TraceTogether, chương trình truy vết người nhiễm Covid-19 của Singapore, mới đây giành được giải thưởng về Đổi mới Sáng tạo của Chính quyền trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020, vượt qua ba ứng cử viên khác từ Đài Loan và Ấn Độ ở vòng chung kết châu Á - Thái Bình Dương.
Kết quả được công bố sau khi các tổ chức chính quyền trên toàn thế giới bỏ phiếu lựa chọn.
TraceTogether bao gồm một ứng dụng di động và một thiết bị đeo (token). Thiết bị đeo này sẽ giúp những người lớn tuổi, trẻ em và những người không dùng điện thoại thông minh có thể truy vết dịch hiệu quả. Bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập thông qua công nghệ Bluetooth, cả ứng dụng và thiết bị đeo đều có thể xác định những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19.
Jason Bay, trưởng nhóm phát triển TraceTogether và Giám đốc cấp cao Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore, nói trong tuyên bố hôm 7/12: “Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ mà chúng tôi nhận được từ 3,4 triệu người dùng - tương đương 60% dân số Singapore”.
Tính đến ngày 13/12, con số này đã tăng lên đến 65% dân số Singapore, theo dữ liệu từ chính phủ.
Ứng dụng di động và thiết bị đeo (token) của TraceTogether. Ảnh: Straits Times. |
Mục tiêu bước vào giai đoạn 3
Mục tiêu người dùng TraceTogether đạt 70% dân số Singapre là một trong ba điều kiện bắt buộc để nước này có thể chuyển sang giai đoạn ba của quá trình mở cửa đất nước sau đại dịch Covid-19. Hai điều kiện còn lại là tuân thủ quy định phòng chống Covid-19 và đủ khả năng làm xét nghiệm.
Để đạt được mục tiêu này, chính phủ Singapore đang đẩy mạnh việc cung cấp thiết bị đeo (token) của TraceTogether, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tính cấp thiết của chương trình.
Nhóm Chính phủ Kỹ thuật số và Quốc gia Thông minh của Singapore (SNDGG) khuyến khích người dân truy cập trang web TokenGoWhere hoặc tìm kiếm các áp phích được dán trên bảng thông báo trong khu dân cư để cập nhật thông tin về chương trình.
Người phát ngôn của SNDGG cho biết ngoài việc chạy quảng cáo để khuyến khích sử dụng TraceTogether, các bốt trợ giúp cũng được đặt tại các trung tâm thương mại “khắp Singapore” để tiếp cận người dân cần sự trợ giúp.
Cơ quan chức năng cũng liên hệ với các doanh nghiệp để đưa việc sử dụng TraceTogether trở thành quy định bắt buộc khi đón tiếp khách hàng.
Trước những lo ngại của người dân về rò rỉ thông tin cá nhân, SNDGG cho biết cả ứng dụng TraceTogether và token đều “bảo vệ quyền riêng tư” của người dùng.
Chương trình không thu thập vị trí qua GPS (hệ thống định vị toàn cầu) và các thiết bị chỉ trao đổi tín hiệu Bluetooth được mã hóa, ẩn danh với các thiết bị TraceTogether khác gần đó.
Người dân quét thiết bị đeo (token) của TraceTogether. Ảnh: Straits Times. |
“Dữ liệu Bluetooth cũng tự động bị xóa sau 25 ngày và các cơ quan chức năng chỉ yêu cầu cung cấp dữ liệu này khi người dùng được xác nhận là trường hợp dương tính với Covid-19”, phát ngôn viên của SNDGG nói.
Sau khi nhu cầu sử dụng TraceTogether tăng vọt vào tháng 10, các token hiện được tăng cường phân phối tại nhiều địa điểm công cộng.
Vào cuối tháng này, đăng ký bằng ứng dụng TraceTogether hoặc token sẽ là bắt buộc tại các địa điểm công cộng, bao gồm nhà hàng và trung tâm mua sắm.
Thận trọng khi mở cửa trở lại
Đã hơn 5 tháng kể từ khi Singapore chuyển sang giai đoạn hai của quá trình mở cửa trở lại. Số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng của Singapore đang ở mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch.
Dù TraceTogether phần nào đẩy nhanh quá trình truy vết người nghi nhiễm và ngăn chặn Covid-19 lây lan, chính phủ Singapore vẫn đang rất thận trọng trước khi bước vào giai đoạn ba của quá trình mở cửa trở lại.
Giáo sư Teo Yik Ying tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng chính phủ cần phải đảm bảo người dân tuân thủ nghiêm túc quy định phòng chống Covid-19 trước khi bước vào giai đoạn ba.
Hiện người dân Singapore nhìn chung đã khá quen với quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giãn cách xã hội và không tụ tập theo nhóm trên 5 người. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp vi phạm.
