Từ ngày 23/3, 15 trung tâm mua sắm Nguyễn Kim ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, TP bắt đầu kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, đường, dầu ăn, muối, bột ngọt, sữa, mì gói, thực phẩm đóng hộp. Bên cạnh đó, các sản phẩm đang được người dân tìm mua nhiều như gel, nước rửa tay, nước xịt phòng, giấy vệ sinh... cũng được bày bán tại những cơ sở này.
Theo đại diện Tập đoàn Central Retail, toàn bộ nguồn hàng được lấy từ hệ thống bán lẻ Big C, với giá bán tương đương chuỗi siêu thị này.
Đây là nỗ lực của Central Retail nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng thuận tiện mua sắm các mặt hàng thiết yếu, đồng thời giảm sức ép phục vụ và nguy cơ tập trung đông đúc tại Big C, góp phần đảm bảo hiệu quả cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Các mặt hàng nhu yếu phẩm được bày bán cùng sản phẩm điện máy tại Nguyễn Kim. Ảnh: Nguyễn Kim. |
Trước đó, Nguyễn Kim đã thực hiện thí điểm tại 3 cơ sở kinh doanh ở TP.HCM. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, đại diện tập đoàn nhận định sức mua tốt, do đó có thể mở rộng mô hình này ra quy mô toàn quốc trong thời gian tới.
Hồi đầu tháng 2, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Central Retail cũng lần đầu tiên áp dụng hình thức bán hàng qua điện thoại đối với Big C. Đến nay, đại diện tập đoàn cho biết "doanh số bán hàng rất khả quan". Tại các siêu thị Big C miền Nam, trong 2 tuần đầu tháng 3, lượng đơn hàng đạt 1.500. Do đó, chuỗi siêu thị dự kiến đạt 3.000 đơn hàng trong tháng 3, tăng 200% so với tháng 2.
Các doanh nghiệp bán lẻ khác như Saigon Co.op và VinCommerce cũng nhanh chóng đẩy mạnh kênh giao hàng tận nơi đã phát triển trước đó. Thậm chí, ngoài dịch vụ bán hàng qua ứng dụng VinID và trang web VinMart.com (chỉ áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM), chuỗi siêu thị VinMart còn áp dụng hình thức bán hàng qua điện thoại từ ngày 24/3 trên toàn quốc.
Trong khi đó, các địa điểm kinh doanh F&B quy mô trên 30 người, trước chỉ đạo tạm dừng hoạt động tại TP.HCM đến hết ngày 31/3, lại tìm cách duy trì doanh thu theo nhiều cách khác nhau.
Đại diện Starbucks Việt Nam cho biết vẫn mở cửa các điểm bán, trừ khu vực tầng lầu, nhưng khuyến khích khách mua mang đi. Hệ thống này chỉ sắp xếp tối đa 30 chỗ ngồi, đồng thời duy trì khoảng cách giữa các khách hàng tối thiểu 1,5-2 m theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM.
Còn nhà hàng Cơm Gà Hải Nam (quận 1, TP.HCM) khẳng định không phục vụ khách trực tiếp tại quán, chỉ áp dụng phương thức giao đồ ăn thông qua các nền tảng như GrabFood, Now, Go-Food, Baemin.
Theo chuyên gia về quản trị kinh doanh Đoàn Đình Hoàng, đây là thời điểm khó khăn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp rà soát và chuẩn hóa quy trình hoạt động, đồng thời chuẩn bị cho các chiến lược kinh doanh đột phá khi dịch bệnh qua đi. Ông khẳng định, "đây mới là giai đoạn bận rộn, còn đơn vị nào chấp nhận ngủ đông sẽ chết".