Muỗi vằn truyền virus Zika trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Y tế Peru Anibal Velasquez cho biết, các bác sĩ đã điều tra để khẳng định nguồn gốc lây nhiễm virus Zika của một phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính có phải do bị muỗi cắn hay không, AFP đưa tin.
Sau khi không tìm thấy sự xuất hiện của muỗi ở nhà riêng của cô, họ đã xét nghiệm tinh trùng của bạn trai người phụ nữ. Kết quả, virus Zika được tìm thấy trong mẫu tinh trùng của anh ta.
Bộ trưởng Velasquez nói người bệnh và bạn trai đang được điều trị tại bệnh viện, tình trạng sức khỏe đã ổn định.
Ngày 14/4, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định virus Zika chính là thủ phạm khiến hàng nghìn trẻ em mắc chứng bệnh đầu nhỏ (bệnh teo não).
Nhân viên y tế Peru phun thuốc diệt loài muỗi làm lây lan virus Zika ở ngoại ô thành phố Lima. Ảnh: AFP |
Theo Tiến sĩ Tom Frieden ở CDC, virus Zika được tìm thấy ở mô não, dịch tủy và nước màng ối ở những trẻ sơ sinh. Virus Zika có thể khiến trẻ sơ sinh bị teo não
Zika đã lây lan tới hơn 30 quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/2 ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu khi các ca nhiễm dị tật bẩm sinh nghiêm trọng tăng đột biến. WHO cũng thành lập một đội phản ứng toàn cầu trước những diễn biến lây lan của virus Zika.
Quốc gia phát hiện ca nhiễm virus Zika đầu tiên ở Mỹ Latin là Brazil. Kể từ đầu năm 2015 đến nay, số ca lây nhiễm virus này ở Brazil tăng đáng kể. Brazil đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng do virus Zika, trong đó hàng nghìn trường hợp trẻ sơ sinh bị mắc căn bệnh teo não.
Đến ngày 14/4, nước láng giềng của Brazil là Colombia công bố 2 trường hợp trẻ sơ sinh bị teo não đầu tiên vì virus Zika. Đến nay, nước này đã có khoảng 70.000 ca phát hiện nhiễm virus này.