Các biện pháp quản lý an toàn và ưu tiên người đã tiêm chủng bắt đầu áp dụng ở các trung tâm bán hàng rong và quán cà phê ở Singapore vào ngày 13/10. Theo quy định mới, chỉ những người đã chủng ngừa đầy đủ mới được dùng bữa tại các địa điểm này.
Tuy nhiên, nhiều người bán cho biết họ không có thời gian để kiểm tra tình trạng tiêm chủng của khách hàng vì điều này “gây phiền phức”.
Thay vào đó, họ nói với Channel NewsAsia rằng mình sẽ để các “đại sứ” đảm bảo mọi người giãn cách an toàn - những người đứng ở lối vào các trung tâm bán hàng rong - thực hiện công việc này.
“Chúng tôi không kiểm tra (tình trạng tiêm chủng). Nó rắc rối lắm. Ngoài kia, các ‘đại sứ’ đã kiểm tra một lần ở lối vào. Tôi thấy thế là ổn”, ông Hussein Rashid - 68 tuổi, nhân viên của quán ăn Kelate tại chợ Beo Crescent - cho biết.
Chưa tiêm vaccine chỉ có thể mua mang về
Bộ Y tế Singapore thông báo những người chủng ngừa đầy đủ có thể vào trung tâm mua sắm hoặc dùng bữa tại trung tâm bán hàng rong và quán cà phê từ ngày 13/10, với nhóm tối đa hai người. Những người chưa tiêm phòng vẫn có thể mua đồ ăn mang về.
Trẻ em từ 12 tuổi trở xuống, những người từng mắc Covid-19 và đã bình phục, những người chưa tiêm vaccine nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính ngay trước đó, cũng có thể đi theo nhóm hai người.
Tấm áp phích đặt ở lối vào Khu phức hợp Chinatown. Ảnh: Channel NewsAsia. |
Bộ trưởng Bền vững và Môi trường Grace Fu cho biết các biện pháp sẽ "thực hiện một cách hợp lý phù hợp với điều kiện sẵn có".
“Vì vậy, tại các trung tâm bán hàng rong và quán cà phê, chúng tôi yêu cầu người mở bán phải nhắc nhở khách hàng nếu họ chưa tiêm phòng, họ không nên dùng bữa", bà Fu nói.
Bà Fu cho biết tại những khu vực này cũng sẽ dán áp phích và hệ thống thông báo công khai để "liên tục nhắc nhở" những thực khách chưa tiêm phòng.
Các cửa hàng cà phê cũng sẽ được yêu cầu kiểm tra tình trạng tiêm chủng của khách hàng tại một điểm cố định, chẳng hạn như tại quầy.
"Không có thời gian để kiểm tra"
Khi phóng viên của Channel NewsAsia đến khu chợ Tiong Bahru vào khoảng giờ ăn trưa hôm 13/10, bà Wong - nhân viên của L21 Hot & Cold Beverage - cho biết bà "không có thời gian để kiểm tra" tình trạng tiêm chủng của từng khách hàng.
"Một số người không chấp nhận (các biện pháp mới). Một số người có thể chưa tiêm phòng, khi bạn hỏi họ đã tiêm chưa, họ có thể không muốn mua cà phê nữa", bà nói.
Các khách hàng cũng nói rằng họ không bị kiểm tra khi mua hàng, chẳng hạn như ở cửa hàng Oikos Western Delight tại Khu phức hợp Chinatown.
Nhân viên của Oikos bày tỏ sự bối rối, nói rằng anh không biết liệu mình có nên kiểm tra khách hàng hay không.
Tuy nhiên, các “đại sứ” đứng tại khu chợ Beo Crescent, chợ Tiong Bahru và khu phức hợp Chinatown có kiểm tra tình trạng tiêm chủng của mọi người trước khi họ bước vào khu vực này.
Trong khi đó, tại các nhà hàng độc lập như Old Tiong Bahru Bak Kut Teh, chính nhân viên là người thực hiện kiểm tra.
