Những cải cách hành chính ngay từ thời lập quốc giúp tạo hệ thống cơ quan công quyền hoạt động hiệu quả và gần như vắng bóng tham nhũng tại Singapore.
S
ingapore tách ra từ Malaysia, trở thành quốc gia độc lập từ ngày 9/8/1965. Với quy mô nhỏ, Singapore hoạt động theo mô hình chính quyền một cấp (chỉ có cấp trung ương, không có các cấp địa phương).
Hệ thống công vụ (public service) Singapore hiện bao trùm 16 bộ và hơn 50 cục tác vụ ("statutory board", hoạt động như một doanh nghiệp), với tổng số 145.000 công chức và viên chức. Công chức (civil servant) là người làm việc trong các bộ, thuộc thẩm quyền tuyển dụng, quản lý của Ban Công vụ (Public Service Commission). Số công chức hiện vào khoảng 85.000 người. Viên chức (public officer) là người làm việc trong các cục tác vụ, thuộc thẩm quyền quản lý, tuyển dụng tự chủ của các cục này.
Q
uá trình cải cách hành chính ở Singapore gắn liền với việc trọng dụng người tài tại các cơ quan công quyền. Ngay từ khi vừa tách khỏi Malaysia, chế độ sử dụng nhân tài đã trở thành xương sống trong việc quản lý tài năng ở khu vực công tại Singapore.
Mỗi năm, các học bổng của chính phủ được cấp cho sinh viên theo học tại các trường đại học hàng đầu, hầu hết ở nước ngoài. Cuộc cạnh tranh để giành lấy những suất học bổng này, dựa trên thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa và khả năng lãnh đạo, luôn được quan tâm.
Những người du học bằng học bổng trở về bắt buộc phải gia nhập lực lượng công chức cấp cao, nơi họ được thử thách, đào tạo và trang bị để trở thành những lãnh đạo hàng đầu trong hệ thống cơ quan công quyền. Những người giỏi nhất trở thành thư ký thường trực (quản lý hành chính tại một bộ) hoặc thậm chí là bộ trưởng.
Hàng năm, các công chức phải trải qua một cuộc đánh giá năng lực toàn diện, được xếp loại và tái xem xét tiềm năng sự nghiệp. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên sự thể hiện của công chức cũng như tiềm năng của họ trong việc đạt được vị trí cao hơn, chứ không phải là thâm niên. Nhiều người bị loại "thẳng tay" để nhường chỗ cho những người mới.
Kể từ thập niên 1990, chế độ sử dụng nhân tài ở Singapore bắt đầu chuyển từ xuất phát điểm là chủ nghĩa quân bình sang những mối quan ngại về việc tưởng thưởng và đãi ngộ dựa trên hiệu quả công việc. Chính phủ bắt đầu trả lương cho những quan chức và lãnh đạo chính trị hàng đầu mức lương vào hàng cao nhất thế giới, thu hút những người Singapore tài giỏi và gia tăng chi phí cơ hội của tham nhũng. Mức lương cho công chức được trả theo giá thị trường tương đương với khu vực tư nhân.
Cùng với những cải cách hiến pháp tại Singapore, Ban Công vụ được quy định là cơ quan hành chính có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ về việc bổ nhiệm, sa thải và kỷ luật công chức. Ngày nay, cơ quan này vẫn làm nhiệm vụ tuyển dụng nhân tài cho hệ thống công quyền Singapore, ra quyết định về các vấn đề kỷ luật, quảng bá và trao học bổng.
Cây viết Thomas Friedman của New York Times từng bình luận rằng hệ thống công quyền Singapore là một trong những hệ thống hiệu quả và ít tham nhũng nhất thế giới, đi cùng tiêu chuẩn cao về kỷ luật và tinh thần trách nhiệm. Nhiều người cho rằng đây chính là yếu tố chính đưa đến thành công cho Singapore, một trong 4 "con rồng châu Á".
"Tại Singapore, hè phố có thể trở nên vắng vẻ cực kỳ sớm và người ta thậm chí sẽ phạt bạn nếu bạn nhả bã kẹo cao su bừa bãi, nhưng nếu bạn chọn nơi nào đó ở châu Á để tạm trú qua cơn bão, đó sẽ là Singapore. Tin tôi đi, người đứng đầu cơ quan bảo vệ công dân ở đây không chỉ đơn thuần là bạn cùng phòng hồi đại học của ai đó đâu", Friedman viết.
