Tại quốc đảo Singapore, cát đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những chiếc sà lan chở cát băng qua các tuyến đường biển của Singapore phổ biến như hàng dài những chiếc bán tải nối đuôi nhau trên xa lộ liên bang nước Mỹ.
Theo Bloomberg, Singapore là một trong những quốc gia có mật độ dân số dày đặc nhất thế giới và nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt hơn, đảo quốc sẽ không thể sinh tồn nếu thiếu hàng nghìn tấn cát được mua về mỗi ngày này.
Vấn đề tồn vong quốc gia
Quốc gia Đông Nam Á đang dần hồi sinh sau những nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, câu trả lời cho câu hỏi về tương lai của Singapore không nằm ở những tòa tháp văn phòng chọc trời hay những trung tâm mua sắm sầm uất.
Vấn đề sinh tồn của Singapore nằm ở vùng nước xung quanh nó. Quốc gia nhỏ bé có diện tích chỉ bằng một nửa đảo Maui và nằm trong nhóm các quốc gia giàu nhất thế giới vô vọng mở rộng lãnh thổ giữa biển nước mênh mông nếu thiếu nguồn cung cát.
Với một đảo quốc khi mực nước biển ngày càng dâng cao, cát là nguyên liệu vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Kể từ những năm 1960, Singapore đã tăng dần diện tích lãnh thổ lên gần 25%. Trên thực tế, lãnh thổ Singapore không liền mạch. Quốc đảo này có khoảng 40-70 hòn đảo nhỏ xung quanh. Sau quá trình lấn biển, một số hòn đảo được sáp nhập và dùng trong mục đích nông nghiệp. Số khác dùng để phục vụ quân đội quốc gia.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trong năm 2016 Singapore đã nhập khẩu 38,6 triệu tấn cát và thêm 59 triệu tấn vào năm 2018, hơn một nửa trong số đó đến từ Malaysia. Một trong những dự án cải tạo đất lớn nhất đến hiện tại của Singapore là cảng lớn Tuas, dự kiến mở cửa theo từng giai đoạn cho đến năm 2040.
Giới chức trách cho biết, giai đoạn đầu tiên của dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2021 với chi phí khoảng 1,8 tỷ USD, sử dụng 88 triệu mét khối vật liệu để cải tạo khoảng diện tích tương đương với 383 sân bóng đá.
Sà lan chở cát ở cảng Singapore. Ảnh: Bloomberg. |
Nhiều biểu tượng của Singapore mọc lên từ những vùng vốn là biển nước, bao gồm khách sạn và sòng bạc Marina Bay Sands, sân bay Changi hay cảng Singapore. Đường bờ biển Singapore giờ đây khó thể nhìn thấy khi hàng trăm tòa nhà và chung cư cao cấp đổ xô mọc lên trong nhiều năm qua.
Thực tế, đây là một năm buồn cho ngành xây dựng ở Singapore. Hoạt động giảm 44,7% trong quý III/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II, kết quả thậm chí sụt giảm đến 59,9%. Ngành xây dựng chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi sự bùng phát của Covid-19 tại các khu ký túc xá cho lao động nước ngoài, thành phần lao động chính trong ngành. Nhiều chuyên gia dự đoán hoạt động xây dựng dần bình ổn và phục hồi, nhưng nó có thể là một chặng đường dài hơi.
Bất chấp sự ảm đạm của ngành công nghiệp xây dựng, nhu cầu về cát của đảo quốc Đông Nam Á vẫn còn đó, theo ông Adam Switzer, phó chủ tịch Trường Môi trường Châu Á tại Đại học Công nghệ Nanyang.
“Giống nhiều nơi khác trên thế giới, Singapore cần phải bảo vệ bờ biển trước mực nước biển dâng cao trong tương lai. Do vậy, nhu cầu mua cát lúc nào cũng có sẵn”, ông Switzer nói.
Biến đổi khí hậu là nhân tố nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự tồn vong của Singapore. Nếu trái đất tiếp tục nóng lên như tốc độ hiện nay, một khu vực rộng tới 3.400 sân bóng đá ở trung tâm Singapore có thể chìm trong nước biển vào năm 2100. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng phát biểu: “Mọi thứ đều không quan trọng bằng việc bảo vệ sự tồn vong của quốc đảo".
Tìm kiếm nguồn cung thay thế
Ở vị trí giữa đại dương như Singapore, cát là nguồn tài nguyên quý giá như dầu mỏ và nước khoáng. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn cung cát ổn định dần trở nên khó khăn hơn đối với chính phủ Singapore.
Nhu cầu thu mua cát của Singapore dần vướng vào tranh cãi. Một số quốc gia từng bán cát cho Singapore như Việt Nam, Campuchia, Indonesdia nay đã ngưng xuất khẩu cát vì lo ngại suy thoái môi trường.
Malaysia - nguồn cung cát lớn nhất cho Đảo quốc sư tử cũng ra lệnh cấm bán cát biển ra nước ngoài hồi năm 2019. Nhiều người hoài nghi quốc gia này cũng có kế hoạch mở rộng các cảng trong và xung quanh eo biển Johor ngăn cách Malaysia với Singapore. Mặt khác, tương tự Singapore và Indonesia, Malaysia đang từng bước lấn biển nhằm mục đích phát triển bất động sản.
Singapore đã thử nghiệm nhiều chiến lược khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào cát của quốc đảo. Trong ngày Quốc khánh năm ngoái, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đề xuất phương án đắp đất nhằm cải tạo đất ngập nước bằng cách dựng một bức tường trên biển và bơm nước ra ngoài. Quy trình này đã được áp dụng thành công và khá phổ biến ở Hà Lan.
Một núi cát được bảo vệ tại Singapore. Ảnh: Reuters. |
Khi cuộc cạnh tranh về nguồn cung cát và các vật liệu xây dựng khác ngày một gia tăng trên khắp châu Á, Singapore cần suy nghĩ thêm về các sản phẩm thay thế hoặc tìm kiếm các nguồn nội địa thông qua khai thác địa chất. Ông Switzer bổ sung một phương án khác là sử dụng các viên làm từ thủy tinh hoặc nhựa tái chế để ngăn nước biển dâng.
Thậm chí, người Singapore nghĩ tới giải quyết vấn đề cát vụn thông qua hàng triệu tấn rác thải hàng ngày của quốc gia này. Theo Straits Times, đảo Semakau là một trong những cơ sở xử lý rác lớn nhất Singapore. Các quan chức địa phương đang nghiên cứu kế hoạch biến tro từ quá trình đốt rác để tạo ra cát lai. Loại cát này có thể sử dụng để xây các băng ghế bê tông, lối đi hoặc thậm chí là một quảng trường rộng lớn.
Phần lớn tài sản của Singapore đều gắn liền với biển. Theo lời của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore là một quốc gia nhỏ bé không có tài nguyên thiên nhiên. Điều này khiến cảng Singapore trở nên quan trọng trong tầm nhìn về sự thịnh vượng trong tương lai của đất nước này.
Hành trình từ một vùng đất nghèo khó trở thành cường quốc tài chính và thương mại châu Á của Singapore luôn đi đôi với nhu cầu về không gian và cát. Các kho dự trữ của Singapore cũng mang tính chiến lược như kho dự trữ dầu mỏ của Mỹ. Chỉ cần Singapore có mặt, cát hay những vật liệu tương tự, sẽ luôn giữ được giá trị cao trên thị trường.