"Một số người lớn tuổi nổi giận, nhưng không thể tránh được. Tuy vậy hầu hết khách hàng đã tiêm phòng nên mọi chuyện không quá rắc rối”, nhân viên Jason Tan - 38 tuổi - nói. "Tất cả cũng chỉ là để giúp đỡ nhau thôi. Tôi giúp họ, họ giúp tôi”.
Khách hàng xuất trình bằng chứng tiêm chủng cho "đại sứ" tại chợ Tiong Bahru vào ngày 13/10. Ảnh: Channel NewsAsia. |
Các “đại sứ” trên thực tế cho biết họ chưa gặp phải những khách hàng đặc biệt khó tính.
"Khi khách hàng nhìn thấy tấm áp phích, họ tự động đưa tôi bằng chứng tiêm chủng ngay cả trước khi tôi hỏi. Nhưng với những người lớn tuổi thì tôi phải hỏi", ông Yun - 51 tuổi, người chịu trách nhiệm tại Khu phức hợp Chinatown - cho biết.
Nếu những người già chưa tiêm nhất quyết muốn vào, ông sẽ "để họ đi", nhưng ông khuyên họ chỉ nên mua đồ rồi mang về nhà.
Một “đại sứ” khác tên Adam cho biết một số khách hàng chưa nhận liều vaccine nào tại Beo Crescent Market muốn dùng bữa nhưng đã bị từ chối.
Anh sẵn sàng dành thời gian để giải thích cho một số người lớn tuổi. "Với những khách hàng như thế này, chúng tôi sẽ cố gắng khuyên họ. Có một số người lắng nghe. Một số cụ không có mã trên ứng dụng vì họ không có điện thoại. Lúc này, họ sẽ đưa chúng tôi chứng nhận tiêm phòng”, Adam nói.
Bộ trưởng Fu cho biết thêm việc kiểm tra có thể tiến hành vào những khung giờ đã chọn từ trước, đồng thời kiểm tra thường xuyên hơn tại các trung tâm bán hàng rong và quán cà phê - nơi có số lượng lớn người cao niên chưa tiêm phòng tụ tập.
Cơ quan Môi trường Quốc gia và Cơ quan Thực phẩm Singapore cho biết những người vi phạm các biện pháp xác nhận chủng ngừa sẽ bị cảnh cáo và ghi lại thông tin.
Nếu tái phạm nhiều lần hoặc từ chối hợp tác, người dân sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Nhiều cảm xúc lẫn lộn
Ông John Lim - 44 tuổi, khách hàng tại chợ Tiong Bahru - cho biết: “Trung tâm bán hàng rong kiểm soát khá tốt. Nhưng rời khỏi đây lại là một tình huống hoàn toàn khác".
"Tôi cảm thấy an toàn vì đã tiêm phòng, nhưng tôi vẫn làm những biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang. Covid-19 vẫn tồn tại xung quanh. Nhưng các biện pháp kiểm soát mới không làm tôi cảm thấy an toàn hơn", ông nói thêm.
Đám đông ăn trưa tại chợ Beo Crescent vào ngày 13/10. Ảnh: Channel NewsAsia. |
Trái lại, Natasha Tan cho biết những hạn chế này đã làm giảm bớt sự lo lắng của cô với ông bà và cha mẹ mình.
"Dù đó là không gian mở, mọi người vẫn bỏ khẩu trang. Vì vậy, với những hạn chế mới, tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều", cô nói.
"Một số người chưa tiêm phòng, có thể họ gặp vấn đề về sức khỏe hoặc chưa hiểu hết vấn đề, tôi cảm thấy buồn cho họ. Tôi không biết họ có thể đi ăn ở đâu. Đối với người cao tuổi, các trung tâm bán hàng rong là nơi lý tưởng", cô nói thêm.
Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ rằng "những biện pháp này cần thực hiện" khi Singapore tiến tới sống chung với Covid-19, coi đây như một căn bệnh đặc hiệu.
"Khi thu hẹp phạm vi mà những ai chưa tiêm phòng có thể hoạt động, họ sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc chủng ngừa", Natasha nói.