Hồi đầu tháng này, một nhà hàng ở Trung tâm Triển lãm Quốc gia Singapore bị buộc phải đóng cửa trong 20 ngày do phục vụ bữa tối với 75 khách tham dự vào tháng 10.
Một cửa hàng giày cũng bị phạt đóng cửa trong 10 ngày do có quá nhiều khách tập trung tại đây hôm 11/12.
Giới quan sát nhận định việc xử phạt các vi phạm này cho thấy cam kết của chính phủ Singapore trong việc áp dụng nghiêm túc các quy định ngăn chặn Covid-19.
Người dân Singapore bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng. Ảnh: Straits Times. |
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, phác đồ xét nghiệm cho người nghi nhiễm được áp dụng khá hiệu quả. Điều này giúp phát hiện và cách ly kịp thời các ca bệnh.
Giáo sư Dale Fisher, cố vấn cao cấp của bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia, cho biết chiến lược xét nghiệm của Singapore là ngăn chặn từ nhiều hướng.
Chiến lược này bao gồm xét nghiệm những người có biểu hiện bị bệnh đường hô hấp cấp tính và những người tiếp xúc gần, đồng thời xét nghiệm định kỳ đối với những cư dân trong các khu tập thể, khu công nghiệp có nguy cơ cao và các y bác sĩ ở tuyến đầu.
Ngoài việc ngăn chặn lây lan trong cộng đồng, Singapore cũng tăng cường đề phòng đối với các ca bệnh ngoại nhập.
Trước tình trạng Hong Kong ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt từ ngày 21/11, chính phủ Singapore tuyên bố hoãn thực hiện thỏa thuận về “Bong bóng du lịch hàng không” (Air travel bubble) đối với Đặc khu này.
“Điều này là để bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở cả hai phía cũng như sức khỏe của khách du lịch”, cơ quan hàng không Singapore cho biết.
Trước đó, chính phủ Singapore đã triển khai thành công các giao thức mới tại các cuộc họp và hội nghị quy mô lớn như Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore, Lễ hội Công nghệ Tài chính Singapore (SFF) và Tuần lễ Sáng tạo và Công nghệ Singapore (SWITCH) 2020, và gần đây nhất là TravelRevive với quy mô lớn nhất lên tới 1.000 người tham dự kể từ khi Covid-19 bùng phát.
Các giao thức mới được Singapore áp dụng bao gồm: xét nghiệm Covid-19 cho người tham gia ngoại quốc ngay tại sân bay Changi hoặc bệnh viện đa khoa, có kết quả trong 60 phút; kiểm tra nhiệt độ và xét nghiệm nhanh Covid-19 tất cả người tham gia trước khi vào sự kiện; sử dụng TraceTogether trên cả ứng dụng điện thoại và thiết bị đeo TraceTogether token để truy vết nguồn bệnh nếu phát hiện bất kỳ ca nhiễm nào.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết tất cả hội nghị quốc tế tổ chức tại Singapore đều sẽ tuân thủ các biện pháp an toàn và sức khỏe cộng đồng nghiêm ngặt.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ được tổ chức tại Singapore từ ngày 13-16/5/2021. Ảnh: Reuters. |
Với các quy định này, Singapore đang hướng tới giai đoạn ba của quá trình mở cửa trở lại và đặc biệt là Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức ở nước này vào năm sau. Khác với thông lệ hàng năm, đây sẽ là lần thứ hai WEF được tổ chức ngoài Thụy Sĩ và là lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia châu Á.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore hôm 7/12 cho biết quyết định của Diễn đàn Kinh tế Thế giới phản ánh sự tin tưởng vào quá trình xử lý Covid-19 của Singapore.
Đại diện WEF cho biết hội nghị tại Singapore là sự kiện lãnh đạo toàn cầu đầu tiên giải quyết vấn đề phục hồi trên toàn thế giới sau đại dịch. Sau khi xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn, Đảo quốc Sư tử được xem là quốc gia thích hợp để tổ chức hội nghị quy mô lớn.
Việc đăng cai Diễn đàn Kinh tế Thế giới là cơ hội để Singapore quảng bá và phát triển nhiều lĩnh vực. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) nhận định rằng quyết định của WEF phản ánh sự tin tưởng của diễn dàn với các biện pháp phòng chống dịch tại Đảo quốc Sư tử.
Hội nghị là bước mở đầu cho chuỗi những sự kiện BTMICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...), thậm chí cả du lịch phổ thông, tái hoạt động trong thời gian tới.
Hàng năm, diễn đàn này có khoảng 3.000 người tham dự. Sự kiện năm 2021 sẽ được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 16/5/2021 ở Singapore.