Kết nối kinh tế là điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm chính thức Singapore và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 từ ngày 25-28/4 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: VGP. |
Doanh nghiệp ký kết gần 3 tỉ USD
Lịch trình chuyến công du kín mít với các hoạt động dày đặc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chào xã giao Tổng thống Singapore Halimah Yacob, hội đàm cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, thăm Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore – cơ quan đảm trách việc triển khai chiến lược xây dựng quốc gia thông minh và chính phủ ứng dụng kỹ thuật số của Singapore; gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn lớn của Singapore đã, đang và sẽ triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam; nghe các nhà khoa học, trí thức tại Singapore giới thiệu về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng Chính phủ kiến tạo; thăm hệ thống cảng biển và logistics hàng đầu của Singapore; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore; thăm, nói chuyện với sinh viên, giảng viên Đại học Quản lý Singapore (SMU); tham quan gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Thực phẩm và Khách sạn châu Á 2018 (Food & Hotel Asia 2018-FHA 2018), hội chợ chuyên ngành lớn nhất châu Á...
Kết nối hàng hải, hàng không
Hai Thủ tướng nhất trí khai thác tốt tiềm năng kết nối hàng không, tăng lượng khách và vận chuyển hàng hóa giữa hai nước và với nước khác; tiến tới tự do hóa Hiệp định hàng không. Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hơn nữa thông qua vận tải biển và logistics. Singapore cam kết đào tạo nhân viên hàng không dân dụng và hàng hải Việt Nam. Hai Thủ tướng hoan nghênh hai bên nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Singapore và Nha Trang.
Có thể thấy chuyến thăm Singapore đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tập trung tạo khuôn khổ kết nối chặt chẽ giữa Chính phủ với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp hai nước. Diễn đàn Doanh nghiệp với con số kỷ lục lên tới gần 700 đại biểu doanh nghiệp hai nước tham gia thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới kết nối hai nền kinh tế. Hai bên đã ký kết hơn 20 văn kiện, thỏa thuận hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực thiết yếu như khí hóa lỏng, khí ga, nông nghiệp, hàng không, quy hoạch đô thị, tổ hợp du lịch-khách sạn, giá trị lên tới gần 3 tỉ USD.
Mở cánh cửa hợp tác cảng biển và logistic
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng và các doanh nghiệp Việt Nam có dịp tìm hiểu thị trường, cơ hội kinh doanh và ký kết các thỏa thuận hợp tác mới; đồng thời, Thủ tướng cũng lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp đang và dự kiến kinh doanh tại Việt Nam và đề ra phương hướng giải quyết một số vấn đề tồn đọng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn, hấp dẫn.
Thủ tướng đối thoại với đại diện các tập đoàn hàng đầu Singapore. Ảnh: VPG. |
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với 15 chủ tịch, tổng giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Singapore đang và chuẩn bị triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Sự quan tâm và tinh thần "Nói là làm" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tác động mạnh mẽ tới cả chính giới và cộng đồng doanh nghiệp ở Singapore. Các doanh nghiệp cho biết đã xây dựng chiến lược và sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là vào những lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao và đón bắt được xu hướng phát triển mới thời công nghệ kỹ thuật số như năng lượng sạch, công nghệ cao, thành phố thông minh, nền kinh tế số. Các nhà đầu tư cũng cam kết sẽ mang những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất trên thế giới đến với các dự án sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Chuyến thăm đã mở cánh cửa hợp tác về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, cảng biển và logistics giữa hai nước mà Singapore có lợi thế đi đầu và Việt Nam đang có nhu cầu ứng dụng để phát triển.
Hai thỏa thuận quan trọng
Trong 6 thỏa thuận được ký kết với sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Singapore, có 2 thỏa thuận được giới quan sát đánh giá rất quan trọng là thỏa thuận về hợp tác phát triển khí tự nhiên hóa lỏng và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính.
Thủ tướng thăm cảng biển Singapore. Ảnh: VPG. |
Thỏa thuận hợp tác phát triển ngành khí tự nhiên hóa lỏng của Việt Nam sẽ bao gồm hợp tác trao đổi thông tin, chia sẻ những chuỗi vận hành tốt nhất, cũng như hợp tác xây dựng năng lực kỹ thuật giữa cả khu vực công và tư nhân của cả hai nước. Thỏa thuận sẽ giúp các công ty Singapore hiểu rõ hơn nhu cầu về ngành này tại Việt Nam và nắm bắt được nhiều cơ hội hợp tác hơn giữa hai nước.
Trong khi đó, thỏa thuận về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore sẽ tạo thuận lợi cho các dự án chung giữa hai nước, cũng như thúc đẩy sự chia sẻ thông tin về các xu hướng và sự phát triển công nghệ tài chính mới nổi.
Hai bên ghi nhận ngày càng nhiều ngân hàng Singapore hoạt động tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore nhằm tiếp cận thị trường vốn của Singapore và nâng cao uy tín cho doanh nghiệp. Singapore tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thông qua chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giám sát tài chính và giám sát ổn định tài chính.
TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng tham gia mạng lưới thành phố thông minh
Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh (ASCN) là sáng kiến của Chủ tịch ASEAN Singapore với mục đích kết nối tốt hơn cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và dịch vụ như thanh toán điện tử trên toàn khu vực. Phát triển đô thị thông minh sẽ dựa trên các khía cạnh: giao thông, quản lý nguồn nước, năng lượng, y tế, giáo dục, dịch vụ công, công nghệ thông tin… Mỗi thành phố tham gia mạng lưới sẽ xây dựng kế hoạch hành động của mình và thúc đẩy các dự án khả thi, phù hợp với nhu cầu và quan tâm riêng, trên cơ sở bổ trợ lẫn nhau. Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng cùng 23 thành phố khác trong ASEAN đã đăng ký tham gia mạng lưới này.