Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc cần phải làm sáng tỏ mục đích cuối cùng của việc bồi đắp đảo nhân tạo. Không ai nghĩ họ xây một khu nghỉ dưỡng ở đó. Một số người đòi Trung Quốc giải thích họ muốn làm gì trên đó.
Phó tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ Michelle Howard
Phát biểu tại Hội nghị Jakarta, Indonesia vào ngày 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, người vừa thăm Việt Nam, nhận định việc Trung Quốc cải tạo đảo trên Biển Đông đang phá hoại tự do và ổn định tại khu vực.
“Việc Trung Quốc muốn tạo chủ quyền từ những lâu đài cát và vẽ lại biên giới hàng hải đang làm xói mòn, hủy hoại niềm tin của giới đầu tư. Hành vi của Bắc Kinh đe dọa tạo ra tiền lệ mới về việc nước lớn được tự do dọa dẫm các nước nhỏ và làm gia tăng căng thẳng, bất ổn, thậm chí có thể dẫn đến xung đột”, Reuters dẫn lời ông Blinken.
Singapore lên tiếng
Ông Blinken đưa ra tuyên bố chỉ vài ngày sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh nhằm hối thúc Trung Quốc hành động để hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông.
“Chúng ta cần kiểm soát các tuyên bố chủ quyền theo cách ngoại giao. Chúng tôi không đứng về phía nào nhưng phản đối hành động giành ưu thế bằng vũ lực hay bắt nạt. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các bên giải quyết khác biệt theo những nguyên tắc quốc tế”, ông Blinken nói.
Một ngày trước, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cảnh báo tranh chấp lãnh thổ có thể làm gián đoạn tuyến hàng hải trên biển Đông và kêu gọi ASEAN, Trung Quốc khẩn trương ký Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
“Bất cứ sự gián đoạn nào trên tuyến giao thương hàng hải ở khu vực này sẽ ảnh hưởng không chỉ Singapore mà cả kinh tế toàn cầu. Vì vậy tất cả các nước cần chia sẻ mối quan tâm chung trong việc đảm bảo tuyến thông thương hàng hải trong khu vực được mở và an toàn”, ông Ng Eng Hen phát biểu trước các tư lệnh hải quân cũng như người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển trong khu vực và quốc tế tại Triển lãm và hội nghị quốc phòng biển quốc tế (IMDEX) lần thứ 10.
Ông khẳng định dù Singapore không đứng về bên nào trong tranh chấp hiện nay trên biển Đông, song nước này lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố, thậm chí xung đột đang ngày một gia tăng.
Theo bộ trưởng quốc phòng Singapore, việc Trung Quốc và các nước tranh chấp ký kết COC - thỏa thuận ngăn cấm sử dụng vũ lực trước và trong các cuộc xung đột tiềm tàng trên biển - sẽ cho phép tất cả các bên giải quyết hòa bình tranh chấp hiện nay dựa trên quy định và khuôn khổ pháp lý được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Ông cũng đề cập mối đe dọa cướp biển và kêu gọi các nước đối thoại, hợp tác thực tế như tổ chức tập trận chung, qua đó thúc đẩy quan hệ quốc phòng ổn định giữa các nước trong khu vực.
Mỹ sẽ sát cánh cùng ASEAN
Triển lãm IMDEX 2015 (diễn ra từ ngày 19 đến 21/5) có sự tham gia của các quan chức cấp cao thuộc hải quân, không quân, cảnh sát biển và nhiều cơ quan trong lĩnh vực thi hành pháp luật trên biển của khoảng 40 quốc gia.
Theo ước tính của giới chuyên gia, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chi khoảng 200 tỷ USD để mua tàu nổi và tàu ngầm (tính đến năm 2031), đứng thứ hai sau Mỹ trong chi tiêu dành cho hải quân. Tuy nhiên, chủ đề Biển Đông là mối quan tâm lớn của những người tham gia.
Tham dự triển lãm trên, phó tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ Michelle Howard đề cập vấn đề Biển Đông. Bà Howard bày tỏ lo ngại về hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo ở biển Đông của Trung Quốc thời gian gần đây, đồng thời yêu cầu phía Bắc Kinh giải thích rõ về hành động này.
Bà Howard khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng các nước ASEAN nếu các nước “muốn cùng nhau làm gì đó để thể hiện mục đích chung” trước Trung Quốc.
Bà Howard không đề cập trực tiếp chủ trương của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter về việc mở rộng hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ ở Biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải, nhưng nói: “Chúng tôi sẵn sàng khi được yêu cầu và chỉ thị. Chúng tôi sẽ làm vậy”.
Bà Howard cho biết thật ra Mỹ đã bắt đầu tuần tra tại Biển Đông và một vài lần chạm mặt tàu Trung Quốc trên vùng biển quốc tế nhưng không xảy ra sự cố gì do các bên tuân thủ nguyên tắc liên lạc, trao đổi đã được thống nhất từ trước. Lần chạm mặt gần nhất diễn ra đầu tháng 5 giữa chiếc USS Fort Worth và một tàu quân sự Trung Quốc tại Biển Đông.
“Chúng tôi đã thống nhất với Trung Quốc, do đó mọi chuyện diễn ra rất chuyên nghiệp”, bà Howard kể lại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại nhằm tránh những hiểu lầm trên biển.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định cơ chế trên có thể gặp thách thức một khi Washington mở rộng tuần tra trên Biển Đông, đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng.
Tư lệnh hải quân Australia, phó đô đốc Tim Barrett bày tỏ lo ngại về những diễn biến trên Biển Đông. “Chúng tôi quan ngại về những hoạt động cải tạo đảo làm gia tăng căng thẳng tại khu vực và Australia phản đối việc sử dụng thái độ hăm dọa, hung hăng, bắt nạt của bất cứ bên nào”, hãng Bloomberg dẫn lời ông Barrett.