Theo ông, người Singapore tin tưởng mạnh mẽ vào việc họ phải đưa được người tài năng nhất và ít tham nhũng nhất vào các cơ quan công quyền, đến nỗi họ sẵn sàng trả lương cho thủ tướng 1,1 triệu USD/năm, bộ trưởng và thẩm phán tòa án tối cao gần 1 triệu USD/năm (số liệu năm 2005).
"Trong các lĩnh vực tối quan trọng với sự tồn tại của chúng tôi, như quốc phòng, tài chính hay nội vụ, chúng tôi tìm kiếm những người giỏi nhất", Kishore Mahbubani, cựu hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, cho biết. Theo ông, cách lựa chọn người giỏi giúp hệ thống sẽ luôn có luồng máu mới để có thể vận hành hiệu quả hơn.
"Bạn mất New Orleans thì bạn còn 100 thành phố giống như thế. Nhưng chúng tôi là một thành bang. Chúng tôi mất Singapore thì không còn gì cả. Vậy nên ở Singapore, tiêu chuẩn kỷ luật và tinh thần chịu trách nhiệm rất cao".
T
ừ khi lập quốc đến nay, Singapore đã trải qua nhiều đợt cải cách hành chính lớn nhỏ. Năm 1959, khi giành được độc lập từ Anh, chính phủ Singapore đã bắt đầu quá trình cải cách hành chính, hợp lý hóa cơ cấu và các thủ tục nhằm đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia. Thông qua cuộc cải cách này, mảng công vụ dân sự Singapore được tái tổ chức, thay đổi tâm lý "thuộc địa" của công chức nhà nước cũng như sự vô cảm của họ với nhu cầu của dân chúng.
Điểm nổi bật của cuộc cải cách này là đóng cửa các cơ quan hành chính yếu kém, thay thế chúng bằng các cơ quan có hiệu quả hơn; thành lập Trung tâm Nghiên cứu chính trị (PSC) với nhiệm vụ thiết lập các nguyên tắc và hoạt động chuẩn mực để tạo thành cốt lõi cải cách khu vực công.
Đầu những năm 1980, Singapore tiến hành các cuộc cải cách hành chính quy mô lớn, nhằm cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và quản lý tài chính được phân cấp nhiều hơn. Cuộc cải cách này tập trung vào lĩnh vực như: ngân sách, hợp tác công - tư/tư nhân hóa, trọng dụng nhân tài và chống tham nhũng, một trong những cải cách quan trọng nhất.
Cải cách ngân sách chú trọng sự liên thông chặt chẽ giữa các bộ, sử dụng các quy tắc hiến pháp tài chính, áp mức chi trần cho các bộ... dưới sự giám sát của Bộ Tài chính).
Các bộ cũng có thể tự chuyển đổi ngân sách giữa các khoản chi vận hành và phát triển. Bằng cách này, các bộ cố để tích lũy một khoản thặng dư ngân sách để dùng trong những thời điểm khó khăn, chẳng hạn khi dịch SARS bùng nổ năm 2002 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Hợp tác công - tư và sự ra đời của các cục tác vụ được định hình bởi yếu tố tư nhân hóa dựa trên các nguyên tắc của quốc gia phát triển. Các cục tác vụ, hoạt động như doanh nghiệp thông qua tư nhân hóa toàn bộ hay một phần, được linh hoạt trong quản lý tài chính và nhân sự - chẳng hạn họ không bị chính quyền trung ương quản lý như các bộ. Điều này làm tăng tính độc lập vận hành và được xem là yếu tố then chốt cho sự chuyển đổi các bộ thành các cục tác vụ.
Cục tác vụ có hội đồng quản trị đứng đầu là một thành viên cao cấp của chính phủ. Giám đốc điều hành sẽ điều hành hoạt động của cục và chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị. Thành viên của hội đồng quản trị rất đa dạng, bao gồm cả người uy tín ở khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Ngoài ra còn có thể có hội đồng cố vấn, với thành viên là những người có uy tín quốc tế và am hiểu lĩnh vực đó. Ví dụ, Jack Ma là thành viên Hội đồng cố vấn quốc tế của Cục Phát triển kinh tế (EDB).
Việc chuyển sang nền hành chính công định hướng khách hàng là bước quan trọng để Singapore tiến tới nền hành chính công gần gũi với nhu cầu của công dân, thông qua việc cung cấp các dịch vụ dựa trên khách hàng, xóa bỏ các luật lệ, thủ tục, thói quan liêu... Sáng kiến gần đây nhất là chương trình Public Service for the 21st Century (PS21, tạm dịch: Công vụ trong thế kỷ 21) nhằm tạo ra văn hóa đón nhận thay đổi liên tục để hoạt động hiệu quả hơn trong giới công chức, viên chức.
Cải cách chế độ nhân tài đã được giới thiệu ngay từ đầu những năm 1960. Chính phủ ban hành chiến lược giữ người và đuổi người có chọn lọc, hay nói cách khác, những công chức có năng lực được giữ lại còn những người không có bị cho thôi việc. Năng lực là yếu tố duy nhất được đem ra xem xét trong việc tuyển dụng và mức lương được trả dựa trên giá thị trường.
Cuối cùng nhưng quan trọng nhất, kiểm soát tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ Singapore. Khi đảng Nhân dân Hành động (PAP) tiếp quản chính quyền từ Anh, tham nhũng ở Singapore vẫn phổ biến và Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng (do chính phủ Anh ban hành năm 1937) được nhận định là yếu kém. Vì vậy, pháp lệnh được sửa đổi và thay thế bằng Luật Phòng chống tham nhũng (POCA) vào năm 1960.
Kể từ đó, POCA đã trải qua nhiều lần sửa đổi để tăng sức mạnh cho Cơ quan Điều tra Tham nhũng (CPIB). CPIB được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, có thể bắt giữ nghi phạm, tìm kiếm những người bị bắt, kiểm tra tài khoản ngân hàng và các tài sản khác của công chức bị điều tra. Hiệu quả của POCA được đảm bảo bởi sự ra đời của các luật sửa đổi (năm 1963, 1966 và 1981) và luật mới (năm 1989) để đối phó với những vấn đề phát sinh.
Theo số liệu năm 2016 tại Singapore, hơn 95% vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử đều chứng kiến bị cáo bị kết tội, trong đó công viên chức nhà nước chỉ chiếm 10%, còn lại là lĩnh vực tư nhân.
M
ột trong những sự kiện đánh dấu sự chuyển mình trong quá trình cải cách hành chính của Singapore là việc ra mắt PS21 vào năm 1995. Phong trào này hướng đến mục tiêu xây dựng nền công vụ sẵn sàng trước thay đổi và sẵn sàng để thay đổi để đảm bảo sự thành công ở hiện tại và tương lai của đất nước và người dân Singapore.
PS21 thúc đẩy tinh thần sáng tạo và sẵn sàng trước thay đổi trong khu vực công, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy và tạo ra các quy chuẩn, văn hóa tổ chức khác biệt. Trọng tâm của phong trào là trao quyền cho nhân viên nhà nước để họ cảm thấy tự tin đưa ra quyết định trong hoàn cảnh thay đổi liên tục.
"Chính xác thì tinh thần đằng sau PS21 là gì? Với tôi, đó là chuyện trao quyền cho nhân viên nhà nước, bất kể cấp bậc, vai trò hay lĩnh vực công việc", Peter Ong, trưởng bộ phận công vụ dân sự tại diễn đàn và lễ trao giải PS21 ExCEL Convention 2012, nói.
PS21 khuyến khích công chức sáng tạo, dám nghĩ dám làm qua chương trình Đề xuất của Nhân viên (SSS) với quy định mỗi công chức trong 1 năm tối thiểu phải có 1 sáng kiến cải tiến hoặc đề xuất cải thiện các dịch vụ hành chính công và mỗi đơn vị phải đạt được tỷ lệ 100% người tham gia. Trong năm đầu thực hiện SSS, mỗi công chức đã thực hiện được trung bình 2,7 đề xuất, trong năm 2000 tăng lên tới 4,7 đề xuất (trong đó 60% sáng kiến đề xuất được chấp thuận và triển khai thực hiện). Năm 2004, sáng kiến đề xuất của công chức đã tiết kiệm được gần 180 triệu đôla Singapore (SGD) và trong vòng 10 năm thực hiện Chương trình PS21 giúp tiết kiệm được gần 5 tỷ SGD.
Là phương thức để giải quyết tình trạng phản hồi sai đối tượng hay các vấn đề liên cơ quan, chính sách "Không nhầm cửa" ra đời vào năm 2004. Chính sách hướng đến những người dân không biết nên trình bày vấn đề của họ tại cơ quan nào của chính phủ. Theo chính sách này, nếu một cơ quan nhận được phản hồi về vấn đề không thuộc quyền hạn của mình, cơ quan này phải đảm bảo người phản hồi được kết nối với đúng nơi cần phản hồi. Nếu việc phản hồi liên quan đến nhiều cơ quan, cơ quan nhận phản hồi cần giữ vai trò điều phối và đưa ra câu trả lời tổng hợp, theo quy tắc "Người phản hồi đầu tiên".
