019”, Rita Subowo, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia bày tỏ nghi ngại.

Hiện tại Hội đồng Olympic châu Á (OCA) vẫn đang chờ xác nhận rút quyền tổ chức ASIAD từ phía Việt Nam trước khi tìm quốc gia thích hợp thay thế. “Tuyển chọn một thành phố và chuẩn bị cho thành phố đó đăng cai ASIAD là một quá trình đòi hỏi thời gian, nhưng chúng ta chỉ có 5 năm để làm cả hai việc", Ng Ser Miang nêu lên 2 vấn đề lớn nhất sau khi Việt Nam rút lui.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, việc 1 quốc gia bỏ ra hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD để làm chủ nhà 1 đại hội thể thao quy mô như ASIAD là không hề dễ dàng. Trong quá khứ, Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 quốc gia có tiềm lực kinh tế rất mạnh cũng từng rút lui như Việt Nam. Một nền kinh tế hùng mạnh khác là Ấn Độ hiện vẫn quay cuồng giải quyết rắc rối xung quanh việc tổ chức Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung 2010 (Commonwealth Games) ở New Delhi, nơi họ bị chỉ trích rất nặng nề.

Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm