Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Singapore công bố trường hợp nhiễm Zika đầu tiên

Bệnh nhân nhiễm virus Zika đầu tiên tại Singapore là một nam giới 48 tuổi từng sống ở Nam Mỹ nhiều tuần.

Bộ Y tế Singapore (MOH) và Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) công bố trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại đây hôm 13/5, Channel News Asia đưa tin.

Trong tuyên bố chung, MOH và NEA cho biết, bệnh nhân là một nam giới 48 tuổi mang quốc tịch Singapore tới Sao Paulo, Brazil, từ ngày 27/3 tới 7/5. Từ ngày 10/5, ông sốt và phát ban nên đã tới bệnh viện Mount Elizabeth Novena hôm 12/5. Các bác sĩ đã cách ly ông.

Singapore phat hien nguoi nhiem virus Zika anh 1

Con người phát hiện virus Zika từ thập niên 40 của thế kỷ trước nhưng hầu hết chúng ta chỉ biết nó vào năm 2015. Bởi trước đó, dịch Zika chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ và gây nên tác hại không lớn. Ảnh: Healthday

“Kết quả kiểm tra hôm 13/5 cho thấy bệnh nhân dương tính với Zika. Bệnh nhân sẽ được chuyển sang Trung tâm Bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Tan Tock Seng để điều trị và cách lý để giảm thiểu nguy cơ muỗi đốt bệnh nhân và lây lan virus Zika ra cộng đồng”, MOH và NEA mô tả quá trình phát hiện virus Zika trên cơ thể bệnh nhân.

Tuyên bố cũng cho biết, MOH đang theo dõi những thành viên khác trong gia đình bệnh nhân tại khu Watten Estate, còn NEA tăng cường hoạt động kiểm soát muỗi Aedes trong khu vực đó. 

Virus Zika đã lan rộng khắp Nam Mỹ và gây chứng não teo ở trẻ sơ sinh. Hôm 1/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Zika là vấn đề y tế toàn cầu và cần sự phối hợp của các nước để ngăn chặn.

Nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Campuchia, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan... đã phát hiện người nhiễm Zika. Hôm 19/1, chính quyền đảo Đài Loan phát hiện một người nhiễm Zika từ Thái Lan. Hàn Quốc và Việt Nam lần lượt phát hiện trường hợp nhiễm Zika hôm 21/3 và hôm 4/4.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh virus Zika có mối liên quan với hội chứng Guillain-Barre, tấn công các dây thần kinh ngoại vi bên ngoài não bộ và tủy sống, gây tê liệt tạm thời. Trong một số trường hợp, bệnh nhân phải sử dụng bình dưỡng khí để thở.

Mới đây, các nhà khoa học Brazil đã phát hiện virus Zika còn tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương ở cả người lớn, gây ra căn bệnh viêm não tủy cấp lan tỏa, hay còn gọi là ADEM. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ADEM thường xảy ra do hậu quả của một căn bệnh nhiễm trùng nào đó, gây sưng dữ dội trong não và tủy sống, làm thiệt hại myelin, các lớp phủ bảo vệ màu trắng xung quanh sợi thần kinh. Kết quả khiến cơ thể mệt mỏi, tê, mất thăng bằng, tầm nhìn và một số triệu chứng tương tự như bệnh đa xơ cứng.

Virus Zika được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.

Virus Zika không trực tiếp gây ra tử vong và có mối tương quan lớn đối với 2 bệnh đó là: hội chứng não nhỏ và hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Hiện tại, chưa có vắc xin phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh.

Tại sao virus Zika gây hoang mang?

Sáng 5/4, Bộ Y tế xác nhận hai trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên ở Việt Nam. Ngành y tế thế giới đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu loại virus nguy hiểm này.

Mỹ nêu biện pháp ngăn Zika lây qua đường tình dục

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra hàng loạt khuyến nghị mới nhằm hạn chế virus Zika lây lan qua đường tình dục.

Quân Vũ

Bạn có thể quan tâm