Năm 2012, Singapore triển khai chương trình Chuyển đổi Khu vực công (PST), theo hướng xây dựng một nền công vụ được tin tưởng, đặt công dân ở trung tâm, tập trung chức năng định hướng, hoạch định chính sách ở cấp trung ương và tự chủ ở các cục tác vụ. Họ quan niệm, có nhiều cơ quan nhưng chỉ có một hệ thống công vụ Singapore để xây dựng chính sách, đề ra giải pháp tốt nhất cho quốc gia và người dân.
Trong các nỗ lực liên quan, Trường Công vụ (CSC) thuộc Ban Công vụ có vai trò trung tâm trong việc xây dựng những năng lực cốt lõi, năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực chuyên môn nghề nghiệp, và là nơi chia sẻ, trao đổi các chân giá trị trong nền công vụ. Gần đây nhà trường quan tâm đào tạo, phát triển các năng lực mới như tư duy về tương lai, tư duy thiết kế (đáp ứng yêu cầu từng trường hợp cụ thể), năng lực hội nhập…
M
ột trong những nỗ lực lớn thuộc phong trào PS21 là cuộc vận động "Cut Red Tape", tức xóa bỏ thói quan liêu. Theo một báo cáo về cạnh tranh toàn cầu năm 2005, thói quan liêu vẫn là trở ngại tại nước này dù họ vẫn xếp hàng đầu về chỉ số cạnh tranh kinh tế.
Singapore lâu nay nổi tiếng là đất nước có nhiều luật lệ, chế tài áp dụng cho những hành động nhỏ nhất, như vứt bã cao su ra đường. Tuy nhiên cùng với phong trào PS21, việc rà soát thu gọn thủ tục và loại bỏ những quy định lỗi thời trở thành nhu cầu cấp bách, dẫn đến sự ra đời của cuộc vận động xóa bỏ thói quan liêu. Việc loại bỏ những quy định không còn cần thiết giúp giảm gánh nặng lên khách hàng, đồng thời khiến nền công vụ trở nên gọn nhẹ, hiệu quả hơn.
Cuộc vận động xóa bỏ thói quan liêu được thực hiện thông qua nhiều cơ chế: Hội đồng Vì Doanh nghiệp (PEP), Quy trình Zero (ZIP), Công chức Xóa bỏ Quan liêu (POWER) và Hội đồng Rà soát Luật lệ (RRP). Thông qua các kênh này cũng như ý kiến từ công chúng, ngành dịch vụ công tìm ra nhiều cách để hoàn thiện quy định, bao gồm đơn giản hóa, xóa bỏ hoặc nới lỏng.
RRP ra đời năm 2002 nhằm giám sát quy trình rà soát luật lệ trong khu vực công. Mọi quy định hiện hành của các cơ quan công quyền đều phải được rà soát mỗi 3 đến 5 năm. Chỉ trong 5 năm đầu tiên, tổng cộng 19.4000 quy định đã được xem xét lại.
Năm 2005, RRP được nâng cấp thành Ủy ban Luật lệ Thông minh (SRC) với quyền hạn lớn hơn, không chỉ có vai trò rà soát luật lệ mà còn làm nhiệm vụ phát triển tư duy, văn hóa và khả năng cạnh tranh. Chỉ số của Singapore trên bảng xếp hạng "Dễ dàng kinh doanh" của Ngân hàng Thế giới (tính đến tháng 6/2017, Singapore xếp thứ 2) được SRC theo dõi, các cơ quan công quyền được khuyến khích tiến hành tự rà soát luật lệ.
Các cơ quan cũng ngăn chặn thói quan liêu trong tương lai ngay từ lúc manh nha, chẳng hạn bằng cách đưa ra "luật hoàng hôn" theo đó các quy định sẽ tự động hết hiệu lực sau một mốc thời gian nhất định, hoặc bằng cách đưa ra danh sách những việc không được làm thay vì những việc được làm.
Nhiều cơ quan cũng sử dụng công nghệ thông tin và dịch vụ điện tử để hợp nhất thủ tục, giúp người dân hoàn thành công việc nhanh chóng, mà không phải chạy từ cơ quan này đến cơ quan kia.
Từ năm 1983 đến nay, Singapore đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức để áp dụng công nghệ mới. Theo đánh giá của giới chuyên môn, hiện nay Singapore đứng ở nhóm những nước dẫn đầu về tốc độ phát triển chính phủ điện tử và đang bước sang giai đoạn “phát triển công dân điện tử”.